top of page
Nguyen Hoang Duc

No. 24. CÕI TRẦM LUÂN

Đã cập nhật: 15 thg 6, 2023

Mặt trời chênh chếch về phía Tây, vào phút chót trước buổi hoàng hôn, nắng xiên khoai cũng kịp đổ tràn xuống mặt biển những tia nắng chói loà cuối cùng khiến mặt nước mênh mông rực sáng. Đây đó trên mặt sóng nhấp nhô mặc cho đám rêu mờ che phủ, những ngọn núi hình thù duyên dáng được dịp ngời sáng trông như những khối gương mờ ảo.


Nheo mắt lại cho đỡ chói, Hạnh buông một tiếng thở dài, rồi hút tầm mắt về phương Đông tít mờ, nơi cõi trời xanh thẳm thả vòm cuốn vĩ đại của mình xuống mặt đại dương. Xa xa những cánh buồm lớn nhỏ đang cuốn theo sóng thuỷ triều vội vàng cập bến. Những con hải âu hối hả chao liệng sát cột buồm như thể giục giã thêm cuộc trở về. Nhìn những chiếc thuyền nhẹ tênh lướt sóng, Hạnh lại mủi lòng. Chắc sau cả chuyến đi xa tít tận chân trời, dân chài cũng chẳng đánh bắt được gì. Những con cá ngày càng xa lánh con người. Cá chạy đua với tốc độ, với những chiếc thuyền gắn máy, ngay cả đến con cua con ốc, cho cả đến đám rong biển cũng biệt xứ tận đâu đâu … Nghề chài lưới ở vùng này ngày càng lụn bại. Lắm nhà đã phải bán xới tầu thuyền lên tỉnh kiếm ăn.


Mặt trời chuyển màu đỏ ối. Hoàng hôn chảy trong không gian những suối nắng dịu hiền. Đằng sau những ngọn núi, những đám mây xám sà xuống vắt lên trên không trung một mầu u uẩn. Không còn thêm cánh buồm nào hướng về bến nữa. Thế là hết hy vọng rồi! Nước mắt Hạnh trào ra. Đã ba mươi nhăm ngày qua, ba mươi nhăm ngày quá kỳ hạn mà anh ấy chưa trở về. Thiện, chồng Hạnh, kỹ sư hàng hải khoá đầu tiên. Vốn xuất thân từ tầng lớp dân chài, vì không có ô dù lại chẳng có tiền, để chạy chọt, thế là Thiện mất chức thuyền trưởng vào đúng lúc con tầu nhổ neo rời bến. Một người với khuôn mặt cậu ấm, non choẹt đã ngồi vào ghế của chàng. Chiếc ghế của con tàu VOSCO.


Chàng trở về theo nghề của ông cha, tay chèo tay lưới. Nhưng rủi thay, số đinh dân chài mỗi ngày một tăng mà luồng cá mỗi ngày một cạn. Mấy cụ già trong làng thường chép miệng cái thời… “Người khôn của khó”, “Trời sinh voi mà cỏ trốn tiệt đi đâu?” Cuộc sống ngày một khốn khổ, vợ chồng Hạnh xoay sở đủ cách mà vẫn bần cùng, túng bấn. Cách đây vài tháng, mấy người Hải Phòng, dăm người Sài Gòn đến đây nhờ Thiện đưa đi Hồng Kông, Thiện tặc lưỡi “ Phải sống đã” rồi chàng nhận lời. Chuyến đầu trót lọt. Hành trình một tuần, khi về Thiện đưa cho Hạnh ít vàng. Anh bảo “Để đấy khi nào có đủ sẽ dọi lại cái mái nhà cho khỏi dột. Ai đời, nước mưa chảy như máng xối vào ngay giường ngủ. Vả lại còn phòng khi sa cơ lỡ vận, đau ốm…”


Công việc chưa khởi đầu thì đã kết cục. Một kết cục chứa đựng dấu hiệu bi thảm. Đã ba mươi nhăm ngày, chiều nào Hạnh cũng thẫn thờ bên bờ biển, gửi tầm mắt khát vọng đến tận chân trời xa lắc, mong mỏi cánh buồm của anh. Tất cả những chấm đen trên biển đều nhận được ánh mắt dõi theo của nàng. Bao lần tim nàng thắt lại, nàng rơi vào tuyệt vọng khi những chấm đen lớn dần rồi hiện rõ thành những hình hài. Có lúc là một con tàu lớn, có lúc chỉ là một ngư thuyền, tất cả không phải chàng…Một tấm mền bọt biển cũ rích, một mái chèo gẫy, những vỏ lon bia dập dình trong mắt nàng, trong cả tâm trí nàng. Mọi vật đều hiện diện ngang tàng trân trối, chúng vừa tàn ác xói lở nỗi khát khao hoang tưởng của nàng vừa vuốt ve niềm hy vọng…Nàng vừa lau nước mắt để gạt đi nỗi thất vọng và nhen lên niềm hy vọng mới khi những chấm đen khác xuất hiện. Dù sao thì nàng cũng muốn nhìn thấy chúng, những chấm đen chứa đựng dấu hiệu của loài người.


Bóng tối dần buông xuống, mặt biển sa sầm, Hạnh đổi thế ngồi cho đỡ mỏi. Bỗng nhiên nàng nghĩ tới chuyện nàng Tô Thi hoá đá chờ chồng, ý tưởng đó khiến nàng khiếp đảm… Nàng sợ hoá đá trước khi người chồng thân yêu trở về. Một cơn gió thổi khiến nàng nổi gai. Nàng cử động các đầu ngón chân. Nắm chặt bàn tay rồi duỗi ra. Không! nàng chưa hoá đá…Nàng được kể rằng “ Ngày xưa, khi những người đàn bà hoá đá đợi chờ, đến khi người chồng trở về, anh ôm lấy mà khóc thì nước mắt sẽ lại biến đá trở nên da thịt…”. Đấy là nước mắt thuần khiết của tình yêu. Nàng hoang mang quá, ngày xưa như vậy, còn bây giờ? Nước mắt của chàng có thể chảy xuống người nàng, nhưng nước mắt chàng sẽ có lẫn đường hoá học, bột ngọt…Chàng không thể trở về mà buồng phổi và dạ dày của chàng không chất đầy khói thải của những con tầu đồ sộ, chất dẻo, mùi xăng dầu, rau khô và thực phẩm ướp từ than đá. Tất cả…tất cả những món nhân tạo đó liệu có làm biến tính hay cơ giới hoá trái tim chàng? Ai dám chắc là không! Nàng bỗng ớn lạnh khi nhớ lại những đám ma ở làng, người ta mở băng cát-xét, tăng chiết áp cho tiếng khóc ai oán não nề vượt màng loa bay đi. Phải chăng đó không phải là nước mắt của cơ giới? Hay là dấu hiệu quá mệt mỏi, suy thoái của trái tim người.


Hạnh vụt đứng dậy, nàng chạy dài trên bãi cát mong thoát khỏi những khối đá trong tâm tưởng. Ngoài xa những con sóng ào ạt vỗ bờ cuốn theo một chiếc vỏ chai. Không kìm được lòng, Hạnh lội sóng lao ra. Nước ngập đến ngực nàng mà chiếc vỏ chai vẫn còn cách một tầm sào. Hạnh kiên nhẫn chờ. Trước buổi hoàng hôn đang tàn tạ, nàng cố mong vớt vát, dù chỉ là một tia nhỏ nhoi hy vọng. Nàng biết những người đi biển khi lâm vào tình trạng tuyệt vọng, họ thường cho thư vào chai rồi thả xuống biển. Họ muốn gửi tiếng nói cuối cùng của mình về cõi loài người…


Con sóng tiếp theo du cái chai lại cho nàng, chẳng có gì cả. Thêm một lần nữa, nó xuất hiện để đẩy nàng xuống hố thẳm tuyệt vọng… Đêm đổ mực xuống biển. Bóng tối thâm viễn mênh mang nuốt chửng cả đại dương lẫn tầm nhìn của nàng. Hạnh thẫn thờ quay gót. Trước khi bước lên bờ cát, giống như mọi lần, Hạnh chụm hai tay lại vốc nước đưa lên mặt. Nàng hít sâu cái vị mằn mặn của nước biển để tìm hương vị của chồng, nàng tự thưởng cho mình một hơi thở nhẹ nhõm “Không chàng không chết, trong nước biển không có mùi vị của chàng”.

*****

- Cô Hạnh ơi! Cô Hạnh ơi…ơi!- Tiếng đứa cháu Hạnh gọi.

- Cô ơi…!.

- Cô ơi…! Cô có thư này!- Thằng bé chạy như bay về phía Hạnh.

- Thật ư cháu? Đâu! – Lồng ngực Hạnh như vỡ tung, nàng như cướp lấy lá thư trên tay thằng bé.

Trăng lên, ánh trăng ngời toả trong không gian thứ ánh sáng mơ hồ, bàng bạc…Hạnh nhận ra ngay nét chữ của chồng, những con chữ gân guốc, cứng cỏi. Nàng xé phong bì:


“Hồng Kông- tháng 6…

Em vô vàn yêu thương.

Khao khát quay mũi thuyền dong buồm trở về quê hương nơi có người vợ trẻ đầy thương nhớ của anh, thế là đó không thành. Trời ơi. Anh nuối tiếc biết bao. Anh nhớ em biết nhường nào!

Em yêu! Anh không muốn viết những dòng đớn đau này, song không còn cách nào khác. Hãy tha thứ cho anh!

…Con thuyền của anh tưởng đã khởi hành thuận buồm xuôi gió. Nào ngờ, gió thổi bạt xuống phía Nam. Đêm quá tối, bọn anh đã lạc đường. Lại thêm, trời mưa xối xả, thực phẩm trên thuyền ướt sũng hư thối hết. Một tuần lênh đênh trên biển cả, bọn anh trải qua tất cả mọi nỗi đau mà con người có nổi. Nào bệnh tật, nào đói khát, nào ganh ghét cắn xé lẫn nhau…Số người đuối sức mỗi ngày một tăng, ngày nào bọn anh cũng phải tiễn đưa xác một người bạn đồng hành xuống biển.

Một chiều. Có ba người cùng trút hơi thở cuối cùng. Hai cái xác lần lượt được thả xuống biển. Mọi người đang dồn hết tàn lực của mình để vác cái xác thứ ba, thì từ đầu mũi thuyền giọng người đàn ông khắc khố, phều phào nào đó bỗng cất lên “Khoan đã nào! tôi xin cỏc bạn hãy cân nhắc, nếu vứt nốt cái xác này thì rồi tất cả chúng ta cũng sẽ chết. Chết đói! Phải lựa chọn thôi!! Trong những cỏi xấu, hãy chọn lấy cái ít tồi tệ nhất…!”.

Em! Cuối cùng thì cái việc kinh khủng nhất đã đến. Nó đã xảy ra. Nhưng không một ai dám động đến cái xác đó. Họ đùn đẩy nhau. Cuối cùng mọi người nhờ cậy vào một kẻ chuyên nghề chém mướn:

“Này anh bạn! làm đồ tể quen rồi, hãy giúp chúng tôi xẻ thịt thân xác này ra”. “Đừng mong nhé!” Gã chém mướn đáp. Các người đừng đổ tiếng ác cho ta! Hơn nữa ta chỉ quen chém giết người sống thôi. Ta thích cái vẻ oai hùng, mã thượng. Thú vị chẳng kém cạnh những tay dũng tướng trong thời trận mạc, nhộn nhạo… Còn chém xác chết! Việc ấy lợm giọng lắm. Người chết chẳng còn gì ngoài cái xác, hãy để cho họ yên!”. Hắn nhổ một bãi nước bọt”.

Hết cách. Mọi người bèn hối lộ gã chém mướn bằng vàng. Có vàng, gó bạo dạn hơn với cái xác “Thôi được! Vì mọi người…Ác thêm một chút cũng chẳng đầy đặn gì”.


Thịt người được nướng lên. Khét lèn lẹt. Mọi người bắt anh cũng phải ăn. Họ đưa mũi dao vào cổ anh bảo “Hãy cộng đồng trách nhiệm chứ! Đừng có tách ra như thế!”

Ngay lúc đó, một chiếc tầu tuần tiễu chống nhập cư trái phép của cảnh sát Hồng Kông ập đến. Họ áp sát mạn thuyền. Anh không đủ từ để diễn tả sự kinh hoàng của họ khi nhìn thấy cái xác với những dấu vết đã bị lấy ra.

Em ơi! tất cả đã bị bắt và bị biệt giam. Riêng anh với hai lý do: một- anh không có một thứ giấy tờ nào trên người (hộ chiếu, vi sa, thẻ tuỳ thân) như vậy không có khả năng chứng minh được nguồn gốc dân tộc của anh, hai- anh không tự chứng minh nổi nguồn gốc loài người của mình, vì con người không biết ăn thịt đồng loại.

Em ạ! Sự giam hãm không phải là cuộc cầm tự thể xác anh, mà là cuộc bao vây anh khỏi nhân loại, khỏi giá trị loài người. Anh và những người cùng thuyền là những con thú.

Em thân yêu! Chỉ có tình yêu mới cứu nổi anh. Tình yêu sẽ trao trả cho anh kiếp người. Chỉ có tình yêu mới chứng tỏ được anh vẫn đang cố công tiếp tục làm người. Em yêu dấu! Hãy nhanh lên! Chỉ em là người duy nhất với tình yêu của mình, cứu thoát anh ra khỏi ngục tù này…

Hãy đem tất cả những gì dành dụm được bấy lâu nay đổi lấy tấm vé. Tấm vé vượt biên, đến với anh…Với anh đó là tấm vé thoát khỏi địa ngục để bước vào “Rạp hát loài người”.

Hãy nhanh chân lên. Anh đợi em từng giờ từng khắc.

Hôn em yêu dấu”


Đêm hôm đó, Hạnh không ngủ… Nàng lặn lội tìm đến nhà người mối lái vượt biên. Vàng còn thiếu, Hạnh gán nốt căn nhà và chiếc nhẫn cưới, mua một chỗ ngồi trên con thuyền vượt biên trái phép vào sáng hôm sau.

*****

Thiện được đưa đến một căn phòng khá sang trọng dài hun hút. Tấm thảm trắng trải sàn bung lên một mầu hồng nhạt. Chàng bồn chồn đi đi, lại lại, chờ đợi. Chàng không biết chàng đang bước dưới ống kính camera được gắn khắp tường. Cách đó một dãy hành lang ngắn, trong căn phòng lớn của viên sếp trại, một nhóm chuyên gia đang theo dõi từng cử động của chàng qua màn ảnh truyền hình.

- Cho vợ anh ta vào được rồi!- Tiếng viên bác sĩ tâm lý học nhân chủng. -Anh ta đưa tay sửa lại gọng kính trên mắt.

- Cho vợ anh ta vào !- Viên sếp trại ra lệnh bằng bộ đàm.


Cửa mở, Hạnh rụt rè bước vào dãy phòng mà chồng nàng đã chờ ở đó. Trông nàng đầy hồi hộp.

- Tôi phản đối việc làm bỉ ổi này- Vị chuyên gia nhân bản học lên tiếng.- Tại sao chúng ta lại đi rình mò một đôi tình nhân. Điều này phỉ báng nền văn minh của chúng ta! Như vậy chỉ có thể là văn minh mật thám.

- Hãy bớt kích động đi ngài nhân bản học.- Vị luật gia đáp lời.- Chúng ta sẽ xấu hổ khi chúng ta rình mò để làm hại họ. Đằng này, chúng ta cần theo dõi để giải đáp vấn đề có liên quan đến công cuộc giải phóng họ. Mặt khác, tiền đề giả định của chúng ta là: Anh ta không có dân tộc, anh ta không phải là NGƯỜI. Ngay giây phút này, anh ta chỉ là đối tượng quan sát thực nghiệm của chúng ta thôi!


- Anh!

- Em!

Hai cái bóng gày gò tràn màn hình ôm chầm lấy nhau. Thiện âu yếm vuốt mái tóc của vợ:

- Em! Đi xa ngần ấy, em có làm sao không?

*****

- Câu nói đầu tiên của anh ta là sự quan tâm đến người khác. – Vị chuyên gia xã hội học lờn tiếng.

Nhìn đôi tình nhân hôn nhau say sưa, vị bác sĩ bảo:

- Cơn mê đắm của họ thật thanh khiết. Sau ngần ấy ngày bị cầm giam, sự tiếp cận nhẹ nhàng như thế của giống đực chứng tỏ hắn đang yêu. Hắn là NGƯỜI!


Cuộc thực nghiệm kết thúc, đôi tình nhân được mời lên phòng viên sếp trại.

- Chúng tôi sẽ trả lại tự do cho anh chị.- Vị đại diện chính quyền có khuôn mặt bừ bự tuyên bố. – Với một điều kiện anh hứa từ nay trở đi không bao giờ chở người vượt biên nữa.


Sau phút nghĩ ngợi, Thiện đáp “Tôi sẵn sàng đổi mọi thứ lấy tự do! Tôi sẽ hứa. Nhưng tôi đang hoang mang lắm, tôi không thể đảm bảo tuyệt đối cho lời hứa của mình. Ông xem đấy, mảnh đất quê tôi thì cằn cỗi. Biển có cá thì cá trốn biệt tăm. Tôi sống bằng gì?

- Tôi tưởng quê hương ông rừng vàng biển bạc? Hãy biết yêu quê hương mình. Hãy cải tạo nó.- Vị đại diện chính quyền hạ giọng như tâm tình. – Anh biết đấy, những mảnh đất tận cùng châu Phi, chỉ có nắng gió và bão cát, ấy vậy mà dân chúng có bỏ đi đâu. Họ vẫn yêu tha thiết mảnh đất của mình. Quê hương chỉ nghèo khi ta không biết yêu nó!

- Tôi hiểu! Nhưng…- Tiếng Thiện nghẹn tắc lại, nhưng bỗng chàng quả quyết- Vâng tôi hứa!

- Như mọi người, anh chị sẽ được lĩnh khoản tiền của Liên hợp quốc giành cho những người tình nguyện hồi hương. - Ông sửa lại chiếc cà vạt nơi cổ rồi hỏi thêm- Anh chị về nước bằng đường không hay đường thuỷ?

- Chúng tôi sang bằng đường nào thì về bằng đường đó.- Thiện đáp vẻ cứng cỏi.

- Vậy thì thuyền của anh chị vẫn ở dưới bến. Tôi đã cho thay mấy miếng gỗ mục ở mũi thuyền bên trái và bánh lái rồi đó! Anh chị toàn quyền sử dụng vì nó là của anh chị.

- Cám ơn ông. Chào các ông!- Thiện và Hạnh xuống gác đi về cuối hành lang đến phòng thủ quỹ. Ông thủ quỹ đi vắng cô thư ký bảo họ ngồi chờ khoảng nửa giờ nữa. Ngồi một lát, Hạnh bỗng nghĩ ra một điều thì thầm vào tai chàng giọng phấp phỏng lo lắng:

- Chúng ta đi thôi anh ạ! Em sợ họ thay đổi quyết định lắm. Họ bắt lại chúng ta thì sao! Thời buổi này, mọi thứ xoay như chong chóng.

- Họ là những người đứng đắn- Họ đại diện cho Liên Hiệp quốc cơ mà!.

- Cũng vậy thôi- Liên hiệp quốc cũng chỉ là một tổ chức chính trị. Mà chính trị thì…


Hạnh và Thiện vội vàng bỏ đi. Trước khi nhảy lên thuyền, họ nghe tiếng gọi:

- Mời Thiện và Hạnh vào!

- Nhanh lên anh! Họ gọi chúng ta đấy, đừng để họ bắt lại, hoặc sẽ theo con đường trao trả chính thức…!

Thiện quấn dây neo vứt vội lên thuyền. Chàng dùng hết sức đẩy con thuyền ra xa rồi nhân đà đu vào mạn thuyền, bước lên khoang.

- Ai là Thiện và Hạnh, mời vào!- Những tiếng gọi gấp gáp, giục giã vẫn tiếp tục vang lên. Thiện mắm môi chèo thật lực.


Bờ xa dần, tiếng gọi cũng xa dần.

-Anh!

- Em!

Họ hôn nhau. Nụ hôn tự do khởi xướng cuộc hành trình trở về quê cũ. Trở về cõi làm người. Cõi trầm luân yêu dấu.


Paul Đức 2-5-1992

23 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page