top of page
  • Nguyen Hoang Duc

CHÚNG TA MẤT MỘT ĐỜI ĐỂ MONG CẦU TIẾN BỘ SAO KHÔNG DÀNH MỘT NGÀY TỰ NGẮM MÌNH (Lệ Hằng)

CHÚNG TA MẤT MỘT ĐỜI ĐỂ MONG CẦU TIẾN BỘ SAO KHÔNG DÀNH MỘT NGÀY TỰ NGẮM MÌNH ĐỂ TIẾN BỘ TỪ TRONG CỘI RỄ

Lệ Hằng

(Giới thiệu sách: NGƯỜI VIỆT TỰ NGẮM MÌNH của Nguyễn Hoàng Đức - NXB: Thanh Niên 2019)

*****

Tôi viết bài này khi vừa kết thúc trang cuối cùng của cuốn sách và trước mắt lúc này là một chiếc gương để tự soi đầy nhức nhối, nhìn vào gương tôi thấy tôi gia đình tôi họ hàng tôi và tất thảy những người thân yêu của tôi, chúng tôi đang đi lại, đang làm việc, đang thể hiện sự yêu ghét của mình và đang sống… Vâng, chỉ vậy thôi thì chẳng có đáng nói, điều đáng nói ở đây là tôi nhìn bằng một đôi mắt khác, tỉnh táo chưa bao giờ là tỉnh táo thế!


Vì vậy tôi thấy mình cần chia sẻ để gạt bớt đi lòng ích kỷ hẹp hòi, tôi cũng mong bạn sẽ làm như vậy nếu đến dòng cuối cùng bạn vẫn thấy bài viết này hữu ích.

Cuộc sống hôm nay là một cuộc rượt đuổi về thời gian nên tôi sẽ khẳng định giá trị cuốn sách trước để bạn đọc lướt qua nó mà thấy lòng vẫn hững hờ rằng ta chẳng thèm, chẳng tìm kiếm mấy thứ này thì thôi “next” luôn cho khỏe.


Tiến bộ! Có phải từ này bạn đã nghe quen tai, nghe đến bưa xôi chán chè từ thuở tò te đánh đáo?! Và có phải bạn cũng đang mong cầu điều đó? Tiến bộ là gì? Là phát triển theo hướng đi lên, tốt hơn trước. Cái sau tốt hơn cái trước, cái mới tốt hơn cái cũ, thế hệ con cháu thành tựu nhiều hơn thế hệ ông cha. Người Việt chúng ta nói “Con hơn cha là nhà có phúc.” Làm sao để có được cái phúc phần ấy? Làm sao ta của ngày hôm nay có thể tốt hơn ta của ngày hôm qua nếu ta không nhìn thấy chính ta, bóc trần cái hay cái dở của chính ta mà cải thiện dần dần? Có ai tự thấy lọ nghẹ trên mặt mình để chùi đi nếu không phải thông qua một vật trung gian. Vật trung gian ấy có thể là cặp mắt của người đối diện, có thể là một chiếc gương. Khi bạn sửa mình qua cặp mắt của người khác, bạn không thấy chính mình mà chỉ hành động theo chỉ dẫn rồi đưa tay lên chùi và chùi trật nhiều lần hoặc làm be bét thêm vết lọ nghẹ. Nhưng khi bạn soi qua gương, bạn giật mình thảng thốt và bạn chùi một phát là trúng luôn, sạch luôn vết lọ nghẹ. Rõ ràng con đường tốt nhất để nhìn thấy chính mình là chiếc gương.


Và hôm nay, tôi đang giới thiệu với bạn một chiếc gương sáng quắc: “Người Việt tự ngắm mình” - một xuất bản phẩm đã được nhà nước đặt hàng để đưa vào làm tư liệu trong các thư viện lớn - để bạn tự ngắm, tự soi mình. Chẳng những thế, chiếc gương này còn đủ rộng để bạn soi chiếu vào xã hội và cội rễ văn hóa của chúng ta để từ đó gạn đục khơi trong. Không dễ gì từ bỏ được ngay những thói hư tật xấu của mình nhưng ít nhất cuốn sách sẽ giúp bạn có cái nhìn tỉnh và sáng để bạn thấy mình chủ động trong mọi sự đánh giá và theo tôi, phải đau đớn bóc tách chính mình, quyết liệt gạn lọc chính mình trước để có bệ phóng thì những sách vở, kiến thức, trải nghiệm đông tây kim cổ mới đẩy ta lên tầm cao mới của lý trí và tri thức. Đây là một cuốn sách phê bình phản tỉnh rốt ráo, gay gắt, không phải một ấn phẩm giải trí ru ngủ tâm hồn nên tôi sẽ kể về con đường gian nan mà tôi đã tiếp cận nó để bạn đọc sau này được tiếp cận dễ dàng hơn bằng cách trả lời những câu hỏi quan trọng sau.


1. VÌ SAO KHÔNG ĐỌC TRUYỆN MÀ ĐỌC CUỐN SÁCH CỨNG NHƯ ĐÁ NÀY?

Quỹ thời gian giải trí ít ỏi của mình, nếu được chạm tay vào sách tôi hiển nhiên chọn truyện. Vì thế giới trong truyện luôn được tác giả bày biện sẵn cho mình phiêu lưu khám phá, thỏa sức tưởng tượng và thỏa sức sống với cảm xúc. Cảm xúc là thứ một khi đã đến thường hay ở lỳ và dễ dãi, ngược lại lý trí làm mình nhọc nhằn khổ sở nên tôi muốn “bơ” đi cho đỡ nhọc. Nhưng, một người bạn đã nói với tôi rằng tôi sẽ chẳng bao giờ lớn được nếu chỉ mãi đọc những sáng tác ấy. Giải trí ư? Bản chất lười biếng của tôi sẽ khiến tôi giải trí cả đời cũng không đủ. Nhưng tôi còn lại gì sau những giờ đọc sách giải trí ấy? Thay vào đó, chỉ cần một hôm hoặc vài hôm để tự ngắm mình tôi sẽ trưởng thành và bây giờ đọc sách giải trí vẫn chưa muộn, thậm chí còn tốt hơn rất nhiều vì sau cuộc tự ngắm mình tự ngấu nghiến cái xấu của mình giờ tôi đã biết mình cần đối xử với chính mình và với sách vở trên tay mình như thế nào cho tốt, cho văn minh.


2. CUỐN SÁCH TOÀN KỂ RA THÓI HƯ TẬT XẤU, CÓ PHẢI TÁC GIẢ KHÔNG YÊU DÂN TỘC MÌNH?

Đó là câu tôi đã hỏi khi được giới thiệu về cuốn sách và chỉ đi qua hết chương một: Lý do cuốn sách này có mặt tôi đã tự chửi mình thật là nông cạn. Phê bình được cho là môn khó nhất, tại sao? William Shakespeare nói “Phê bình kẻ khác là chính mình phê bình mình.” Làm sao khi mổ xẻ phê bình ai đó hay thứ gì đó chính ta lại không đối chiếu so sánh chính mình và không phê bình mình cho được?! Tác giả cuốn sách vừa đứng trên lập trường khách quan, dùng ánh sáng của triết học và văn hóa Đông – Tây để soi đến tận cùng ngõ ngách văn hóa dân tộc mình vừa đứng trên lập trường chủ quan mình tự “nghiền nát” mình như tác giả đã khẳng định trong câu cuối cùng của cuốn sách, rằng: “Tôi viết cuốn sách này mở màn ngắm cái xấu của tôi, của gia đình tôi.”


Thử hình dung mà xem, quá trình cho ra đời cuốn sách này có phải là tác giả ung dung cười nhạo dân tộc mình hay là đau đớn tột cùng, xấu hổ tột cùng với những “tồn tại” suốt chiều dài lịch sử - văn hóa để “tự gạn lọc mình” và giúp người gạn lọc. Con người vốn thích ngọt, đồ ăn ngọt và cả lời nói ngọt. Tác giả chọn nói ra lời cay lời đắng để được gì nếu không phải là vì yêu dân tộc!


3. CUỐN SÁCH CÓ PHỦ NHẬN GIÁ TRỊ CỦA NGƯỜI VIỆT KHÔNG KHI CHỈ CHĂM CHĂM BÀN ĐẾN CÁI DỞ?

Theo lẽ thường tình tôi phải nói là mỗi người có suy nghĩ riêng, cảm nhận riêng. Nhưng, chúng ta cũng nên thống nhất trên bình diện chung và rộng lớn rằng giá trị của người Việt chúng ta, những phẩm chất cao quý của chúng ta, cái hay cái đẹp trong văn hóa chúng ta đã được nói quá nhiều, thậm chí là thừa. Truyền hình, báo chí, sách vở… ta nghe mãi nghe hoài đến nỗi ta vô tình làm chúng thành sáo rỗng. Trước đây là tôi và bây giờ là học sinh của tôi bất cứ lúc nào viết tập làm văn đều “Con người Việt Nam ta kiên cường, chịu khó abc, xyz…” rồi kháo nhau rằng “Ê bây, có một bài ca mãi không biết chán, hè!”


Đấy là sự thật từ chính tôi và nhan nhản quanh tôi. Vì vậy, hà cớ chi tác giả phải ca thêm bài ca ấy một lần nữa. Những giá trị của chúng ta sẽ không vì cuốn sách phản tỉnh này mà mất đi vì như lẽ tự nhiên mỗi người sẽ cảm nhận về thế mạnh của mình rất dễ dàng và nhanh chóng. Một đứa trẻ lớn lên một cách tự nhiên nó sẽ biết mình hát hay giọng mình đẹp đáng được người khác ngưỡng mộ nhưng nó không biết mình lấy hơi chưa đúng, mình xử lý nốt Sol bị phô, những điểm yếu tinh tế như thế nó phải cần đến một người thầy có chuyên môn và tâm huyết chỉ ra uốn nắn để giọng hát ngày càng hay. Cũng như thế, một cầu thủ biết mình là chân sút cừ khôi rất dễ nhưng anh ta cũng cần có huấn luyện viên chỉ ra cái gót chân Asin của mình và chỉ đạo chiến thuật mới phối hợp được với đồng đội để thăng hoa trong sự nghiệp thể thao của mình.


Cái tốt, cái mạnh nhìn thấy thường là dễ nói ra càng dễ hơn. Còn cái yếu, cái không thuận tai vừa khó vừa đòi hỏi lòng can đảm vì bạn đang chạm đến tự ái không chỉ một người mà là một dân tộc. Tôi trân trọng điều ấy. Chỉ ra những thói hư tật xấu đã nằm thâm căn cố đế trong cội rễ tâm hồn Việt đâu phải để miệt thị nhau mà là để cầu tiến, như chính tác giả đã khẳng định: “Thuốc đắng dã tật” để chúng ta cùng gạn đục khơi trong, trở nên những con người đã mới thì mới hơn, còn đang cũ thì sẽ mới.”


Vì vậy, hãy đọc cuốn sách này với tinh thần cầu tiến, đạp trên cái xấu cái dở của chính mình bước lên, thanh tẩy và khoác cho mình một chiếc áo văn hóa mới.


3. TÁC GIẢ CHÊ VĂN HÓA VIỆT VÀ HƯỚNG ĐẾN CÁI ĐẸP CỦA CÁC NỀN VĂN HÓA KHÁC CÓ PHẢI LÀ SÍNH NGOẠI RUỒNG RẪY QUÊ HƯƠNG?

Vâng, rõ ràng cuốn sách này là “chê” người Việt chứ không phải khen. Nhưng ngẫm xem nào. Người Việt chúng ta lớn lên trên cái nôi của nền nông nghiệp lúa nước, những phong tục tập quán dưới sự ảnh hưởng của khí hậu và đặc thù lao động đã trở thành những nét đặc sắc trong đời sống văn hóa, có cả tốt lẫn xấu, lẽ hiển nhiên. Vậy những con người lớn lên trên các thảo nguyên rộng lớn, thụ hưởng văn hóa du mục họ có thói hư tật xấu, có gì đó gọi là “tồn tại” thâm căn cố đế ngàn năm chưa tiến bộ không? Câu trả lời tất nhiên là có. “Người Nhật xấu xí” “Người Mỹ xấu xí” “Người Trung Hoa xấu xí”… Tác giả của những cuốn sách này có ruồng rẫy quê hương? Những tựa sách ấy nói cho ta điều gì?


Nói cho ta rằng dân tộc nào cũng tự phê bình mình và dân tộc nào cũng có những con người kiệt xuất yêu giống nòi tha thiết đến mức phải phản tỉnh dân tộc mình bằng những lời hà khắc, cay nghiệt nhất và bạn phải hiểu rằng họ đang hà khắc với chính mình trước tiên.


Không dân tộc nào là hoàn hảo, vì chung quy lại chúng ta là Con Người, luôn phải đấu tranh với phần “Con” để tiến lên phần “Người”. Nhưng những thói hư tật xấu của các dân tộc khác, nền văn hóa khác chúng ta cần biết để làm gì khi nó chẳng giúp mình tốt hơn. Mình chơi với bạn, nếu bạn xấu, bạn hư, bạn nhu nhược và mình chăm chăm săm soi điều đó (khi đã có người chỉ ra cái xấu của bạn và giúp bạn sửa sai) có làm mình giỏi, mình ngoan, mình mạnh mẽ hơn không? Hay quá trình săm soi điều ấy chỉ kéo mình gần bạn, giống bạn hơn thôi?!


Nhìn thấy cái xấu của mình và nhận ra cái đẹp của người để học hỏi mới là con người của văn minh. Tác giả đã cất công gom góp những nét đẹp bốn phương về trịnh trọng đặt lên bàn tiệc để chúng ta thưởng thức, chúng ta chiêm nghiệm, chúng ta rút ra bài học, và cuối cùng là để chúng ta thực hành một cách khôn khéo nhất hợp với hoàn cảnh văn hóa nước mình nhất.


Không có con đường tiến bộ nào lại không đắp bằng quá trình tích lũy, chắt lọc và học hỏi. Sính ngoại ư? Nếu bạn nghĩ vậy thì bạn đã tự nhốt mình và đã chặn đứng con đường tiến bộ của mình.


Điều cuối cùng tôi muốn nói chính là ngược với những cảm giác khó chịu ban đầu, đã có nhiều lúc tôi cảm thấy mình đang được một người cha dẫn dắt, rất nghiêm khắc, người cha ấy đã chỉ cho tôi cả cách cầm đũa dùng thìa, cách đi, cách đứng, cách ngồi và cả chấm nước chấm làm sao cho lịch sự. Và lời của người cha thì không bao giờ ngọt ngào trau chuốt êm tai.


Mong rằng người Việt chúng ta mỗi người sẽ gọt một chút gồ ghề của bản thân để gần nhau cho êm ái và xóa đi vết lọ nghẹ trên mặt mình để bước ra thế giới thật tinh khôi và trang trọng.

Đà Nẵng, 17/7/2019






5 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page