top of page
  • Nguyen Hoang Duc

CHÚNG TA NÊN QUAY VỀ MÁNG LỢN CỦA THƠ QUẦN CHÚNG

Đã cập nhật: 22 thg 5, 2023

Cho đến bây giờ chúng ta vẫn có hơn 80% tiểu nông. Con lợn đóng vai trò chăn nuôi – kinh tế phụ mang tầm quan trọng thứ hai chỉ sau sản xuất của dân quê. Nên khi tôi dùng hình ảnh máng lợn là hiện thực chứ không có ý mạt sát gì cả.


Cái máng lợn, đặc biệt cái máng lợn sứt đã đi vào hình ảnh văn chương bậc nhất kinh điển của thế giới trong truyện ngắn của Nga “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Chuyện rằng, ông lão ra biển đánh cá chẳng được gì, chỉ vớ được con cá nhỏ màu vàng. Cá bảo với ông “xin ông hãy thả tôi, tôi sẽ đền cho ông tất cả những thứ ông muốn”. Ông lão trả lời “tôi chẳng muốn thứ gì ngoài cái máng lợn sứt của nhà tôi lành lại”. “Ông hãy về và được như ý!” Khi về lão đánh cá kể chuyện cho vợ, bà bảo “Ông ngu thế, sao lại chỉ ước mỗi cái máng lợn, hãy ước một cái nhà thật to vào!” Lão đánh cá bèn đi ra biển yêu cầu khi quay về thấy nhà mình rất to. Nhưng mụ vợ thét lên “Ông ngu thế, hãy ước cái nhà này toàn bằng vàng!” Ông lão lại ra đi trở về thấy nhà mình đã bằng vàng. Nhưng ngay ngoài ngõ ông đã nghe vợ thét “Ông ngu thế, ông bảo cá vàng đến đây phục vụ tôi!” Ông lão buồn bã ra đi nói với cá vàng. Cá vàng không trả lời chỉ quẫy đuôi, và khi ông trở về thấy bà vợ mình lại đang ngồi bên cái máng lợn sứt!


Thơ của chúng ta với số lượng nhà nhà làm thơ rõ ràng là thơ quần chúng. Thơ quần chúng thì đã sao, nó đâu có xấu! Một ông già hay đứa trẻ cất tiếng hát, đó là văn nghệ phổ thông đâu có xấu! Nhưng hát ý ới lại ảo tưởng mình có giọng ca vàng hay là nhạc sĩ thì bắt đầu xấu.


Nền thơ của chúng ta ngay cả ba ông đầu rau thơ chụm lại thành lãnh đạo, như tôi đã bàn, thần đồng như Trần Đăng Khoa cũng là thơ nhà quê “hạt gạo làng ta”, Hữu Thỉnh học dở lớp tám vác ba lô đi lính cũng không thoát khỏi bờ rào “Còn một chút lửa dong riềng cuối rậu”, còn Nguyễn Quang Thiều với “đàn bà vác dậm đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ/ ...” Còn vô số những nông dân mù chữ vừa vỡ vạc xóa mù ào ạt lội vào thơ để tập đọc- hàng vạn – hàng triệu thì nền thơ của ta chủ yếu là quần chúng.

Một đứa trẻ cất tiếng hát không bao giờ xấu! Một người muốn làm thơ để cải thiện thân phận mù chữ lâu đời của mình – không xấu. Một bà nhà quê ước cái máng lợn của mình thành nhà vàng là xấu. Và càng xấu hơn khi đòi cả cá vàng phục vụ mình, và kết quả bà ta phải trở về cái máng lợn!


Nền thơ quần chúng Việt Nam, sau khi mấy anh thơ phú được bầu vào làm quản lý, lại tưởng mình là những nhà lãnh đạo mỹ học vung tay, múa ghế là có thể thơ hay, thậm chí chấm cả thơ người khác, lại còn quả quyết không có giải nhất, thật đúng là gái già đòi thi nhan sắc?! Bạn Nguyễn Minh đã viết: “mấy ông mở thi thơ, như thi hoa hậu, nhưng rút cục lại chọn hoa hậu là khỉ.” Than ôi, tầm các vị mới dừng ở mức ao chuôm thổi kèn lá làm sao hiểu được thơ của một giàn giao hưởng khổng lồ?!


Cụ thể các ông còn ảo tưởng đến mức dẫn cả ban giám khảo trung ương với các nhà giáo trường Nguyễn Du, và các thí sinh thơ về làng để nhận giải thơ làng. Tức là thơ cả nước, thơ bác học đều phải xếp sau mấy anh xẩm xoan nhà quê mắt toét. Đấy có xấu không? Có ảo tưởng không?! Ảo tưởng hơn các ông lại gọi Việt Nam là cường quốc thơ. Có cường quốc thì phải có hoàng đế, và đó là cách các ông tự phong cho mình là hoàng đế…


Có câu của Trung Hoa “giết cha và giết vua không chỉ xảy ra trong một ngày”. Việc giải “Mẹ tôi chửi…” các ông đưa thơ xú mỹ lên giải cao nhất, là việc không phải xảy ra trong lần này, mà là logic của đường ngang ngõ tắt lắt léo danh lợi ngày càng trắng trợn của HNV, nên cái kim đến ngày tòi ra. Đây là sự kiện cái máng lợn tiểu nông hoàn về chỗ ban đầu của nó, thơ quần chúng thì là quần chúng thôi các vị chớ cậy con dấu quản lý mà bày đặt này nọ nào Nobel hay cường quốc thơ?


Lời cuối cùng xin nói với các bạn làm thơ đông rinh rích, các bạn làm thơ cho vui cuộc đời thì cứ làm, nhưng đừng chưa làm đã ảo tưởng thi hào, thi bá, rồi đố kỵ đánh chặn người khác. Các bạn hãy nhớ một điều ngay cả những ngôi sao rất chói sáng trên bầu trời thơ Việt Nam, nhưng thường cũng chỉ là tác giả của một bài tủ ngắn tũn (về trường ca hầu hết thất bại khi không thể có cốt truyện và nhân vật!) Hát một câu, vài bài, hay làm thơ ít bài không sao và không có gì là xấu nhưng ảo tưởng mình là thi bá trong làng để đánh chặn người bác học hơn mình cả ngàn lần là một sự xấu xa đấy!


Paul Đức 17/4/2021

0 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page