Mấy hôm vừa rồi, tôi có thời gian nên ngồi đọc lại trường ca "Ngước Lên Cao" của tác giả Paul Nguyễn Hoàng Đức. Trường ca này xét về mặt điều tra số liệu chính thức thì tác giả đã tự đề cử là trường ca thần học đứng thứ hai ở Châu Á, sau trường ca Savitri của thi hào Sri Aurobindo của Ấn Độ và cho tới nay vẫn chưa có phản biện nào chứng minh việc ông đề xuất là chưa xác thực.
Nói tới mảnh đất thần học, khi tiếp xúc, mọi người đều dễ bị hoang mang vì nghĩ rằng chưa học xong dưới đất, việc của con người, thì làm sao học được về các vị thần linh. Tuy nhiên, theo tôi thì một người chỉ cần có niềm tin tôn giáo thì cuộc đời họ đã buộc phải mở ra một ngôi trường cho thần học của mình hiện diện và ngồi trường ấy chính là hành trình sống trọn vẹn Đức Tin một đời, cho tới khi nhắm mắt xuôi tay. Theo định nghĩa cổ điển của thánh Anselmo (1033_1109): "Thần học là đức tin đi tìm hiểu biết". Tất nhiên, khi tìm hiểu thần học chuyên sâu người ta sẽ thấy có nhiều khái niệm hoặc cách phân loại đặt tên môn thần học khác nhau. Tuy nhiên, tôi thích định nghĩa này của thánh Anselmo vì đơn giản một điều ngài ấy đã xây dựng một khái niệm rất khái quát, giúp môn thần học gõ cửa tới trái tim và khối óc của mọi người có Đức Tin. Theo khái niệm này thì thần học khởi đi từ nền tảng Đức Tin là yếu tố căn tính, tiên quyết của nó. Chính bởi yếu tố này mà thần học đã khoanh vùng, lập danh sách xác định, chọn lựa học viên cho mình. Nếu không có Đức tin thì sự hiểu biết về thần học sẽ chẳng đi tới đâu và người học đã tự nguyện chấm dứt sự hiểu biết ấy hoặc sẽ bịt tai, bịt mắt, đóng trái tim, khối óc... của mình ngay từ bước chân đầu tiên khi bước qua cánh cửa thần thiêng này.
Với Paul Nguyễn Hoàng Đức qua trường ca " Ngước Lên Cao", tôi nhận thấy là những lời thơ tuyệt đỉnh dồi dào cảm xúc với mình, với tha nhân và với Thiên Chúa. Trường ca "Ngước Lên Cao," được ông xây dựng dựa trên đức tin Công giáo bằng sự hiểu biết minh tường nhiều vấn đề về tự nhiên, văn hóa, văn học, xã hội và các ngành khoa học... ông đã bước vào con đường nhận thức để tìm hiểu về Đức tin vào vị Thần của mình rất tự tin và đầy xác tín. Con đường học hỏi của ông được diễn tả rõ ràng khúc triết qua cấu trúc của bốn chương:
Chương 1: Đối thoại với tự nhiên
Tự nhiên là nơi thiên Chúa mặc khải mình ra cho con người một cách rất huyền nhiệm, Giáo Hội Công giáo coi tự nhiên là mặc khải đệ nhất về Thiên Chúa và mặc khải đệ nhị chính là Đức Giê-su. Bằng việc đối thoại với tự nhiên, tác giả Paul Nguyễn Hoàng Đức đã khắc hoạ lên được rất nhiều hình ảnh thực tại đẹp, chân thực và mang nhiều giá trị kiến thức căn bản để xây dựng lên những nhận thức siêu hình tinh tế thuyết phục từ đó làm rõ lên khuôn mặt một Đấng Tối Cao ẩn mình trở nên hiện hữu rõ ràng với người đọc. Làm người đọc bị thuyết phục hoặc buộc phải trăn trở suy tư về một Đấng Siêu Việt. Cuối cùng, sau tất cả, tự nhiên trong cái nhìn diễn tả, suy tư của tác giả làm ta không thể nào không tin hoặc đặt lại vấn đề về một Đấng Sáng Tạo làm chủ tự nhiên này.
Chương 2: Đối thoại với con người
Là một bài học lớn về lịch sử cứu độ, bao gồm nhiều kinh nghiệm đức tin được đúc kết, được sống, được xây dựng của con người trong xác tín Đức Tin của mình trong các hành động đời sống cách chân thực sống động và mang yếu tính nâng đỡ, cổ vũ, tông truyền...
Chương 3: Đối thoại với lý tưởng
Có thể nói đây là một cuộc hội đàm với tâm hồn để tìm ra chân lý là Đấng Toàn Chân, Toàn Mỹ, Toàn Thiện....lý tưởng sống cho mình, cũng như cho cả nhân loại trong tương quan với Đấng Sáng Tạo bằng mối dây tương quan thuộc về giá trị tinh thần tinh tuyền, thánh thiện.... từ đây buộc con người phải thừa nhận linh hồn và các giá trị thuộc về linh hồn mình. Đồng thời, con người cũng phải chấp nhận tất cả những gì khách quan thuộc về con người từ tốt đẹp, đến những đớn đau buồn khổ như quy luật sinh -lão-bệnh- tử... như là một tất yếu bất khả tri thuộc về con người. Đây là một điểm thần học lớn tốn rất nhiều giấy mực của các thần học gia trong giáo hội Công giáo.
Chương 4: Đối thoại với Chúa
Đây là một trao đổi về niềm tin rất rốt ráo, xác tín của tác giả. Đỉnh cao nhất là cuộc nhận diện của tác giả về mầu nhiệm ba ngôi Thiên Chúa. Đặc biệt, là vai trò quan trọng tột đỉnh của Ngôi Hai trong công cuộc cứu độ nhân loại.
Trường ca "Ngước Lên Cao" quả thật là một tác phẩm thần học viết về thần bậc thầy trong vấn đề hiểu biết để nhận thức kiện toàn Đức Tin. Tất nhiên, trong trường ca này, chúng ta thấy tác giả đề cập tới rất nhiều điểm thần học Công giáo tuy nhiên trong khuôn khổ một bài cảm nhận ngắn. Tôi không thể chia sẻ cách nhìn của mình về từng chủ đề mà tác giả đề cập bởi nó mở ra theo nhiều phương pháp nghiên cứu quá lớn. Vấn đề đào sâu hơn vào các chủ đề thần học, có lẽ để mọi người cùng đọc, cùng cảm nhận, suy tư và học hỏi cùng tác giả Paul Nguyễn Hoàng Đức thì hay hơn. Bởi trên con đường xây dựng Đức Tin dựa vào việc tìm kiếm những lý luận vững chắc khả tín, cho nhận thức, để củng cố Đức Tin vững chắc vào vị Thần của mình là trách nhiệm của mọi người sống Đức Tin ấy. Hiển nhiên, trường ca "Ngước Lên Cao" quả thật đã làm được nhiều điều rất ý nghĩa thiết thực hỗi trợ đời sống Đức Tin của chúng ta.
Trường ca đã tạo được một bài học trọn vẹn bằng nhiều phương pháp tiếp cận để hiểu về Thiên Chúa cách rất rõ ràng và khả tín. Đó là phương pháp khám phá rất tinh tế và khoa học ngang qua suy tư, từ công trình sáng tạo, qua đời sống văn hóa của Đức tin, qua lý trí suy lý về lý tưởng cuối cùng tổng kết nơi công trình cuộc đời vượt qua của Chúa Giê su để xác tín vững vàng Vào Đức Tin. Phương pháp lý giải vấn đề Thượng Đế của Paul Nguyễn Hoàng Đức tinh tế và đơn giản dễ hiểu cho cả trẻ em hay người ngoại giáo. Trường ca chứa nhiều lý luận đầy thuyết phục vì những ví dụ minh họa gần gũi, suy tư hướng dẫn qua hướng siêu hình rõ ràng, mang lý tưởng dự phóng thiết thực, có ích cho đời sống hiện sinh.
Qua trường ca "Ngước Lên Cao", tác giả đã chia sẻ được xác tín niềm tin của mình vào một Thiên Chúa trên nền tảng nhận thức cao. Từ xác tín vào niềm tin của mình, tác giả đã hướng đời sống thực tế của mình bước đi cách sống động bằng những đòi buộc dứt khoát trong đời sống hiện thực là sự dấn thân xây dựng cho đức công bình, công lý của xã hội, hướng tâm hồn tới lý tưởng toàn chân, toàn mỹ, toàn thiện...
Tóm lại, tôi thấy trường ca là một thi hứng đối thần đẹp, độc đáo và cũng là của hiếm có ở đời. Muốn đọc được trường ca, người đọc cần chuẩn bị tâm thái về phạm trù Đức tin của mình và của tác giả để chọn vị trí nhìn và cảm nhận không chỉ ở góc nhìn văn học mà còn ở tầm mức siêu hình vươn tới Đấng Toàn Năng. Sau cùng, tôi thiết tưởng, mọi tác phẩm, mọi sự kiện, mọi lời hay ý đẹp hay mọi đề tài khoa học... mà làm sáng danh Chúa và giúp người ta có thêm Đức Tin vững chắc khả tín cho Đức Tin của mình đều xứng đáng được xem như là môn học về thần hay còn gọi là thần học ( vì góp phần cụ thể cho việc học, khám phá được thêm về Thiên Chúa Toàn Năng).
Comments