top of page
Nguyen Hoang Duc

BỨC TRANH TỔNG QUÁT THƠ VIỆT LƯỜI NHÁC, YẾM THẾ, HÁO DANH, CỤC BỘ, ĐỐ KỴ, ÍCH KỶ, PHẢN TIẾN BỘ

Đã cập nhật: 18 thg 10, 2022

Một quốc gia nếu không có sách giáo dục, khoa học, tôn giáo, đạo đức, lập hiến, dạy làm người… mà chỉ có thơ lép nhép để vui vầy kiểu sến xẩm thì chắc chắn chỉ là một quốc gia bán khai mọi rợ, nhiều lắm là nông nghiệp tre nứa à ơi. Một nhà thơ có chức nói “nước ta là cường quốc thơ”, nói thế chẳng khác gì nói ngược như ai nói giả dụ như “quê ta là cường quốc bãi rác”? Tại sao? Vì bản thân chữ cường quốc phải biểu thị cho sức mạnh, chứ không phải nhiều là cường quốc, cây cối đại ngàn có thể ví là cường quốc, chứ bạt ngàn bèo bọt xâm lấn cả sông lẫn biển cũng không thể được ví như cường quốc?!


Hôm nay nhân ngày lễ Nguyên tiêu, ít năm gần đây cũng được coi là Ngày thơ Việt Nam. Ngày thơ này sinh ra, vốn là cách xin ưu tiên như trẻ con xin ngày lễ thiếu nhi, phụ nữ xin ngày phái yếu, cũng đã được trung ương xét xin cho - mở lễ hội quê mùa thơ với chữ “thơ” ghi thẳng vào cờ phướn ngũ sắc của làng xã, để rồi đùa nghịch như dân làng. Ngày thơ nhạt quá, mấy anh chuyên gia thơ mậu dịch đã bàn đến lễ hội thơ như lễ hội làng: nào lễ 1 năm thường kỳ, lễ 3 năm làm to, lễ 5 năm mới là chính… Trong khi người ta chưa biết kéo dài sự tẻ nhạt của thơ thế nào, thì đùng một cái đất trời đã rửa nhạt đêm ba mươi tết Canh Tý bằng trận mưa rào, mưa đá, rồi vi rút corona đe dọa phạm vi toàn cầu khiến ngày thơ bị hoãn, mà chưa biết có lẽ cũng là sự xóa sổ vĩnh cửu?! Làng xã có hội vì nó có sức sống thực của dân làng, chứ mấy anh háo danh thơ phú tranh nhau loi choi lên đọc mấy vần vèo làm gì có sinh hoạt mà đòi đú đởn lễ hội?! Hôm nay nhân lễ hội thơ bị đình hoãn cũng là lúc chúng ta nên bàn đến nội dung của phong trào thơ nghiệp dư làng xã Việt Nam.


Người Á Đông và Việt Nam do đặc điểm nông nghiệp và chủng tộc đặc biệt lười biếng và háo danh. Lãnh tụ Tôn Trung Sơn của người Hoa đã viết: người Hoa lười biếng, thích để móng tay dài để chứng minh mình nhàn. Do khí hậu nóng ẩm, nên dân nhiệt đới đặc trưng lười nhác “ruồi bậu mép không thèm đuổi”. Vì khí hậu nóng ấm, nên người Việt có thể chỉ cần làm nhà tranh tre nứa lá hay chiếc lều bé tẹo là đã có thể sống nhậu nhẹt, nghê nga mấy vần thơ, vài câu lý tình tang. Người châu Phi viết về họ thế này: “lúc nào cũng

tìm bóng râm để tránh nắng, nhưng khi nhìn thấy tây du lịch xuất hiện thì nhanh nhẹn như một chiếc ví biết đi, lao ra đòi kiếm cơ hội thu ngân…” Còn háo danh ư? Người Việt có câu “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”.


Trước thời cách mạng Thơ Mới của chữ quốc ngữ, các chuyên gia, đặc biệt là Hoài Thanh đã bàn nhiều đến việc: học hành bẻm mép, đối đáp vài câu đối, tức cảnh vài câu thơ của đám học hành võ vẽ chỉ chăm chắm làm quan. Tức là cái học của người Việt thân hàn cốt nhược xưa nay cũng chủ yếu đòi vo ve thơ, rồi tìm ghế quan, để hưởng bổng lộc “một người làm quan cả họ được nhờ”.


Về đẳng cấp chữ nghĩa, người ta vẫn nói : Tiểu thuyết là máy cái của nền văn học. Truyện ngắn chủ yếu ra đời khi có báo chí, vì báo chí có khuôn khổ vừa đủ cho truyện ngắn. Dù vậy, dù đồ sộ, tiểu thuyết vẫn chỉ được xếp hàng “Tiểu sách”, vì chưa phải những sách nguyên lý đĩa cứng, bên trên đó còn có “Trung thuyết” và “Đại thuyết” là các Kinh sách và sách lý luận, triết học, lập hiến… Còn thơ thì sao? Thơ được coi là hạng ruồi thấp nhất trong hàng chữ nghĩa. Người ta thường chỉ mất một buổi tối làm một bài thơ, có người như Tào Thực chỉ cần đi bảy bước đã làm xong bài thơ. Người Trung Quốc xếp hạng cụ thể luôn : “Cầm – kỳ - thi – họa”. Chơi đàn, rồi đánh cờ còn lớn hơn cả làm thơ. Thơ chỉ hơn anh thợ vẽ thủ công như các cháu gái ở Bát Tràng vẽ hoa lên bát đĩa.


Người Việt lối nông nhàn, chủ yếu lười nhác, trốn nắng, ham vui, sến xẩm, lợi dụng việc có chữ quốc ngữ dễ nhất thế giới, người khôn học trong 20 ngày, ngu lòi tĩ học trong ba tháng… thế là nông dân ào ào lội thẳng vào thơ để mua vui, rồi sẵn đà kiếm chác danh lợi.


Nền văn học cán bộ chủ yếu được này sinh do các cán bộ của các nhà xuất bản, rồi cơ quan báo chí, thấy sân nhà chơi được đã có không ít bảo vệ hay công nhân vệ sinh trở thành nhà thơ vì nhân thể ỏn ẻn xin thủ trưởng cho em mần tí thơ để về khoe làng xã cho họ lác mắt. Tôi đã từng viết: người phương Tây gọi lương tri là Conscience, tức cũng là ý thức, và chỉ có người có học vấn lẫn ý thức mới có thể có lương tri. Nhưng giới làm thơ của chúng ta mới chỉ sống sít hình thành qua phong trào sến xẩm mua vui của hợp tác xã, nên trình độ danh dự, trình độ lương tri, trình độ liêm sỉ rất thấp kém. Vì thấp kém như vậy, mỗi người không đủ tự tin trí thức để sống có cá tính và bản ngã, nên tụ bạ kéo bè kéo cánh theo lối dòng tộc , họ hàng, làng xã, rồi ích kỷ, đố kỵ, ngáng chân người khác, không cho ai vào chạy đua thơ phú với mình…


Xin dẫn chứng, nền văn học Nga mới đây đã tự thú: có rất đông những kẻ bất tài vì mua thẻ hội viên, mua giải thưởng, lê la đầu đường xó chợ hay quán cà phê vì cơ quan đã cho thuê…Nhưng người Nga dù sao cũng từng là cường quốc của văn học, là những con người có bản lĩnh hơn người Việt rất nhiều, nên họ dám nhìn thẳng vào sự thật như vậy, còn người Việt chúng ta có dám nhìn, biết nhìn không?!


Trình độ văn học đông rinh rích những ông bà già hưu trí vô công rồi nghề vào hội cũng như lĩnh giải thưởng, tôi hoàn toàn nghĩ rằng chúng ta mới chỉ ở mức thơ văn phong trào sến xẩm giết thời gian để mua vui. Nói thẳng và kỹ hơn, chúng ta cũng chỉ ở mức hợp tác xã lông gà lông vịt, bán tí lông gia cầm nhặt nhạnh được liên hoan tí tởn ngâm vịnh cùng nhau, nếu chúng ta có xuất khẩu thơ ra nước ngoài, chắc là cũng đủ trí khôn để gắn lông gà thành chổi quét tủ mà thôi?!


Người xưa nói “Vô sỉ bất thành nhân”, tôi nói hoàn toàn dựa trên những cơ sở chắc chắn về hiện thực cũng như giá trị. Điều chắc chắn đó đảm bảo đến mức tôi sẽ chỉ tận tay day tận trán những gì khả chứng, khả giá, và khả thực ở mức soi chiếu đến tột cùng. “Trung ngôn nghịch nhĩ”, nói thẳng khó nghe, mong rằng tất cả các bạn hãy thông cảm cho tôi khi phải dấn thân đóng vai trò phản tỉnh.

Paul Đức 08/2/2020


0 lượt xem0 bình luận

Comentarios


bottom of page