Mỗi năm cả bảy tỉ người trên thế giới mới có một giải Nobel giành cho văn học. Vì thế khi bàn đến ước muốn giật Nobel văn học cho người Việt, chúng ta dứt khoát phải bàn đến tầm vóc con người ở thứ hạng cao nhất, vạm vỡ nhất, siêu việt nhất. Điều đó hiển nhiên ngược lại những thứ văn thơ điệu đàng làm dáng khoe mẽ vớ vẩn vui chơi không thể bén mảng đến tầm cao mà cả nhân loại phải ngưỡng mộ này.
Các loài vật nói chung tình dục và sinh sản vào cuối xuân đầu hạ, đặc biệt những côn trùng bé thì sinh vào mùa hạ nhiều, như ruồi muỗi, bởi lẽ nhiệt độ ấm nóng của mùa hạ tạo điều kiện thuận lợi cho thai nhi sống sót. Người xứ nóng như Á – Phi đẻ nhiều, dân số phát triển nhanh. Đặc biệt, trong mùa hè thức ăn thường rất nhanh thiu. Cỗ bàn vào mùa hè chẳng hạn, vừa xẻ thịt lợn hay thịt gà ra, người ta đã thấy nó oải, sau đó bốc mùi, và thiu rất nhanh. Cũng vậy, người xứ nóng thường xuyên uể oải, từ đó sinh lười nhác, và đặc biệt kém cỏi về nghị lực. Trong một bộ phim giới thiệu nền du lịch của một nước châu Phi, nước sở tại chẳng ngại ngần gì khi dẫn nguyên si một bình luận của một chuyên gia phương Tây: “Đàn ông nước châu Phi này, suốt ngày đứng trong bóng râm tránh nắng, lờ đờ, uể oải, chỉ khi nhìn thấy khách du lịch phương Tây được coi là những chiếc ví biết đi, là họ hoạt bát hẳn lên, chạy theo mời chào đòi phục vụ, để kiếm tiền”.
Những nước xứ nóng ở phía Nam bán cầu thường là những nước lạc hậu, kém cỏi, chính thế mà thế giới đã mở nhiều hội nghị các nước Nam-Nam, hai từ này để tránh dùng từ “hội nghị các nước nghèo đói, chậm tiến, lạc hậu”. Về mặt nhân chủng, người xứ lạnh cần có một lỗ mũi dài để hun nóng không khí đi vào phổi, vì thế họ có một cái mũi cao – dài. Còn người xứ nóng thì mũi cần ngắn và tẹt để không khí đi tắt qua vẫn còn mát và tươi. Cái mũi ngắn hiển nhiên đi với buồng phổi bé. Dẫn đến lồng ngực bé và bờ vai xuôi. Người xứ nóng nói chung, ngực lép, vai so, mũi tẹt. Sức khỏe yếu dẫn đến lý trí yếu, chỉ chú trọng về tình cảm, bởi vì những người yếu thường có ý thức co cụm, bìu ríu, che chắn lẫn nhau.
Về điểm này các chuyên gia phương Tây đã bàn nhiều, triết gia Montesquieu chẳng hạn đã nói rất nhiều rất kỹ về thể tạng yếu ớt của người xứ nóng, theo ông người xứ nóng có hệ thần kinh đầu mút bị giãn nở nên rất yếu ớt và thiếu lý trí. Còn triết gia Hegel thì nói toẹt: người Trung Quốc không phải dân tộc lớn, sống thực dụng, thiếu cả thần thánh lẫn lãng mạn vì không có sử thi. Điều này đã làm cơ quan văn hóa của Trung Quốc bỏ công mấy chục năm đi tìm bằng chứng mà vẫn chưa thấy sử thi (trái lại ở Việt Nam do có tiền đầu tư hàng tỉ đồng cho việc tìm sử thi, mà chỉ trong vài tháng người ta tìm được ngót nghìn sử thi).
Ở Việt Nam, nhiệt độ mùa hè thường lên đến 36 – 39 độ C, vừa làm bất cứ việc gì nhỏ nhất đều toát mồ hôi, làm người rất chóng mệt, vì thế chữ “mát” là một ao ước thường trực của người Việt, nào “mát trời”, “ngồi cho mát”, “uống cho mát”, “mặc cho mát”, đặc biệt chữ “mát” đã trở thành tiêu chuẩn của hạnh phúc trong câu “ngồi mát ăn bát vàng”. Vì thế thể tạng của người Việt nói chung là uể oải lười biếng. Ngay lãnh tụ Tôn Trung Sơn còn nói về cái lười biếng của người Trung Quốc là: nhiều người để móng tay dài để khoe mình được nhàn (và lười). Không ít người Việt cũng có thói quen đó.
Xứ nóng như châu Phi dù rất nóng, nhưng có sa mạc khô và nhiều ánh nắng, vì thế mà họ có được một nền văn minh như tháp Ai Cập từ rất sớm. Về thể lực, ngay lúc này có hàng nghìn cầu thủ bóng đá da đen tham dự các câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng ở châu Âu. Họ còn được mệnh danh là những cầu thủ có khả năng thi đấu mỗi trận ba hiệp. Trái lại, cầu thủ của châu Á, như Nhật Bản, Trung Quốc… thì đếm trên đầu ngón tay. Việt Nam đã nóng còn ẩm, nhiều vũng bì bõm. Có một số người quan niệm, chỉ có văn hóa lúa nước vì bì bõm, chứ không thể có văn minh vùng lội bì bõm được.
Người là hoa của đất. Đất đai châu Á cũng bì bõm, bùn lầy, nền đất yếu. Dãy núi Hymalaya đổ từ Trung Quốc xuống Việt Nam chủ yếu là núi đá vôi, mềm bằng 1/7 đá granit. Khi gõ vào đá hay gỗ hoặc vạn vật thì chỉ vang lên 5 âm vực, gọi là ngũ cung. Trong khi đó mọi thứ ở châu Âu khi gõ vào đều vang lên 7 âm. Núi là xương của đất. Vì thiếu núi mà một dải đất phía Nam bay như “phù hiệu”, răng bị xỉn vì thiếu can xi, và rất nhiều vùng phía Bắc cả làng có đến hơn 80% mắc bệnh về cột sống. Các chuyên gia môi trường mới đây có cảnh báo, nếu thảm họa trái đất nóng lên xảy ra, nước biển dâng lên, thì Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nặng nề bậc nhất.
Nền đất yếu, khí hậu nóng ẩm, mồ hôi ra nhiều, cơ thể uể oải, phải nói tính khí con người Việt khá lười biếng, đặc biệt nghị lực yếu, hay thích làm việc dễ và nhỏ. Trong đó Thơ là môn nghệ thuật bằng lời nhỏ bé nhất. Các triết gia Hy Lạp dứt khoát rằng: nghệ thuật nếu dựa vào cảm xúc là nghệ thuật nô lệ. Bởi lẽ: cảm xúc nghĩa là dựa trên các cơ quan trực giác như mắt, mũi, tai, xúc giác… mà các cơ quan cảm giác này lại phụ thuộc vào đối tượng và hoàn cảnh. Chẳng hạn, tay sờ vào vải trơn thì thấy mịn, vào vải gai thì thấy xù xì, mắt thấy nhiều mầu thì vui, nghèo mầu thì chán… Và việc cảm xúc bị phụ thuộc vào hoàn cảnh đã nói lên chúng là nô lệ. Chính người Tàu cũng xác định Thơ là “nô lệ” phụ thuộc trong câu “Tức cảnh sinh tình”, nghĩa là, nhờ hoàn cảnh mà tâm trạng nổi hứng một bài thơ.
Có một phương ngôn chắc chắn: Một người vĩ đại được đo bằng dự án của anh ta. Đường sắt cao tốc từ Bắc chí Nam tốn hàng dăm chục tỉ đô la, được người Việt bàn nát nước mà chưa ngã ngũ, thử hỏi nếu đổ vài xẻng đất để vượt qua vũng nước, cũng là cách tức cảnh sinh việc đấy, ai cần gì bàn. Trong Kinh Thánh, Chúa Trời có nói, người xây nhà, người ta phải ngồi tính, tiền bạc, rồi vật liệu, rồi công thợ ra sao, kẻo chưa xây xong đã thiếu vật liệu, công trình đành dở dang. Vì thế mọi việc to lớn ở đời chắc chắn đều phải có dự định, rồi hoạch định thành dự án, rồi bắt tay làm. Thứ bài thơ, hay nghệ thuật vẽ vời trong nháy mắt, thì không thể là công việc có dự án của công trình vĩ đại.
Con người vĩ đại hơn muôn loài vì các nhà sinh vật phát hiện, các con vật thì thay đổi nhiệt độ cơ thể theo môi trường, còn con người thì không. Sống tùy hoàn cảnh, người Việt gọi đó là “được chăng hay chớ”, còn người Hoa gọi đó là người “tùy tiện”, cũng là bọn hạ tiện, bạ gì làm nấy, không có nguyên tắc và dự trù. Triết gia Hegel nói: chỉ có nghệ thuật căn cứ vào mắt và tai mà thành nghệ thuật thị giác và nghệ thuật thính giác, như âm nhạc, văn học là nghệ thuật của thời gian, còn hội họa và điêu khắc là nghệ thuật của không gian. Riêng mũi thì không có môn nghệ thuật nào giành cho nó bởi vì thức ăn vừa thơm đó lại thiu thối ngay. Vì thế nghệ thuật vĩ đại tức không chóng thiu, nó phải liên quan đến tính vĩnh cửu của thời gian, và bởi vậy nghệ thuật vĩ đại cũng liên quan đến tính nguyên tắc, nguyên lý vĩnh hằng – là ông chủ của vũ trụ và sáng tạo.
Trong thiên nhiên, con voi, con cá voi được loài người rất tôn trọng, có nơi như Tây Nguyên họ coi con voi như người, có vùng làm cả đền thờ thờ cá voi. Tại sao? Vì chúng lớn và quá lớn. Trong tự nhiên, các con cá nhỏ bơi quanh làm vệ sinh cho cá lớn, chứ không có chuyện ngược lại. Các chuyên gia nói: sở dĩ loài người có được nền văn minh như ngày nay là bởi có được tuổi thọ trong vòng 100 năm, đủ dài để xây dựng lên nó. Voi và cá voi cũng được thiên nhiên ban tặng tuổi thọ tương xứng với tầm vóc của chúng. Trái lại hạng yểu thọ như con phù du, cung quăng, bọ gậy hay ruồi nhặng từ vài giờ đến vài ngày, thì đều bị loài người coi rẻ qua câu “của phù du”. Một bài thơ như Tào Thục làm trong thời gian bảy bước chân, hay các nhà thơ đọc đối đáp, hoặc lâu hơn là một buổi tối liệu có phải là “của phù du”?
Con người lớn phải làm việc lớn! Việc lớn chỉ có thể sinh ra từ dự án lớn, chứ không thể tức cảnh sinh tình được chăng hay chớ. Làm một bài thơ nhỏ chỉ xứng đáng là một đoản ca, trong khi đó người Việt có thể làm được cả triệu ca khúc mới mong làm một giao hưởng. Một đoản ca không thể so với một giao hưởng. Cũng như một chuồng gà đẹp không thể sánh với lâu đài dù xấu?! Có tác giả người Việt (hình như Ông Văn Tùng) nói: tôi thấy người viết tiểu thuyết thì phải biết logic, người viết phê bình thì phải đọc nhiều sách, nhưng thấy rất nhiều người chưa kịp học hành bao nhiêu đã làm thơ. Vì làm thơ ngắn chỉ là cách biểu hiện cảm xúc, có ai cự nự phần trí tuệ của một bài thơ đâu, chẳng hạn: “sáo sậu là cậu sáo đen/ sáo đen là em tu hú/ tu hú là chú bồ các/ bồ các là bác chim ri/ chim ri là dì sáo sậu…” có ai lại cần hỏi tại sao con này là dì hay cậu của con kia?
Nhìn vào các tác giả Việt, thấy họ thiếu đủ mọi thứ. Trước hết họ là dân nghiệp dư, trong vai cán bộ nhà báo thấy sẵn sân nhà thì biểu diễn thơ hay truyện ngắn, thứ hai hầu hết họ không có ngoại ngữ (chỉ lèo tèo vài người đếm trên đầu ngón tay), thứ ba họ không hề có trải nghiệm tôn giáo – là cái chính của các nhà văn lớn trên thế giới, thứ tư họ không cần biết triết học, trừ những gì thuộc về triết học duy vật Mác – Lenin, thứ năm họ yếu đuối về nghị lực và khát vọng chỉ có mỗi ham muốn khoe mẽ chút đỉnh mấy bài thơ đọc trên môi miệng, thứ sáu họ lười nhác yếu ớt về lao động chỉ loay hoay xếp vài vần lẻ chứ không dám khởi sự đi trên đường dài, thứ bảy họ hầu như không học cái gì chu tất đến đầu đến đũa, tại sao, vì đó là tâm lý sáng tác bằng cảm xúc nô tài chờ hoàn cảnh rụng sung. Chính vì tâm lý nô tài, tức là lo làm vừa lòng cũng như ứng hợp theo hoàn cảnh của người khác mà người ta không bao giờ học tới đích một kiến thức nào đó.
Người lớn thì phải làm việc khó! Làm sao có người vĩ đại chỉ nhăm nhăm làm mấy bài thơ lẻ, để rồi còn lớn tiếng khoe mẽ thơ mình hay, chê nghệ thuật của người khác dở. Ở đời làm được thì mới nói được. Vót nhẵn được cái tăm tre sao đòi đua với người đã lên rừng vác cả nghìn cây lớn về làm cột nhà. Và như vậy vẫn còn chưa là gì so với người đẽo đá thành cột để ngôi nhà tồn tại vĩnh cửu so với ngôi nhà gỗ bị mối mọt. Nhưng với trí tuệ và nghị lực bấy bớt kiểu tranh tre nứa lá, hầu hết người Việt mới chỉ lo sáng tác thơ lẻ, thì bao giờ ước mơ Nobel của chúng ta mới trở thành hiện thực? Xin được bàn thêm đề tài Nobel ứng với tầm vóc văn hóa của người Việt. Xin cám ơn!
Paul Đức 16/10/2016
Comments