top of page
Nguyen Hoang Duc

CÔ ĐƠN CON NGƯỜI - CÔ ĐƠN THI SĨ

Đã cập nhật: 18 thg 10, 2022

Xây lên con người của chính mình là nhiệm vụ cam go nhất?! Chúng ta hãy nghe Saint Exupery quả quyết: “Chỉ có con người mới xây dựng nổi cô đơn”.


Cô đơn! Hai chữ đó vang lên đã đủ gây cơn sóng cồn tê buốt trong lòng bạn chưa? Và xây lên bản ngã riêng rẽ của mình có phải là cam lòng chấp nhận cuộc thử thách của cô đơn? Vâng! Cô đơn chắc hẳn là một định mệnh khắc nghiệt nhất của con người.


Chúng ta thử nghe lời tâm sự thống thiết của một vị linh mục ngày nào cũng tiếp xúc với hàng vạn con chiên nhân ngày lễ “linh mục - chủ chăn”, ông nói: “Cái giá lớn nhất trong cuộc đời dấn thân tu hành của một linh mục là cô đơn. Đó là nỗi cô đơn dào dạt thống khổ chua xót suốt cuộc đời. Và nó trở nên một thử thách day dứt trọn cuộc đời trong từng thớ thịt, từng mạch máu, từng giây từng phút. Tôi thiếu nhà ư? Không, tôi ở giữa vòm cuốn nhà thờ Chúa mênh mông lồng lộng! Tôi thiếu cơm ư? Không, cả giáo xứ nuôi tôi với vật phẩm dồi dào! Tôi thiếu áo mặc ư? Tôi luôn được xúng xính trong những bộ lễ phục dài lượt thượt. Không! Cái mà tôi thiếu nhất – cái khoảng trống hư vô tút hút cứ mở mãi trong con tim cô đơn của tôi – là hơi ấm của một con tim khác! Đó là nỗi niềm buốt giá vĩnh viễn trọn đời tôi. Và đó cũng là mối tình của tôi dâng lên Đức Chúa Trời. Một mối tình mang trọn vẹn thách thức cam go thống khổ.”


Một trinh nữ xinh đẹp khép cửa tâm hồn để trở thành pháo đài cô đơn sừng sững trước tất cả những chàng trai hào hoa suốt ngày vây quanh tán tỉnh. Tại sao vậy? Nàng muốn khép lại cho riêng nàng một thế giới vào một buổi chiều ý nghĩa nào đó đã mở ra bằng lời thủ thỉ kết ước chung thuỷ với chàng trai quả cảm. Và chàng đã ra đi chưa trở về. Nàng vẫn đợi và cứ đợi, con tim nàng, tâm hồn nàng, cơ thể nàng đầy ắp hình ảnh và hơi ấm của chàng. Song bi kịch thống khổ là ở chỗ đó. Hình ảnh của chàng thì tràn ngập mà diện mạo của chàng thì vắng mặt. Còn vô số những chàng trai dập dình trước cửa thì sờ sờ ra đấy, nhưng chẳng có nổi một hình ảnh nào. Pháo đài của nàng là một pháo đài nhức nhối nỗi cô đơn bịt bùng thống khổ.


Một con vật bị nhốt hay bị lạc bầy, có cô đơn không? Không! Nó chỉ độc hành chứ không cô đơn, bởi lẽ ngay tức khắc khi nhìn thấy bầy đàn của mình, nó hớn hở ra nhập dễ dàng. Trái lại, nỗi cô đơn của con người khác hẳn, nó ghẻ lạnh cô độc giữa cuộc đời tấp nập đầy người. Có một câu chuyện thật rằng: một thiền sư từ bỏ làng mình đi tìm một chỗ cô quạnh trên dãy Hymalaya đầy tuyết phủ để ngồi thiền. Sau hơn bốn mươi năm đi dọc dãy Hymalaya, ông thất thểu trở về làng. Người làng hỏi ông:

- Ông không tìm thấy chỗ yên tĩnh để ngồi thiền à?


Ông trả lời:

- Không! Chỗ yên tĩnh thì rất nhiều, nhưng chỉ có điều, lòng tôi đã không yên tĩnh để ngồi yên một chỗ nào.


Vậy đó, vị thiền sư đã thừa nhận sự thất bại của mình. Ông đã thua cuộc nỗi cô đơn của mình, trái tim náo nhiệt của ông đã chẳng một lần xúi giục nổi những bước chân hăm hở lang bạt hãy ngồi xuống.


Cô đơn là nỗi đau thống khổ của con người, bởi con người vừa sống cô đơn vừa ý thức về nỗi cô đơn của mình. Nhưng cũng chính có ý thức mà con người là kẻ duy nhất dám đối chọi với nỗi cô đơn để xây lên mình một cách toàn diện nhất. Chúng ta thử tưởng tượng, một tên ma cô dẫn gái bị tống giam mười năm, hắn có cô đơn không? Ngay giờ phút đầu tiên được xổng trại, hắn đã sa vào giữa những vòng tay của đám “chị em” vẫn ưu ái gã như một đại ca. Không ! Hắn không bao giờ muốn cô đơn đến một giờ. Sự cô độc suốt mười năm của gã chỉ là một hoàn cảnh bắt buộc. Hoàn cảnh đó ở ngoài tâm hồn hắn.


Cô đơn! Không phải tiếng kêu rêu rao cho bản ngã lạc lõng của mình, mà cô đơn là điều kiện thuần khiết để đào luyện chính mình trước khi tham gia vào cuộc hội nhập nhân loại như một kẻ mang trách nhiệm và bổn phận. Cô đơn là điều kiện riêng rẽ để phản tỉnh chính mình, cũng như xây lên ý thức của mình. Schellinh nói: “Con người ngủ trong thân cây, mộng tưởng trong dã thú, nhưng ý thức và nhận biết chính mình trong con người” ( L’homme qui dort dans la plante, qui s’eveille et prend conscience de soi dans l’homme ). Và thánh Augustine cũng nói: “Con người có thể đánh mất chính mình trong khát vọng vĩnh cửu của nó để tìm kiếm ánh sáng của chân lý đã sáng tạo ra nó.”


Đó là con người nói chung, còn con người nhà văn thì sao? Anh là nhà văn, anh lại càng phải xây lên bản ngã của mình một cách độc lập đặc thù nhất, và hơn nữa anh phải sáng tạo ra bản ngã của mình. Nếu không làm vậy thì làm sao tác phẩm của anh có thể mang tên anh? Và sự sáng tạo ở đâu khi mà cuộc đời đã là vậy, luôn là vậy, và mãi mãi là vậy? Tình yêu ư? chẳng phải Ađam và Êva đã yêu nhau từ thủa khai thiên lập địa! Đau khổ ư? Chẳng phải nước mắt loài người đã rỏ từ thế hệ này đến thế hệ khác! Chiến tranh ư? Chẳng phải mùi khét lẹt của thuốc súng và hơi thối rữa của xác chết vẫn ám khí trên những trang sử còn hoen máu! Hoà bình ư? Chẳng phải hơi thở mỏng manh xao xuyến của những trái tim dễ cảm còn đang run rẩy trong gang tấc của thời gian! Tham vọng ư? Biến cố ư? Tiền bạc ư? Nghèo đói ư? Bất công ư? Tất cả đã cũ cả rồi! Nó cũ như lịch sử của loài người. Vậy anh sáng tạo cái gì? Có phải anh sẽ sáng tạo cái nhìn mới mẻ của anh giữa những vấn nạn đã trơ lỳ nỗi cam go trên thế gian sông núi đã quá cũ này! Vậy, chẳng còn cách nào khác, cái đầu tiên anh phải sáng tạo là sáng tạo ra bản ngã của mình. A. Rimbaud nói: “Sự nghiên cứu của con người muốn trở thành thi nhân là sự hiểu biết về chính hắn toàn bộ; hắn tự tìm kiếm tâm hồn hắn, hắn tra xét, khảo sát, học hỏi nó. Ngay khi hiểu nó, hắn phải đào luyện nó, việc đó có vẻ đơn giản: Trong bất kỳ bộ não nào cuộc phát triển tự nhiên cũng tự viên thành” (Con đường sáng tạo, tr.109).


Trong bất kỳ bộ óc nào cuộc phát triển tự nhiên cũng tự viên thành. Bạn chẳng bao giờ có thể hy vọng trở thành một nhà văn lừng lẫy trước khi bạn công phu đào luyện mình thành một người thông thái và hoàn hảo; một bản ngã đầy bản lĩnh và vững chãi trước gió bụi cuộc đời. Vậy bản ngã của bạn có hùng mạnh không khi bạn phải nhờ vía những bản ngã khác hùn hạp cho bạn? Bạn có viết bằng bộ não của đám đông và những cánh tay tập thể không? Bạn có đi tìm cảm hứng sáng tạo giữa những tiếng thanh la chũm choẹ, tiếng hò reo nổ tứ bề? Không! Chẳng bao giờ bạn có thể sáng tạo tác phẩm đích thực của bạn bằng cách ấy. Bạn hãy nhìn khắp trần gian, Platon, Aristote, Newton, Einstein, Dostoievski, Balzac đã để lại cho nhân loại di sản của riêng họ hay di sản của hộ gia đình, cơ quan, hay khu phố họ?


Như một kẻ hành hương độc lập, bạn hãy đi qua sa mạc một mình, đó là bổn phận riêng có mà bạn không thể chối từ, bởi lẽ khi bạn suy tư và thông thiên với chân lý thì đó là sự nghiệp của riêng tâm hồn bạn, và chỉ thế, thế thôi, tâm hồn bạn mới trở nên giá trị. Bạn hãy nghe đây bổn phận của kẻ can trường: “Con người không chịu gia nhập vào đám đông, là kẻ từ chối khoan dung với mình” (Schopenhauer, Nhà Giáo dục tr.. Đó là cách duy nhất để đào luyện mình, cách từ chối hang hổ lẩn trốn của một bản ngã ươn hèn đã đánh rơi bổn phận mang tên mình. Bạn phải là bạn thì tác phẩm của bạn mới là của nhà văn mang tên tác giả là Bạn. Còn nếu bạn không phải là bạn, bạn thuộc về đám đông, thì tác phẩm cũng giống như bạn, nó sẽ là tuỳ phẩm hay thụ phẩm của khối tác giả bao trùm lên bạn.


Khi ta vong thân đào thoát khỏi bổn phận của ta thì hiển nhiên ta cũng vong thân khỏi tác phẩm của mình. Bạn là nhà văn bởi trước hết bạn là một con người, một con người có nhân cách và tài năng. Đó cũng là cách mà nhà văn Henry Miller đã xác định: “Bởi không có sự phân cách giữa chính bản thân tôi như một nhà văn và tôi như một con người: thất bại như một nhà văn có nghĩa là thất bại như một con người”


(Con đường sáng tạo, tr.145 từ cuốn Ý HƯỚNG TÍNH VĂN CHƯƠNG)

Nguyễn Hoàng Đức 9/1993

3 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page