top of page
Nguyen Hoang Duc

CÔNG GIÁO VIỆT NAM LIỆU CÓ NHU CẦU PHẢN TỈNH? CÓ KHÔNG LỖI CHỦ NGHĨA “CHA TRỊ”?


Thiên Chúa giáo, còn gọi là Ki-tô giáo, hay Công giáo, cũng như các tổ chức dân sự khác chẳng lẽ lại không có nhu cầu phản tỉnh?! Vậy lâu nay chúng ta thấy vấn đề phản tỉnh của Công giáo Việt Nam là cái gì? Hay nó nhạt nhòa, hưu hưu gió thổi, chẳng ra mát, chẳng ra lạnh, chẳng có cái gì nổi bật cả?!


Mọi tổ chức nếu không có phản tỉnh, cũng như phản biện, thì đừng có tưởng là xuôi chèo mát mái, như có danh ngôn “Khi một chiếc phi cơ cất cánh, nó luôn phải phóng ngược chiều gió”. Tại sao vậy? Ngay cả khi trời lặng gió! Bởi vì tốc độ chiếc phi cơ quá lớn, nó tạo ra chính làn gió thổi ngược mình. Người Pháp cũng có châm ngôn “Người ta chỉ có thể dựa trên cái gì phản lại mình! (On ne s'appuie que sur ce qui résiste.)


Trời mưa bão, khi người ta chống cây que vào ngôi nhà chính là để gia cố cho ngôi nhà đứng vững. Vì thế mọi tổ chức sẽ suy vong, lụn bại khi không có cái gọi là “ý thức phản tỉnh và phản biện”.


Mới đây xảy ra sự kiện khất sĩ Thích Minh Tuệ hành hương đầu trần chân đất nhiều lần từ Nam chí Bắc và ngược lại, nhiều người nghĩ rằng: Phật giáo sẽ có một cơ hội phản tỉnh đắt giá. Vậy thì “nhìn người mà ngẫm đến ta”, người Công giáo nhân việc này có muốn soi mình không? Tôi nghĩ, cá nhân và các tổ chức muốn soi mình, giống soi gương ấy, là một điều hiển nhiên và thường trực. Nhân cha Lê Ngọc Thanh đã viết một status rằng “Giáo sĩ gồm các cấp Phó tế, Linh mục, Giám mục. Trị bệnh GIÁO SĨ TRỊ từ cấp nào?”


Tại sao? Bằng cách nào? Tôi nghĩ rằng nhân việc “đề xướng” này, ta nên viết một bài. Vả lại, ở Việt Nam liệu có mấy người vượt qua mặc cảm sợ đụng chạm với “thần quyền” để viết về điều này.


 Có lẽ Giáo hội Công giáo Việt Nam là được yêu mến “cơm lành canh ngọt” nhất. Trên thế giới, ngay cả các giáo hội mạnh, nơi sản sinh nhiều hồng y và Giáo hoàng, cũng có vô số các vụ kiện tụng nhắm vào giáo sĩ, chẳng hạn như “ấu dục”… Nhưng ở Việt Nam tịnh như không có bất cứ vụ kiện nào. Người Việt sống thiên về cảm tính, mà yếu về lý trí, họ thường ngẫm các cha đã cô đơn, sống khổ hạnh để phục vụ Chúa, nên có gì nhẹ nhàng bỏ qua cho các cha, xét nét làm gì, làm con đường khổ nạn của các cha lại càng thêm khổ… Vì thế giáo hội Việt Nam không hẳn tốt hơn các nước khác, mà do sức thông cảm của giáo dân giầu có bao dung xuê xoa hơn?!


Còn về trình độ của các linh mục, nói chung hơn hẳn xã hội. Các linh mục khi thi vào trường Dòng, thường đã đỗ một đại học, rồi học trong tinh thần khổ hạnh và cầu nguyện đặc biệt, lại học thêm triết học, thần học trong chủng viện, nên trình độ của các cha nói chung gần gấp ba trí thức bình thường. Có một linh mục còn giảng trên cung thánh: “Ngoài đời nhiều tiến sĩ, giáo sư giỏi lắm, sao họ vẫn gọi các Cha, vì do các giáo sĩ dấn thân cô đơn, chịu đựng khổ hạnh!” Đó là một câu tâm tình rất đúng.


Tôi có thời gian được học hỏi và trao đổi hai năm với Đức Hồng y F.X Nguyễn Văn Thuận, ngài hay kể chuyện về nhiều cha có duyên nhà quê. Ngài kể không phải kỳ thị, mà còn yêu mến, quí trọng. Chẳng hạn ngài tả cha X, người có nốt ruồi nơi mép, nên nói rất có duyên, ngài lại tác phong hơi xuề xòa nên gần gũi giáo dân, ngài giảng đạo dùng nhiều giọng “thổ ngữ” nên rất hợp với con chiên… Tuy vậy, bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy cung cách của nhiều cha nhà quê là xuề xòa, tùy tiện, được đâu hay đấy, nên không thể không ảnh hưởng đến việc mục vụ.


Giờ chúng ta hãy bàn đến cái lỗi lớn nhất của giáo hội là “Giáo sĩ trị”. Giáo sĩ trị cắm rất sâu trong giáo hội từ thời phong kiến. Như Napoleon Bonaparte khi muốn phong Hoàng đế phải lặn lội từ Pháp sang Vatican xin Giáo hoàng đội cho vương miện, và khi kết hôn cũng phải nhờ Giáo hoàng đeo nhẫn cưới. Còn Nữ hoàng Nga Catherine, đòi kết hôn với nhân tình, nhưng Thượng phụ Nga không cho phép… Triết gia Hegel nói: “Lịch sử châu Âu là lịch sử mâu thuẫn giữa nhà nước và nhà thờ, và là lịch sử hòa giải giữa hai bên”. Một trong bước ngoặt lớn của nền dân chủ, là ngày mỗi ngày, nhà thờ đã tách dời xa khỏi chính trị. Nhưng ngay cả khi đã tách dời nhau, vẫn có hai nền móng quyền thế lớn nhất có tên là độc tài, là nhà nước, và nhà thờ.

     

Nhà thờ là giáo thần trị! Hình như có một chữ mà sách vở đã dùng (tôi không nhớ chắc) là Papaisme – tức là chủ nghĩa Cha trị. Nhưng tôi quan sát và diễn tả rằng: nhiều linh mục mắc lỗi “cung thánh”, hay ta có thể gọi tên là “cung thánh trị”?! - có nghĩa, mỗi ngày các cha có thể mục vụ hai, ba giờ trên cung thánh, nhưng khi mục vụ xong, các cha bước xuống nền hay ra sân, các cha nên kết thúc việc “cha trị” để làm người bình thường, nhưng nhiều cha vẫn giữ vai trò cung thánh, hoặc vô tình, hay có ý vẫn lạm dụng cung thánh cho vai trò của mình (việc lạm dụng quyền lực ở tất cả mọi ngành nghề là rất phổ biến).

      

Nhưng giờ hãy bàn về đức và tài của các cha. Các cha đã hơn người trí thức nói chung gần gấp 3 lần, như tôi nói ở trên, nhưng để trở thành siêu việt, thì các cha lại “cao chưa tới, thấp không thông”. Trong thời gian kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hàn Mạc Tử năm 2012, Giáo hội đã tiến hành làm nhiều đầu sách về nhà thơ. Trong đó Giám mục Hoàng Đức Oanh có nhận xét về trình độ của Giáo Hội Việt Nam đại khái thế này: Trong nhiều thế kỷ tin mừng, các cha còn chưa viết nổi một truyện ngắn (tiểu thuyết càng chưa) về tin mừng tại Việt Nam. Người Việt có câu “bút sa gà chết”, hoặc người Ả Rập nói “Mực học giả hơn máu kẻ tử đạo”, anh học nhiều đến đâu ở đầu vào, mà chưa sản xuất ở đầu ra, là anh còn hạn chế?!

       

Tôi nhớ lời Đức giáo hoàng John Paul II nói (theo lời một cha giảng trên cung thánh): “Về tiền bạc chúng ta không giầu bằng người khác. Về nổi tiếng cũng không bằng người khác. Về tài năng chúng ta cũng không bằng người khác. Nhưng về sự tử tế, chúng ta không được quyền thua người khác!”

       

 Vậy đó, ngay cả Đức giáo hoàng còn hạ mình thừa nhận như vậy. Ở Việt Nam có tới 6000 linh mục và ngót 50 giám mục. Số này là con số hiếm hoi của xã hội, nhưng chưa đủ hiếm hoi để bước vào siêu việt. Theo tôi cũng là cách chúng ta ngẫm nghĩ, rất khó có thể có mặc cảm tự tôn về siêu việt, nên khi bước khỏi cung thánh các cha cũng từ tốn cho, chớ nên sử dụng nhiều bột nở của cung thánh để thành “giáo sĩ trị”?!

         

Thiên Chúa dạy “Thiên Chúa là tình yêu” (Dieu est l’amour). Để có tình yêu, thì người ta dứt khoát phải thực hiện bình đẳng. Vì thế Chúa Jesus dạy: “Thầy là thân nho, các con là cành nho…” và “Không ai hơn thầy mình, nhưng ai làm trọn bổn phẩn của mình, thì cũng ngang với thầy.”

         

 Vậy xin các quí cha mũ cao áo lễ dài, khi bước khỏi cung thánh hãy hạ thế và bình đẳng với chúng sinh, để chúng ta có chung một tình yêu trong và với Chúa!

           

Con cực chẳng đã phải viết bài này, vì nếu không cứ chờ mãi mà chẳng ai chịu viết. Xin các cha xá tội! Xin cám ơn!

        

Paul Đức 03/06/2024

10 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page