top of page
  • Nguyen Hoang Duc

BỨC “A SẦU …” & “THÁNG BA…” CỦA HS ĐẶNG TRƯỜNG LƯU ĐẸP BẬC NHẤT VỀ Ý NGHĨA CỦA CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌ


BỨC “A SẦU …” & “THÁNG BA…” CỦA HS ĐẶNG TRƯỜNG LƯU ĐẸP BẬC NHẤT VỀ Ý NGHĨA CỦA CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH

Tôi ngắm hai lần và thực sự bất ngờ khi thấy bức tranh có tên đầy đủ là “A Sầu 1967” của họa sĩ Đặng Trường Lưu (ĐTL) kiêm nhà phê bình mỹ thuật lại đẹp và đầy đủ đến mức trọn vẹn và hoàn hảo. Tôi thực sự thán phục về cách nhìn và ý nghĩa của cách nhìn khi họa sĩ vẽ bức tranh đó. Họa sĩ ĐTL sinh 1946 tại Nam Định đã từng đi bộ đội, sau có học tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, và Đại học Tổng hợp Hà Nội.


Bức tranh “A Sầu 1967” mở màn bên góc phải là một bụi cây có lẽ là xương rồng lá to nhiều mầu đỏ, tất nhiên bụi cây này là biểu tượng hay ẩn dụ nhiều hơn,vì nó ở ngay tầm mắt gần nên choán lấy một góc của bức tranh và thấy to lớn hơn cả núi đồi. Cuối hẻm núi là mặt trời hạ sơn xuống hoàng hôn – một sự tái hiện và nhắc lại tuyệt vời như một cấu trúc chiều dọc dâng lên cao hoàn chỉnh, từ hạt men đỏ là bụi lá đã trở thành vương miện đỏ ngự trên đỉnh vòm trời phía chân mây.

Cạnh đó một thiếu phụ mặc váy dân tộc dẫn con và địu con. Trong chiến tranh, đàn bà xuất hiện, đặc biệt là đàn bà lẻ loi đó là biểu tượng cũng như khao khát quí hiếm nằm trong những giấc mộng của nòng súng và thuốc súng với những xương sườn của đàn ông cô quả quẫy đạp và trăn trở suốt đêm trường trong lều lán doanh trại, đến mức ngay cả các chị nuôi cấp dưỡng luôn trở thành “đặc sản” cho các tướng tá mà lính tráng chỉ dám mơ vòng ngoài. Hình ảnh thiếu phụ địu con rất tương xứng với mấy người lính đang xa dần cuối hẻm núi. Đây là một nguyên tắc rất lớn của mỹ học: người ta phải trình bày ra sự quyến rũ và cám dỗ của cuộc sống, thì mới làm nổi rõ lên mất mát của chiến tranh và cô đơn. Giản dị như người ta phải tả được anh nhà giầu nhiều tiền của thì khi anh ta bị cướp hay lừa đảo mới có cảm giác xót của. Trong đường hẻm núi, rõ ràng mấy anh lính đã gặp và nhìn thấy thiếu phụ, để rồi họ vẫn lầm lũi đi xuyên qua hẻm núi. Rõ ràng những người lính đã bắt gặp ao ước của đời mình, nào nếu chiến trận về, còn sống sót, sẽ yêu đương hẹn hò, rồi thề non hẹn biển, lấy vợ đẻ con làm nên mái ấm riêng cho mình, đó cũng là nguyên lý bất dịch của cuộc đời. Một bức tranh không có chiến tranh, và hiển nhiên đang ở trong im lặng bình an của hòa bình? Không phải thế, sự bình an lầm lũi này đang hàm chứa dự án của chiến tranh. Những người lính đi xuyên qua hẻm núi, là nơi tối tăm rậm rì thiếu ánh sáng, nhưng ở đó bừng lên hình ảnh của thiếu phụ cũng như khao khát thèm muốn sống còn. Để rồi họ đi về phía hoàng hôn khi bóng tối đang sầm sập xuống. Rõ ràng vừa nhìn thấy hình ảnh tươi mát của cuộc sống lứa đôi thì ngay đó thấy hoàng hôn ụp xuống con đường. Bóng tối sẽ ngự trị và rồi chiến tranh chết chóc sẽ rình mò…


Một bức tranh không có chiến tranh nhưng chưa phải hòa bình vì hòa bình chỉ là hình ảnh của đàn bà cũng như tổ ấm gia đình vẫy gọi. Cho nên tôi thấy: đây là bức tranh rất giầu ý nghĩa của hòa bình trong sự dày vò của chiến tranh, mặc dù khói lửa không hề hiện diện.

Về cấu trúc: một hẻm núi độc đạo mở màn là bụi cây đỏ kết thúc là một mặt trời hạ sơn, một thiếu phụ địu con mặt hướng trực diện và những bộ đội hành quân quay lưng lại, con hẻm trắng chạy về cuối hoàng hôn… đó thực là cấu trúc của bức tranh cũng như tinh thần của tác giả. Thật sự là một sắp đặt hoàn hảo cả hiện thực lẫn ý nghĩa?!


Bức thư hai là“Tháng Ba năm ấy” (140x200 cm). Khung cảnh được dựng lên bên một cây gạo lớn và một nhà rông lớn, cây gạo là thiên tạo, nhà rông là nhân tạo. Cách chọn của tác giả rất khéo và hoàn chỉnh. Bên dưới là bộ đội nhảy múa cùng dân làng. Bức này ta có thể gọi là “Vũ hội quân dân”. Một vũ hội như vậy thường chỉ có sau khi kết thúc chiến tranh. Cái đẹp và vẻ hoành tráng của bức tranh là quần thể nhảy múa của hàng trăm người: bộ đội và gái làng. Nhảy múa là điều kiện tiên quyết của nghệ thuật, vì khi chúng ta đi bộ là cuốc bộ bình thường, nhưng khi chúng ta hát và nhảy múa thì nghệ thuật xuất hiện là vần điệu với thơ rồi sau là âm nhạc.


Sự nhảy múa ở Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng rất ít, vì Á Đông chủ yếu là văn hóa lúa nước không có đất để nhảy như châu Phi là sa mạc hay như châu Âu là bình nguyên. Mà nhảy nhót ở bộ đội Việt Nam lại càng ít, chủ yếu là vỗ tay hát tập thể. Tây Nguyên là vùng cao nguyên, đất đai khô ráo, nên người dân thích nhảy múa, và khi bộ đội đến đó đã mang ảnh hưởng nhảy múa cùng dân làng… Bức vẽ này hoành tráng, tươi vui mầu sắc khi áo lính được xen cài vào giữa những tấm váy sặc sỡ của những cô gái Tây Nguyên, tất cả được hân hoan tươi tắn trong những điệu nhảy giữa tiếng nhạc cồng chiêng rung rinh núi đồi.


Đó là lý do tôi cho rằng: hai bức họa này của họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Đặng Trường Lưu đạt tới đỉnh cao của hội họa nước nhà cũng như dòng hội họa quốc tế.

Paul Đức 02/11/2021


Bức họa “A Sầu 1967” của họa sĩ Đặng Trường Lưu

1 lượt xem0 bình luận

留言


bottom of page