top of page
  • Nguyen Hoang Duc

CHIẾN LƯỢC GIÁO DỤC – VẮT KIỆT CON EM TỪ TRONG TRỨNG

Đã cập nhật: 12 thg 5, 2023

Giáo dục hiển nhiên là nhiệm vụ nền tảng quan trọng nhất của mọi quốc gia, bởi vì nó tạo ra những con người biết làm để xây dựng đất nước.


Học để làm gì? Người xưa nói: “ Lúc nhỏ không học lúc lớn chẳng biết làm gì!” Vì thế mà học để làm, lớn hơn là làm người đầy đủ với phẩm cách cao hơn. Nhưng học trò học xong sẽ làm được việc gì khi sức lực đã bị vắt kiệt trở thành lười biếng, nhìn thấy việc gì cũng ngại?! Và không có hoài bão gì vì chán chường uể oải chưa bao giờ thôi thúc những lý tưởng siêu việt ở trong đầu ngoài mối ưu tư tiền bạc?!


Chúng ta đang nói về trí thức Việt Nam, rõ ràng hoàn toàn yếu kém thua các nước tầm trung trong khu vực đến cả trăm năm, về đăng ký bằng sáng chế phát minh thua Nhật và Hàn cả chục nghìn lần. Còn thực tế ngay tại sân nhà, từ giáo sư, tiến sĩ, xuống giáo viên và học sinh hầu như vắng bóng những ý tưởng được phát ngôn mỗi khi gặp việc cần hội thảo hay đàm thoại?!


Ở các nước, buổi sáng học trò đi học, trưa ăn tại trường, ngủ dậy làm bài tập, và chiều về, nhà trường giao cho bố mẹ những đứa con khoẻ mạnh, về nhà không cần học thêm gì cả mà vui chơi nghỉ ngơi.


Các triết gia phát hiện, sức mạnh của chiếc lò xo nằm ở chỗ nó kéo mọi thứ về trạng thái nghỉ của nó, nếu lò xo bị kéo căng quá sẽ chóng giãn mỏi và trở nên vô dụng. Ở nước ta, vì thầy cô bị trả lương quá thấp, nên bắt các học sinh học thêm để kiếm thu nhập ngoài lương. Giờ học chính thầy cô dạy qua quít theo kiểu “tiền nào của nấy”, rồi bắt học sinh đến nhà học thêm ngoài giờ theo kiểu nhồi cũng “tiền nào của nấy”, vì thế mà suốt ngày học sinh phải đi học, bị vắt kiệt và bóc lột hết cỡ, cho dù không làm ra sản phẩm cho xã hội, nhưng lại bị huỷ hoại não trạng và sức khoẻ… Theo Hiến chương nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, thì con người có quyền mưu cầu hạnh phúc và sự thoải mái chính đáng. Khi chúng ta vắt kiệt các em nhỏ cũng có nghĩa tước bỏ cơ hội nghỉ ngơi, vui chơi, thoải mái của các em. Tại sao học sinh yêu sớm, nạo thai sớm, chẳng phải đó là cách các em phải cộng tác để tháo gỡ tức thời sự mệt mỏi căng thẳng thường trực ư???


Tại một trường điểm ở Hà Nội, ngày nào cũng có hàng chục cha mẹ gọi đến xin cho con mình được nghỉ tiết vì các em được gọi mà không dậy nổi… Rồi vào giờ Sử, hơn một nửa lớp nằm gục xuống bàn ngủ, cô giáo thương trò nên mặc kệ để cho các em ngủ lấy lại sức. Một dân tộc không có những con người của tương lai thì sao có tương lai?! Mà làm sao có những con người khoẻ mạnh, tráng kiện, dồi dào sức lực để xây dựng tương lai, khi mà sức lực đã vắt kiệt cho những giờ học thêm vô ích?!


Các chuyên gia tư sản đã từng ngạo nghễ tuyên bố rằng: các nước nô lệ dù có được trả tự do thì vẫn đầy rẫy vô trật tự, hỗn loạn, đỗ nát, và diệt vong… Cụ thể như Cu Ba nghèo đói, hay Bắc Triều Tiên ăn cỏ, Trung Quốc làm bánh bao bìa cát tông… Còn học trò Việt Nam bị vắt kiệt sức lực ngay từ lớp mẫu giáo cho đến đại học. Chúng ta nghĩ gì khi cha anh đang bóc lột con cháu mình một cách thảm hại??? Có phải nô tài cỏ giả thì vẫn chỉ là cỏ giả khi tham lam mấy đồng dạy thêm để huỷ hoại những công dân của mình ngay còn trứng nước. Trứng đó lớn lên ung, có thành thứ gì ra hồn không? Việc một loạt học sinh dốt nát phải mua điểm gần đây có phải là bằng chứng học hành quá mệt mỏi nên lười học???


Có nhiều em vừa đi làm như rửa bát, dọn bàn ăn, mở quán… vừa học, chúng ta chớ nên coi đó là tốt. Một viên đạn súng trường đi xa hơn súng lục, vì nó nòng dài hơn, học hành không chỉ lấy kiến thức mà còn nuôi dưỡng hoài bão và lý tưởng… Các triết gia Hy Lạp cho rằng, khi người ta phải làm lụng quá vất vả sẽ không thể sản sinh cái gì cao thượng. Giáo dục muốn lâu dài thì phải Dưỡng dục. Học và nghỉ ngơi đúng cách mới đào luyện ra các trí thức có tài ôm lý tưởng lớn.


Xã hội của chúng ta lẹt đẹt lạc hậu, nghèo nàn, nhếch nhác, vô trật tự, thiếu kỷ cương như hiện nay, có phải vì chúng ta chỉ có thể đào tạo được ra những học trò uể oải về sức lực và mệt mỏi khiếp nhược về lý tưởng???!!!


Khi chúng ta nhìn rõ con cháu mình bị bóc lột và vắt kiệt mà chúng ta cứ mặc kệ thì chúng ta là thứ cha ông gì? Có phải chúng ta vẫn ích kỷ như phong kiến phương Đông ngày xưa “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, để rồi con em chúng ta phản kháng lại bằng cách ngang bướng hỗn láo và nói thẳng vào mặt mẹ cha “đời cha chỉ là phân bón cho đời con”?!

Mong mọi người hãy cải biến và cải thiện tình hình giáo dục này.


Paul Đức 15/4/2019

14 lượt xem0 bình luận

Comentários


bottom of page