top of page
  • Nguyen Hoang Duc

CÔNG BẰNG – CON ĐƯỜNG CỦA LƯƠNG TÂM

“Tự do – Bình đẳng – Bác ái” (Liberte – Egalite – Fraternite ) đó là khẩu hiệu nổi tiếng thế giới của Cách mạng Pháp. Nó không chỉ nổi tiếng mà nó còn chuyển tải theo cả nội dung khao khát và vận động của lịch sử loài người. Theo triết gia Fichte thì: Lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh vì tự do và những cuộc thăng trầm của tự do. Tại sao tự do lại thiết yếu với con người như vậy? Tại sao con người lại dùng thịt da mềm mại yếu đuối của mình xông vào những nòng đại bác, lưỡi lê và tường thành cao ngất của ngục Bastille hô vang khẩu hiệu “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”? Rất đơn giản thôi: vì không có tự do, người ta bị cư xử như nô lệ, kẻ dưới, thảo dân cỏ rác, chỉ là đám quần chúng vô lại. Và người ta vùng lên với tinh thần “tự do hay là chết” để quyết một lần đổi đời như lời bài Quốc tế ca “đấu tranh này là trận cuối cùng…” Nhưng sự đơn giản này lại không hề đơn giản chút nào bởi lẽ: con đường tự do luôn có giá của máu. Tôi viết bài này, với lý do, có không ít hơn một nhà thơ xem hoa bẻ lá nghĩ rằng: tự do, công bằng, một nguyên lý đỉnh cao nhất của văn học lại chỉ là thứ hiển nhiên, đơn giản, ai cũng hiểu. Đây là cách nghĩ hồn nhiên vờ vịt, cho rằng nền công bằng tự có, thì người ta cứ an nhiên tận hưởng không phải nhíu mày hay dấn thân cho nó, mà cứ thế ngâm vịnh vài vần thơ cưỡi ngựa xem hoa nhàn tản ca tụng vẻ đẹp của cuộc đời. Than ôi, nếu không có tự do và công bằng, tâm hồn nô lệ thì làm sao thấy được vẻ đẹp mang tầm vóc của lý tưởng. Một vẻ đẹp ngâm vịnh quanh co lượn lèo bên cuộc sống thì có khác gì thứ âm nhạc của anh hát xẩm xin tiền. Thứ âm nhạc đó làm sao có thể bùng nổ làm vỡ tung cả khán trường như giàn nhạc đại toàn tấu đang dâng tột đỉnh cao trào?!


Khi nói đến “Công bằng” hiển nhiên người ta phải liên tưởng mật thiết với “Tự do”. Tại sao? Theo nhà tư tưởng Emerson, thì tự do không phải thứ tự do của sói mặc sức nhảy vào bầy cừu vồ ăn thịt. Tự do thiết yếu cho kẻ yếu, chứ không phải cho đám quan lại ăn trên ngồi trốc muốn đè bẹp ức hiếp dân chúng thế nào cũng được. Khi anh tự do, anh cũng phải cho tôi tự do. Tự do của chúng ta là hoàn cảnh tương quan lẫn nhau. Và điều đó thiết định sự Công Bằng. Chính thế mà tự do và công bằng như hai đầu của một chiếc cân. Và điều đó tạo nên Công Lý.


Văn học là gì? Văn học là Nhân học! Đây là điều chúng ta thường xuyên biết. Nếu văn học chỉ là thú khoe chữ, vén tay áo viết một hoành phi hay hai câu đối, hoặc làm một bài tứ tuyệt thì để làm gì? Để phun châu nhả ngọc vào cuộc đời sao? Không đúng! Mà chắc chắn là: mấy anh học trò, mấy quan lại xưa khoe mình biết chữ, có học, phun châu nhả ngọc. Đám quần chúng Á châu lúc nào cũng đông rinh rích, như ở Việt Nam vừa có vụ chạm xe là đã tụ lại cả một đám đông, họ xúm lại xuýt xoa thán phục. Họ đâu có biết chữ mà thán phục? Họ sán lại cũng giống đám cận thần xúm xít xem nhà vua chơi chọi dế, sán lại để nể phục kẻ có tí chức quan, chứ đâu biết gì về chữ nghĩa mà xuýt xoa?! Đó là ngày xưa, cả tổng cả huyện mới có một người đi học, người mù chữ chiếm 99% dân số, thì việc khoe mẽ mình có chữ mới cần thiết. Còn ngày nay, số người có học chiếm hơn 90%, thì việc khoe mẽ mình biết chữ còn có ý nghĩa gì? Chén trà chưa kịp nguội đã đọc xong hai bài thơ, sau cứ muốn người khác tin rằng: mình là đại thi hào ư? Mình sắp đi lĩnh giải Nobel ư? Nếu hai bài thơ đó có hay thì nó cũng chỉ có giá trị “thưởng trà” thôi chứ làm sao đòi xông vào ngục Bastille đem theo giá trị lý tưởng vĩnh cửu của nhân loại.

Nền văn học Pháp được xem là nền văn học mạnh bậc nhất và cao bậc nhất thế giới, đã sản sinh trào lưu đòi văn học phải dấn thân vào cuộc đời, như các khẩu hiệu “văn học phải dấn thân” (Engage), “Văn học phải xuống tầu” (Embarque). Lần lại xa xưa, triết gia Aristote chắc chắn cho rằng: khi vô số các nhà thơ ngâm nga thứ thơ ballad theo lối chợ búa vui thú nhàn tản thì thơ không thể nào trụ vững cũng như có gía trị, chỉ khi với Homer đi khắp nơi tụ hợp những vần thơ trọng đại ngâm nga lên ý nghĩa khổ đau của con người, kể từ đó thơ mới trụ vững và tồn tại. Tóm lại, Aristote nói: Thơ chỉ có thể tồn tại theo ý nghĩa trọng đại của cuộc đời. Điều đó cũng có nghĩa “Văn thơ là Nhân học”. Còn triết gia Platon thì nói “Thà làm anh hùng để các nhà văn ca ngợi, còn hơn làm nhà văn để ca ngợi các anh hùng”. Câu này có một hàm nghĩa rằng: Anh hùng của cuộc đời mới là cao nhất vì nó mang ý nghĩa trực tiếp của cuộc sống máu thịt. Còn văn học chỉ là phó bản của bản hiện thực cuộc sống, hoặc nó là cái bóng mà không có cuộc sống thực sẽ không có chiếc bóng phản ánh của văn học.


Tự do làm cho người ta thoát khỏi ách của nô lệ! Công bằng làm cho người ta không bị kẻ khác lạm dụng tự do để ăn hiếp mình. Chỉ có tự do và công bằng mới dẫn người ta đến


bác ái yêu thương. Như người Việt bảo làm sao có yêu thương trong một gia đình và xã hội mà “cha nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa”. Công bằng là thứ khó thực hiện nhất của con người. Tại sao? Vì đa số người thích làm chủ kẻ khác, không nói đâu xa, ngay trong cả thú vui tình dục người ta cũng thích kẻ khác phải hầu hạ mình, một loạt các vụ bạo hành tình dục xảy ra, nguyên nhân là nhiều ông chồng cứ đòi thế nọ thế kia mà các bà vợ không đáp ứng. Rồi nạn ấu dâm, buôn bán phụ nữ… cũng là để phục vụ người đòi làm ông chủ. Người Việt có câu “được lòng ta xót xa lòng người”, hay là: “của mình thì giữ bo bo/ của người thì thả cho bò nó xơi”. Phản ánh: con người không bao giờ thoát nổi tính vụ lợi của dục vọng. Đã là dục vọng thì muốn hơn người, muốn ăn trên ngồi trốc. Chính thế mà Công bằng mới luôn luôn là một vấn nạn khó khăn.

Đạo Ki tô giáo có dạy con chiên: con người không có quyền phán xử lẫn nhau, chỉ có Chúa mới có quyền phán xử. Tại sao? Vì ở đời có mấy ai không cho là mình đúng. “Sư nói sư phải, vãi nói vài hay”, thế rồi cướp lấy cái quyền phán xử người khác theo kiểu “cha nói oan, quan nói hiếp”… rồi mua thù chuốc oán lẫn nhau, oan oan tương báo chẳng bao giờ dứt. Vì thế muốn tranh cãi thì không phải chỉ dựa vào Chúa vô hình, mà phải được đem đến tòa hội đồng, nơi: công lý có nhiều người thứ ba để minh định. Và công lý đó có ánh sáng lý tưởng là Chúa vô hình được thể hiện qua Kinh Thánh, đặc biệt là Tân Ước, với tuyên ngôn của Chúa Jesus “Ta đến để kiện toàn luật”. Chẳng hạn ta hãy xem Chúa Jesus xử vụ án gái điếm Madeleine. Một đám đàn ông dẫn gái điếm Madeleine đến bảo với Chúa Jesus, “cô này phạm tội bị bắt quả tang, theo luật phải bị ném đá, vậy ông hãy cho ném đá”. Chúa Jesus bảo “Ai trong các người trong sạch hãy bước lên mà ném đá!” Thế là đám đàn ông dần dần bỏ đi hết, mới đầu là người già sau đến người trẻ.


Tự mỗi con người không thể tự biết mình cư xử có đủ công lý không? Mà người ta phải trông cậy vào lẽ phải của loài người, vào những triết gia, những nhà thông thái, những nhà đạo đức, những phương ngôn, và cả những lời khuyên bảo nhỏ nhất như “no mất ngon, giận mất khôn”… Vậy mà có anh mới làm được mấy vần thơ vụn, coi khinh tất cả, triết gia thì chê cổ lỗ, phương ngôn của dân tộc thì chê lạc hậu, anh ta đâu có hiểu cái gì thuộc về nguyên lý không bao giờ lạc hậu, “nói phải củ cải cũng nghe” cũng sẽ không bao giờ lạc hậu, rồi Công bằng là giá trị thường xuyên thường trực cao cả nhất của con


người cũng bị đem ra bêu riếu như thứ đồ tầm thường ai cũng có sẵn… Không hiểu tâm hồn anh còn lại cái gì? Người đời nói “Lương tâm là kẻ khác ở trong ta”. Kẻ khác ở trong ta cũng chính là công bằng đó, cũng chính là bác ái đó. Một người mà không có công bằng, tức bác ái không có trong tâm, cũng tức là lương tâm không bao giờ nhức nhối tiếng gọi của người khác thì không hiểu anh ta sáng tác cái gì?


Thật ra những kẻ tầm thường cũng dễ hiểu lắm. Họ trả vờ không có vấn đề của lương tâm, của người khác, của công bằng, của tự do, hay những vấn nạn hà khắc của đời sống để được nhàn tản cưỡi ngựa xem hoa đọc vài vần thơ vụn tô đẹp cho giấc mơ làm vĩ đại của mình mà không phải phiền hà đến ngôn ngữ của hy sinh?! Có đúng không nhỉ hay những con người tầm thường không biết đến công bằng có gì bí ẩn hơn thứ huân chương cài trên giá áo túi cơm???

Paul Đức 25/5/2018


0 lượt xem0 bình luận

Comentários


bottom of page