top of page
Nguyen Hoang Duc

CÔNG LÝ TRONG TÌNH YÊU

Tình yêu là món quà hạnh phúc lớn nhất của tạo hóa ban cho con người. Như người Ấn Độ đã giành cho tình yêu một cái tên siêu thăng, đó là “Cực lạc”. Quả vậy, không có lạc thú nào lớn như lạc thú của tình yêu, nó có đôi cánh có thể rước người ta bay vào chốn bồng lai tiên cảnh. Tình yêu không chỉ có vậy mà nó còn là cánh cửa tất yếu mở ra cho con người bước vào ân sủng gia đình.


Gia đình, như các chuyên gia nói , đó là “đặc ân của con người!” Gia đình với con người như con cáo có hang, con chim có tổ! Lớn hơn cả thế, gia đình không chỉ là chốn trú ẩn, che chở con người khỏi mưa gió trần gian, mà còn là nơi thì thào chia sẻ cũng như nâng đỡ những gì sâu kín. Muốn hiểu rõ vai trò của gia đình, chúng ta có thể đặt một câu hỏi: Ở đời cái gì có thể sánh với gia đình? Khách sạn nhiều sao tráng lệ sa hoa với những chùm đèn rực rỡ ư? Hoặc nhà hát lung linh, hay tòa thị chính đồ sộ, hoặc nhà thờ cao lồng lộng… Không bao giờ những tòa nhà ấy lại là nơi hạnh phúc che chở ấm cúng của con người. Và mọi người, dù bất cứ ai, sau giờ làm việc, hoặc vui chơi thả phanh, đều muốn được trở về mái nhà thân thiết của mình. Và mái nhà đó còn là biểu tượng cho tất cả những gì gần gũi thân ái của con người. Từ nhà tôi, người ta đã gọi quê hương tôi, cụ thể hơn là “quê - nhà”, như người Anh cũng gọi “home land”, rồi tổ quốc tôi … tất cả có vẻ đều mang bóng dáng của mái nhà tôi. Một cách chính thức, nghĩa là không phải chỉ là sự gán ghép một cách cảm tính, các chuyên gia, học giả trên toàn thế giới đều gặp nhau ở chỗ khẳng định rằng: gia đình là tế bào của xã hội. Nghĩa là cái gia đình của mỗi người sẽ là hạt nhân đầu tiên đế xây nên mọi đơn vị xã hội, cho dù từ làng, đến huyện, đến nước hay thế giới, thì đều được triển nở từ cái hạt nhân gia đình ấy.


Phải sống không có gia đình người ta mới hiểu hết vai trò hạt nhân không thể thay thế của gia đình. Rất nhiều bạn đọc trên thế giới đều ấn tượng về hình ảnh gia đình trong tác phẩm “Không gia đình” (Sans Famille) của nhà văn Pháp Hector Malot, được xuất bản năm 1878. Một tác phẩm đã được giải thưởng của Viện Hàn lâm Văn học Pháp vì diễn tả những tình cảnh hết sức xót xa của cậu bé Rê-mi khi phải sống tha hương không có gia đình. Trên con đường cùng một bạn nhỏ khác có tên là Matchia, hai bạn nhỏ vừa đi vừa biểu diễn để kiếm từng đồng xu sống qua ngày. Và Rê-mi vừa lang thang vừa biểu diễn kiếm sống cách lam lũ, nhưng cậu đã nuôi một hy vọng, ngày nào đó trên hành trình lang thang sẽ được trở về nhà người mẹ, dù đó chỉ là mẹ nuôi thôi. Và hy vọng được sống trong không khí của gia đình đã hâm nóng cả anh bạn Matchia. Đến một ngày hai bạn nhỏ lần đến nhà mẹ nuôi. Con đường chạy vào làng sao đầy ắp những bồn chồn, nôn nao, rạo rực và xao xuyến, chẳng khác gì gió hoàng hôn lồng lộng trên biển vừa thổi tung, vừa nuốt chửng, lại vừa đùa giỡn với cánh buồm khát khao bé nhỏ… Cậu Rê-mi đã ôm chầm lấy mẹ nuôi cảm động rưng rưng… cậu và bạn đã được nghe tiếng bánh rán reo ca trong chảo mỡ. Không biết những chiếc bánh rán đó đang hát hay tâm hồn cậu đang hát. Với cậu, tiếng reo ca trong chảo mỡ sôi hoàn toàn giống một bản hợp xướng tổng phổ, như vậy đã đủ chưa, không, xung quanh đó cậu còn cảm thấy hương vị của mái ấm đang choàng xuống thật ngọt ngào, một hương vị khác hẳn những mùi tê lạnh xót xa trên những con phố dù rất đông người hay trên những nẻo đường quê biền biệt không thấy bóng ai chia sẻ.


Ôi gia đình? Có phải chỉ có gia đình mới là nơi có thể thánh hóa ngay cả tiếng reo của bột làm bánh thành hợp xướng tổng phổ cả âm thanh lẫn hương sắc tràn ngập âu yếm ngọt ngào? Đúng vậy! Chiếc bánh rán ở chợ có mùi vỉa hè! Chiếc bánh rán không thể có mặt ở nhà hát hay nhà thờ! Và nếu ở tiệm ăn nó sẽ có mùi của một thứ sản xuất đại trà? Vì thế chẳng thể nào có thể nói khác hơn: gia đình là đặc ân của con người!


Nhưng cái gia đình không gì có thể sánh được đó lại đang khủng hoảng cả tầm vĩ mô và vi mô. Vĩ mô là hàng triệu triệu các đôi lứa bỏ nhau gây ra các vụ đổ vỡ. Còn vi mô, mới đây, tại việt Nam xảy ra khá nhiều vụ trọng án về gia đình. Nào đàn ông bạo lực dùng cả gậy gộc hay xà beng đánh vợ, rồi chị em sỉ nhục chồng bằng những lời rủa xả khiến cho “tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại”, điển hình hơn có vụ, chồng không giảng hòa được với vợ liền đổ xăng vào người con đốt để dọa vợ… Đấy mới là liệt kê sơ sơ, một thứ phần nổi của tảng băng chìm rất đáng quan tâm và e ngại.


Như trên như chúng ta đã bàn, gia đình là nơi rất hệ trọng của con người, nơi che chở, chia sẻ, nâng đỡ, đùm bọc và làm cho con người hạnh phúc. Muốn có gia đình thì chúng ta buộc phải gìn giữ gia đình. Người Việt đã dùng rất nhiều phương ngôn dạy cách gìn giữ gia đình, như “phu-thê tương kính như tân”. Đó là vợ - chồng hãy luôn tôn trọng nhau như ngày mới cưới. Chớ có thân quá hóa nhờn để rồi khinh nhau như mẻ, rồi dẫn đến tan vỡ. Nhưng đó mới chỉ là thái độ bên ngoài thôi. Muốn có gia đình hạnh phúc thực sự thì người ta phải xây dựng nó. Cả vợ lẫn chồng đều phải bắt tay xây dựng như “của chồng công vợ”. hay “gái có công chồng chẳng phụ”. Đàn ông sức dài vai rộng có việc của đàn ông, phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng khéo léo thì cũng có công việc của phụ nữ làm cho gia đình có cơm dẻo canh ngọt.


Nhưng đó vẫn chỉ là mái nhà được xây bằng vật chất hay môi trường sống, còn sâu xa hơn, bất cứ tình yêu nào cũng phải dược dựng xây vững chắc trên công lý. Nghĩa là, người ta không thể nói chuyện yêu thương đùm bọc nhau chỉ bằng cảm xúc đơn thuần, mà ngay trong gia đình người ta cũng phải sống bằng lẽ phải. Cũng có nghĩa là ngay trong gia đình nếu không sống bằng lẽ phải thì dù người ta có yêu nhau mấy thì cũng sớm tàn lụi mà thôi.


Người Việt khuyên chớ có: “cha nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa”. Nếu chủ nhân cậy là chồng, là cha, sống không gương mẫu, lại cờ bạc rượu chè, vợ nói không sửa, lại còn cậy sức ăn hiếp, nói đè , thì người vợ sẽ không phục và tạo ra tâm lý chống đối. Ngược lại , có cô vợ, thấy chồng có lỗi cứ nói đi nói lại, lầu bầu suốt ngày suốt đêm, thậm chí kéo dài luôn mấy ngày liền, anh chồng bí bức lên, tâm lý không thăng bằng, đã mất bình tĩnh, điên cuồng lấy ngay con dao trong bếp đuổi theo, đâm cô vợ, rồi tự cắt cổ mình.


Người Việt khuyên “nói phải củ cải cũng nghe”. Nghĩa là trong cuộc sống nếu ta dựa trên lẽ phải, thì người khác không thể không nghe, và từ đó mọi việc đều tốt đẹp. Người Việt còn bảo “ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành”, nếu vợ - chồng, con cái biết thành thật với nhau, chắc hẳn không thể xảy ra những bi kịch như dối trá, lừa đảo, căm giận, rồi xử với nhau như quân hằn quân thù. Và gia đình sẽ thật hạnh phúc nếu như ai ai cũng làm trọn bổn phận của mình.


Nếu như người chồng nào cũng làm trọn bổn phận làm chồng và làm cha thì làm gì cô vợ còn có cớ để sinh sự lầu bầu. Và khi người vợ đã làm tròn bổn phận làm vợ và làm mẹ của mình, thì người chồng nổi đóa thật là vô lý?! Vì thế người Việt mới bảo “chồng hiền, vợ thảo” và “cha từ, con hiếu”. Chồng hiền sẽ kéo theo một cô vợ thảo, nhưng nếu chồng cờ bạc rượu chè, còn lần túi vợ đem hết tiền đi hút chích thử hỏi làm sao cô vợ lại không thủ thế trã đũa? Và cũng vậy “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, nếu cô vợ sống buông thả, chỉ lo chăm sửa quần áo son phấn cho mình, lại còn lô đề tối ngày, thì làm sao con cái chịu khó yên tâm học hành?


Gia đình muốn bình an thì phải biết bao dung, như một phương ngôn dạy “nhất cần thiên hạ vô nan sự, bách nhẫn gia trung hữu thái hòa” . Có nghĩa, cần cù ở đời không việc gì khó, nhẫn nhục trăm bề thì gia đình sẽ bình an. Nhưng ngày nay, nhẫn nhục không có nghĩa là chịu đựng nhau, mà nhẫn nhục đó phải hàm chứa nội dung là giải quyết những mâu thuẫn không để nó tích lũy lại thành một khối u, rồi có ngày bùng nổ. Các chuyên gia cho rằng, đôi khi cái cọ lại là thứ võ đối kháng càng đánh càng hăng, và vợ chồng càng xung đột thì càng yêu nhau. Vì thế các lứa đôi đừng nên sợ cãi cọ đến mức thủ tiêu việc giải quyết mâu thuẫn. Có mâu thuẫn thì hãy nói chuyện thẳng thừng với nhau, chỉ có điều nên biết kiểm soát nó bằng thái độ văn hóa, chớ có để “sai một ly đi một dặm”.


Quốc gia là tập hợp của nhiều gia đình. Vậy cũng có thể nói, gia đình là một quốc gia thu nhỏ. Quốc gia muốn tồn tại thì phải có pháp lý để giúp mọi người sống yên ổn cùng nhau. Vậy thì gia đình cũng vậy, mỗi công dân, dù là vợ, là chồng hay con cái, thì đều phải biết sống trong tinh thần của bổn phận và lẽ phải, có thế mới không đẩy gia đình xuống miệng vực đổ vỡ, thậm chí tàn khốc khi hạt nhân yêu thương lại trở thành nhân lõi cho những vụ trọng án đau lòng. Nếu ai cũng biết sống theo lẽ phải thì mọi thứ đều trở nên tốt đẹp. Đấy hẳn là nền tảng cũng như công lý của tình yêu!


NHĐ 28/9/2015


8 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page