top of page
  • Nguyen Hoang Duc

CHIẾN TRANH-SỰ THẤT BẠI CỦA HOÀ GIẢI

Đã cập nhật: 27 thg 5, 2023


Chiến tranh đem lại những đau khổ tột cùng cho con người! Thứ đau khổ bắt con người cam chịu tuyệt đối không còn cách nào cưỡng nổi, không có bút nào tả xiết, bởi vì chiến tranh đem lại đau khổ tuyệt đối là cái chết! Những hố chôn tập thể! Những cảnh tù đày tra tấn hành hạ con người xuống cấp phẩm giá một cách dã man nhất! Và còn có vô vàn người thương vong sống không bằng chết. Có một câu chuyện về một người lính bị thương phải cắt đi toàn chi thể rằng;

Anh gửi thư cho bố mẹ "Con còn sống, nhưng bị cưa mất một tay rồi!" Anh nhận được câu trả lời "Con còn sống là tốt rồi, hãy về ngay với bố mẹ!" Nhưng rồi anh lại viết "Con sợ bố mẹ phải nuôi báo cô con, vì con không chỉ mất một tay mà còn vừa bị cưa một chân nữa." "Không sao, con hãy về ngay!" Nhưng đến khi anh viết anh bị cưa cả hai tay và hai chân, chỉ còn một cục thịt thu lu… thì không thấy bố mẹ viết thư trả lời nữa. Câu chuyện này không phải nhằm cáo buộc tình yêu của bố mẹ anh lính, mà để nói về một khía cạnh khác rằng: dù người ta có tốt đến đâu, thì tình yêu cũng chỉ có một sức chịu đựng nhât định nào đó.


Chúng ta hãy nhớ đến một câu chuyện kinh điển hơn ở trong Kinh Phúc Âm. Ngay trước khi Chúa Jesus bị bắt, ông Phê-rô còn nói “con sẽ theo thầy đến cùng”. Nhưng Chúa Jesus đã bảo với ông “trước khi gà gáy, con sẽ chối ta ba lần.” Sự việc quả đúng như vậy, khi Chúa Jesus bị bắt, có vài người đã chỉ vào ông Phê-rô bảo “đây cũng là người thuộc nhóm của ông Jesus”, ông Phê-rô liền chối "không phải tôi", và ông đã chối liền ba lần, đúng lúc đó gà gáy sáng, ông liền nhớ lời Chúa Jesus bảo mà khóc rống lên.


Câu chuyện của người thương binh và ông Phê-rô cho chúng ta biết một điều; con người là mỏng giòn yếu ớt, người ta không thể có nổi nghị lực tình yêu vô tận để vượt qua lằn gianh của cái chết. Bố mẹ của người thương binh đã không dám nhận đứa con không còn là người do bị cắt nát tứ bề trở về. Và ông Phê-rô một tông đồ, được xem là một con người có nhiều phẩm chất dấn thân cao cả hơn người, vậy mà ông còn hoảng sợ chối Chúa đến ba lần khi thấy nguy cơ bị bắt giam hay hành hạ…


Vậy mà chiến tranh luôn đẩy con người qua giới hạn tột cùng là cái chết! Chưa hết nó còn để lại những di chứng hằn thù, đố kỵ, ghen ghét dằng dai mãi không thôi. Sau Đại chiến thế giới hai chẳng hạn, bất cứ anh lính nào trở về mà mang theo một người vợ Đức thì đều bị người ta xa lánh, kỳ thị, và khinh ghét, bởi họ nghĩ rằng; anh lính đã cưới một cô vợ thuộc dân tộc của kẻ thù…


Chiến tranh tàn phá ghê tởm thật kinh khủng! Mức độ của nó thế nào? Chúng ta thử hình dung; một chiếc phi cơ hàng trăm triệu đô la, được nhiều công nhân tay nghề cao lắp đặt trong cả năm trời, nhưng để phá hủy nó người ta chỉ cần ném vào trong nó một que diêm chưa đến một xu. Hay một tòa nhà xây trong nửa thế kỷ mà người ta chỉ cần vài phút để giật đổ nó với một gói bộc phá. Nhiều chuyên gia tính toán, một năm chiến tranh tiêu tốn khoảng 30 năm sản xuất, kiến thiết và xây dựng. Nhưng đó vẫn là con số lạc quan, có nhiều tính toán khác cho rằng, chiến tranh ngốn trọn hàng trăm năm xây dựng của con người. Chúng ta thử tưởng tượng và so sánh, trong trường hợp một que diêm đốt cháy cả dãy phố hay giờ đây một quả mìn lẳng vào giữa hệ thống cấp phát máy chủ thông tin thử hỏi thiệt hại là bao nhiêu lần???


Không ai muốn chết vì bom đạn hay chất độc hóa học! Cũng chẳng ai muốn bị tù đầy tra tấn! Cũng không ai muốn bị chết từ từ vì bị đói khát do những cánh đồng đã biến thành trận địa! Vì thế không ai muốn chiến tranh! Trước chiến tranh bao giờ người ta cũng tìm cách hòa giải và xúc tiến những biện pháp ngoại giao để không đẩy hai bên vào cuộc chiến một mất một còn! Dù người ta đã từng nỗ lực tìm kiếm sự hòa giải nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy ra dường như không cách nào ngăn được trên mặt đất này?


Triết gia Aristote cho rằng; chiến tranh xảy ra vì đó là bản năng săn bắn của con người. Thật là một lý giải sâu xa nằm sâu trong bản tính của nhân loại. Con người săn bắn để làm gì? Để kiếm thực phẩm? Chưa hết! Để kiếm lông may áo? Chưa đủ! Để kiếm da đóng giầy? Vẫn còn, để kiếm sừng làm thuốc, hay ngẩu pín ngâm rượu… Nghĩa là, đi săn đem lại cho người ta nhiều thứ, nào thực phẩm giầu dinh dưỡng, nào áo choàng lông thú, nào giầy da… Mới đây , chẳng hạn một bà hoàng nước kia mặc áo lông thú diện trong yến tiệc đã bị công chúng tẩy chay, vì như vậy là cách mà bà ta cổ xúy cho việc săn bắt động vật hoang dã. Có một bị kịch đau đớn thay, đi săn thú hoang đã vậy, nhưng khi con người đi săn con người mới thực sự thu về những khoản lợi kếch sù. Đi săn thú thì chỉ thu được thịt và da, nhưng săn người thu được vô vàn chiến lợi phẩm, những người đàn bà góa của đối phương trở thành nô lệ tình dục cho mình, đàn ông trở thành nô lệ, được khai thác đến tận chân răng như ở trại Auschwitz của Đức Quốc xã, rồi còn thu được cả những biên giới và lãnh thổ , bến cảng và thành phố…


Văn hào Victor Hugo đã từng miêu tả sự bội thu của chiến tranh trong tác phẩm “Những người khốn khổ”. Khi trận Waterloo kết thúc với những chiến binh chết như rạ lấp đầy cả thung lũng và những cánh đồng. Đó là một mất mát thê lương. Nhưng người ta thấy một Tê-nác-điê hoan hỉ đang bò trên những xác chết để lượm lặt đồng hồ, ví, và những gì quí báu dính trên người. Trời ơi, nếu đó là cánh đồng cỏ để nuôi ngựa, hay đồng lúa để gặt hái, thì cách gì những lượm cỏ hay lúa có thể mọc thành những chiếc ví đầy tiền hay một chiếc đồng hồ quả quít hoặc một chiếc nhẫn cưới đây? Rõ ràng chiến tranh với các chiến binh tử trận và người nhà của họ là một mất mát, nhưng với Tê-nác-điê hay nhiều kẻ khác, chiến tranh là những vụ đại thu hoạch, một vụ gặt siêu lợi nhuận trên những cái xác.


Trước chiến tranh xảy ra, thường có hai phe: chủ chiến và chủ hòa. Phe chủ hòa không muốn dân tộc rơi vào cảnh binh đao khói lửa chết chóc và ly tán, nên ra sức ngăn cản bánh xe của chiến tranh, Trái lại, phe chủ chiến cố tình dồn đẩy cả dân tộc vào cuộc chiến vì theo họ, cuộc chiến đem lại lợi ích cho dân tộc, nào các vùng đất lãnh thổ, nào thị trường mở ra, nào đối phương khuất phục, nào vinh quang tột cùng của chiến thắng, nào cái gọi là danh dự sẽ dược bảo toàn và nâng cao. Nhưng có một điều phe chủ chiến không bao giờ nói ra, đó là lợi ích cho gia tộc, bè phái, hay cá nhân họ.


Chiến tranh rất nhiều khi đó là sự xuất cảng mâu thuẫn ra bên ngoài. Khi một quốc gia lục đục, mâu thuẫn, cạnh tranh, và đang đổ nát, nó tìm cách xuất khẩu mâu thuẫn ra ngoài bằng cách lấy cớ tiến hành một cuộc chiến xâm lăng nào đó. Khi chiến tranh xảy ra, mọi nhân lực, tài lực đổ dồn cho tiền tuyến, mọi mối ưu tư của quốc gia cũng dồn vào đấy, và thế là người ta quên đi những mâu thuẫn trong nội bộ. Rồi cuộc chiến có thắng hay hòa, hoặc không ra hòa không ra thắng, thì biến cố nội bộ cũng đã trôi qua hoặc được thay thế bằng những giải quyết hiện tượng bên ngoài, kẻ chủ chiến liền sở đắc những lợi ích về duy trì quyền lực của mình.


Tại sao sự hòa giải lại thất bại, đẩy nhiều dân tộc hay thế giới bước vào chiến tranh? Bởi vì, như chúng ta đã bàn, cái khó vượt qua nhất của con người là bản năng hám lợi. Con người cá nhân nếu chỉ theo đuổi dục vọng ích kỷ cho mình sẽ làm hại người khác. Còn một nhóm người hay dân tộc nào đó tìm cách vụ lợi cho mình, họ sẽ không đến bàn hòa giải bằng tâm hồn hòa bình hai bên đều có lợi, mà đến bàn hòa giải với thái độ cửa trên muốn hòa đàm trên thế thắng để được ưu tiên. Thì đó chính là nguyên nhân âm ỉ của mọi cuộc hòa giải thất bại sẽ mở cửa cho chiến tranh khai hỏa.


Thời đại mới với những vũ khí tối tân giết người hàng loạt được sáng chế, càng nguy hiểm nếu con người không biết hòa giải để dừng bước trước mọi cuộc chiến tranh. Phương châm hòa giải của thời đại mới là win–win, tức cả hai đều thắng hay đều có lợi. Mong rằng, chúng ta không nên bước đến bàn hòa giải bằng bản năng săn mồi, thái độ đó đã cổ lỗ lắm rồi, mà chúng ta hãy cùng bước tới bàn hòa giải bằng một thiện chí tự giác, để cả hai phía, hai dân tộc, hai tư tưởng tồn tại được sống trong bình an.

Paul Đức 29/5/2015

2 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page