top of page
Nguyen Hoang Duc

CHÂN LÝ KHÔNG BAO GIỜ THUỘC VỀ ĐÁM ĐÔNG?!

Đã cập nhật: 15 thg 5, 2023

Lịch sử đã vô vàn lần chứng kiến, thậm chí là tuyệt đối chứng kiến, trong các triều đình bọn nịnh thần bao giờ cũng đông gấp một ngàn lần người chính trực. Có lẽ người ta thường được chứng kiến chỉ có một hai người công tâm làm hạt nhân của hiện thực, còn lại đèo bòng tất cả đám giá áo túi cơm, a dua nịnh nọt những xấu xa thối nát của nhà vua để thăng quan tiến chức, làm giầu cho bản thân mình. Chỉ cần lấy một thí dụ cho đám nịnh thần này, chúng xúm xít đứng vòng trong vòng ngoài, xem con dế của vua chọi nhau với con dế khác, rồi chúng tung hô: bệ hạ sáng suốt vạn vạn tuế, con dế của bệ hạ dũng lược quá tả xung hữu đột… Trong thiên nhiên cũng vậy, nếu mặt trời được coi là nhân lõi sáng biểu tượng cho chân lý minh bạch rõ ràng thì có cả vạn vệ tinh bâu quanh mặt trời.


Nhân gian luôn nói câu cửa miệng “Chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Đây là một câu ngang trái nhất phỉ báng đạo đức của con người. Câu đó thì có khác gì những câu “nhà nghèo không thể đấu với nhà giầu”, hoặc “nhà dân không thể đấu với nhà quan”. Có nghĩa là người ta có được “chân lý” bằng cách “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, hoặc “cường từ đoạt lý”, hay “Bên hông túi bạc kè kè/ nói quấy nói quá người nghe rầm rầm”…


Lịch sử đã chứng minh vô số lần khi cường quyền chiến thắng “chân lý” thì tai họa thật khủng khiếp như chính phủ Hy Lạp ép một con người công chính bậc nhất thế giới là Socrate phải uống bát thuốc độc, rồi chính quyền Do Thái Phi-la-tô đã đóng đanh Chúa Jesus lên thập giá mà chẳng tìm ra tội gì ngoài cái gọi là “nói phạm thượng”, ở Liên Xô khi Stalin đầy cả triệu người lên Si-bê-ri hành hạ, ở Trung Quốc thì Mao Trạch Đông làm cỏ vài chục triệu người trong cách mạng văn hóa, còn ở Việt Nam những bài học của cuộc cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm đã để lại vết thương hằn sâu nỗi đau của lương tri đến mức lớp da non sau bao nhiêu thập kỷ vẫn còn chột dạ không lên nổi…


Vì thế quyền lực cũng như đám đông mà thắng thế thì là lúc chân lý lâm nguy nhất. Người Mỹ có một câu nói phổ biến: “Nếu bạn nhìn thấy ai đó bị chà đạp mà bạn bỏ qua, thì sẽ đến lúc bạn bị chà đạp”. Nhà tư tưởng Mỹ Thoreau có nói: “Nhà nước không bao giờ thích hợp với những gì cao thượng, nhà nước chỉ thích hợp với những thứ tầm thường”. Những người làm từ thiện như Bill Gate hay nhiều người khác gần đây họ đại diện cho danh tính của cá nhân họ. Còn nhà nước thì sao? Khi nó mở kho phát chẩn cho ai đó, thì đó là tiền của chung, tiền từ thuế của người dân, chứ nhà nước có mất gì đâu?!


Có một phương ngôn không ai cãi được “Đám đông không có lương tâm. Chỉ là lương tâm khi nó là của cá nhân”. Một đám đông lao vào cuộc tàn sát, thậm chí nó không bị khép tội mà còn được trao huy chương vì lòng dũng cảm. Đám đông ấy không phải chịu trách nhiệm về lương tâm. Nhưng ở mỗi cá nhân thì không, nó làm cái gì đều phải chịu trách nhiệm về chính bản thân mình. Và cá nhân đó cũng không cách gì thoát khỏi chính lương tâm của mình.


Có một hội chơi cây cảnh kia, tranh nhau hai mảnh sân để bày cây cảnh, cãi nhau rằng, sân bên này mới gọi là bên hữu, sân bên kia là bên tả; còn người khác thì nói ngược lại. Không chịu nhau, họ họp số đông lại, ra nghị quyết, lấy biểu quyết, ra tối hậu thư cho nhóm ít người hơn rằng: nếu anh không chịu hiểu sân bên tôi là bên Hữu, thì sẽ bị bỏ phiếu khai trừ ngay…

Chúng ta hãy nhớ lại bài học không thể khác của lịch sử, rằng: khi bạo lực và đám đông lấn át là lúc con người lên đồng tập thể, lương tâm sẽ thoái lui và chân lý bị đè bẹp. Và người ta càng đông, đặc biệt càng đông đám ném đá a dua theo, thì là lúc lương tâm và chân lý càng xa rời. Chúng ta hãy thận trọng phản tỉnh với điều này!


Paul Đức 23/09/2014



3 lượt xem0 bình luận

Comentarios


bottom of page