top of page
Nguyen Hoang Duc

No.25. BỆNH LÝ “LÀM CHỨNG DỐI”

Đã cập nhật: 15 thg 5, 2023


Chỉ còn một giờ nữa. Tôi liếc nhìn đồng hồ nhẩm tính trong khi leo cầu thang hối hả chạy theo cô thư ký lên phòng ngài giám đốc bệnh viện.

- Mời ngài nhanh lên cho! – Cô thư ký hãm đôi chân trên cặp guốc cao lênh khênh nơi khúc quặt cuối hành lang hổn hển giục. Thêm hai phút nữa trôi qua. Chiếc kim giây của tôi dịch chỉ.


Cánh cửa lớn bung ra, tôi theo cô thư ký thốc vào như một luồng gió. Sự xuất hiện vẻ đường đột của chúng tôi chẳng gây cho ông giám đốc bất kỳ phản ứng nào hết, ông bình thản gỡ cặp kính cận dày đụp lỏng lẻo trễ xuống nơi cánh mũi ra. Ông vào đề ngay giọng gân guốc:

- Chúng ta chẳng có nhiều thời gian nữa. Chỉ còn chưa đầy một giờ nữa là chuyến bay của hãng hàng không AIR FRANCE hạ cánh. Ông ta mở máy khi tôi chưa kịp ngồi xuống.- Ngài biết đấy, ngay vòng kiểm tra tiếng Anh, ngài bị loại. Rất tiếc! - Ông ta chép miệng. -Ngài không có đủ yêu cầu về lý lịch, chính trị, cả công lao nữa… - Ông ta nhún vai.- Tóm lại, ngài thiếu rất nhiều tiêu chuẩn. Ông nhìn tôi thăm dò, rồi với tay lấy ly cà phê hớp một ngụm lớn như thể sửa soạn cho một khúc điệu trọng yếu hơn . Đoạn, ông ta nói một hơi:

- Tập thể chúng tôi đã họp bàn xem xét và nhất trí chọn ngài chữa bệnh cho ca bệnh tâm thần vinh dự… à quên! Ông giám đốc hua tay phủi phui.

- Ca bệnh tâm thần to tát này. Ông kể lể: - Tên lính Mỹ này đã từng tham chiến ở miền Nam trong gần mười năm, hắn rất hiểu tiếng Việt và phong tục của người Việt. Ông ta dời khỏi bàn đi lại phía tôi, vỗ vai tôi hạ giọng: - Đồng chí cần cố gắng, đây là một vinh dự lớn đấy. Cần làm cho hắn hiểu tầm vóc cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh của chúng ta. Hãy dẫn hắn đi tham quan mọi nơi, mọi dưỡng đường và nhà trẻ mồ côi – kêu gọi ở hắn cũng như hội chiến binh Mỹ viện trợ từ thiện. Ông ta cười mỉm.- Cuối cùng nhân danh quyền lợi của thành phố, nhân dân, trẻ thơ của chúng ta và bệnh viện hãy thanh toán viện phí bằng phép nhân ba. Ông ta khẽ khiêng vai chìa tay cho tôi. Ngài, … à, đồng chí có hiểu không? Ông nhìn xoáy vào mắt tôi.

- Dạ! - Sợ bị mất việc, tôi vội đáp.

- Rất tốt! - Ông giám đốc vỗ mạnh vào vai tôi, rồi khoát tay làm hiệu cho cô thư ký. Đón chiếc cặp hồ sơ bệnh lý tráng plastic bóng loáng từ tay cô thư ký, ông giám đốc đưa cho tôi bảo: - Hồ sơ xịn đấy, Stanley Hall- Trung tâm thần kinh nổi tiếng của Mỹ vừa chuyển lại cho chúng ta.

Vẻ phấn khích hệ trọng của ông giám đốc lây nhiễm sang tôi từ lúc nào, tôi run run mở cặp hồ sơ:

“JONATHAN STEVEN mắc chứng tâm thần hoang tưởng kinh niên”

- Cám ơn! Cám ơn ông giám đốc nhiều! – Tôi cuống cuồng chạy đua với thời gian. Khi vọt ra đến cửa, vai tôi vẫn còn nhận thêm được những cái vỗ bồm bộp của ông giám đốc, ông khuyên tôi hãy cố gắng nhiều.

*****

Trên đường ra sân bay, tôi khẩn khoản yêu cầu lái xe đỗ lại trước quầy sách báo cũ. Tôi lao vào, chẳng kịp mặc cả, tôi mua ngay cuốn “THỂ NGHIỆM CÁCH CHỮA TRỊ PHÂN TÂM HỌC” do hiệp hội phân tâm học Mỹ xuất bản từ những năm ba mươi. Chiếc xe Ford của chúng tôi mở hết tốc lực phóng ra sân bay.

- Gút áp tơ nun ngài Jonathan Steven – Tôi chào người Mỹ tuổi trạc ngũ tuần – có khuôn mặt giống hệt tấm ảnh trong tập hồ sơ bệnh lý, chỉ khác một điều, thay cho hình ảnh khờ dại buồn nản im lìm là một khuôn mẫu trầm uất sống động đến tột độ- một khuôn mặt xám ngắt lại như cơn dày vò bất lực của những đám mây đen kéo đặc kín ở chân trời phía tây mà không tài nào mưa được dù chỉ là một giọt.

- Xin chào! - Jonathan đáp lại bằng tiếng Việt, gã bắt tay tôi. - Các ông đến chậm năm phút. - Gã nhìn đồng hồ.

- Xin lỗi ngài! - Tôi giải thích qua cho gã mọi việc, ngoại trừ việc đỗ lại ở hiệu sách cũ.

- Các ngài có hút thuốc không? - Jonathan đưa bao thuốc Salem ra mời, khi chúng tôi lên xe trở về.

Xe chạy, Jonathan xoay người sang tôi bảo:

- Các ngài làm tôi lo quá! Mong ngài hiểu cho, tôi mắc chứng hoang tưởng mà!- Khuôn mặt nặng nề trầm uất của gã dường như rơi rụng một nụ cười mỏng mảnh. Mới chỉ năm phút thôi mà đôi cánh tưởng tượng què cụt của tôi đã bay đến tận ngõ cùng của tất cả mọi nẻo đường. Vũ trụ thật chật chội trước đôi cánh huyền vĩ của suy tưởng, mà thiên đường và hoả ngục lại chẳng cách nhau bao nhiêu đường đất! Lạy Chúa- Jonathan làm dấu thánh giá. Đột nhiên đôi mắt mơ màng trầm tư của gã lóe sáng, gã nhìn tôi bằng cái nhìn thức tỉnh. Xin ngài cho biết quí danh? - Gã hỏi.

- Dạ! Tôi tên là Tâm.

- Ông là Tâm, là Lưu Chính Tâm! -Jonathan vồn vã lắc vai tôi. Chợt nghĩ ra điều gì, gã nhíu lông mày, đôi tay gã buông khỏi vai tôi vẻ ngờ vực.

- Xin lỗi, làm sao tôi có thể tin được ông là Tâm. Bởi mắc chứng hoang tưởng, tôi cần xác tín niềm tin của mình một cách chắc chắn. Gã giơ tay làm điệu bộ mong tôi thông cảm.


Không chút do dự, tôi rút chứng minh thư đưa cho gã. Đối với những kẻ mắc chứng hoang tưởng thì sự thật sẽ là toa thuốc bổ ích đầu tiên. Sau khi lật đi lật lại xem kỹ tấm chứng minh của tôi, Jonathan xúc động lắc bàn tay tôi vẻ chân tình bảo:

- Xin lỗi ngài Lưu Chính Tâm! Tôi thực sự đã xúc phạm ngài. Jonathan chớp mắt. Không hiểu ngài có rõ không, mới chỉ cách đây có vài ngày, tôi mới quyết định đến Việt Nam chữa bệnh. Đến chính mảnh đất mà tâm tưởng tôi đã gieo cấy căn bệnh của mình. Jonathan lý giải. Bệnh viện thành phố của ngài có gửi cho tôi danh sách vài vị bác sỹ mà tôi chẳng hề nghe tên, qua bạn tôi, tôi đã nghe tiếng ngài, và tôi dứt khoát chỉ chấp nhận khi được ngài chữa bệnh. Mong ngài thông cảm, tôi mất tiền để chữa bệnh, tôi phải chọn nơi nào tin tưởng chứ! Jonathan cố gắng nở một nụ cười méo xệch. Chính vậy mà tôi mong muốn biết rõ có phải đích thị là ngài. Mong ngài chiếu cố cho!

- Ông không có lỗi, ông Steven ạ!- Tôi cố chia sẻ cùng bệnh nhân của mình.

- Hãy gọi tôi là Jonathan thôi! Như vậy thân mật hơn.

- Cám ơn! Còn ông, ông hãy gọi tôi là Tâm!

- Không dám! Steven hạ khẩu ngữ tiếng Việt một cách sành sõi. Dù sao ông cũng là thầy chữa trị cho tôi, tôi sẽ gọi ông là Chính Tâm.


Trước khi xe dừng lại trước cửâ khách sạn nổi, Steven bỗng phá lên cười, ông cầm lấy cuốn sách “Thực nghiệm cách chữa trị phân tâm học” của tôi lên bảo:

- Này, ngài bác sĩ, tôi sang đây không phải để làm phòng thí nghiệm cho thứ cẩm nang thực nghiệm của ngài đâu nhé! Loại này, các bệnh viện ở Mỹ đã nhồi tôi đến phát ngán lên rồi!


Nhoáng một cái đã hết một tuần. Tôi và con bệnh của mình tất bật suốt ngày, theo lời mời của chính quyền thành phố, tôi theo Steven đi khắp nơi: nào là bệnh xá, trường học, nào là tổ hợp làm chân tay giả cho thương phế binh, nào là địa đạo Củ Chi và trại cùi nữa … đến đâu cũng đón rước, ăn uống linh đình, chiều nay, thể theo yêu cầu tối cao của con bệnh – Vừa là chủ “Tài khoản”, chúng tôi phóng xe ra ngoại vi thành phố.


Tôi chọn vị trí thuận lợi bên khúc quanh lớn của dòng sông để bắt đầu bước giải khuây đầu tiên nỗi u uẩn tâm thần của Steven. Mặt trước lăn tăn gợn phản những tia nắng mặt trời. Gió thổi tràn khắp, những cành dừa xào xạc giỡn gió, những đám cỏ lau- có mía đua nhau rập rình không miệt mỏi.

- Đẹp thật! – Steven thở ra khoan khoái nói. – Biết bao lần tôi nhớ nhung cái nắng phương nam này. Một cái nắng thật khó lý giải, nó chói chang nhưng lại dịu hiền trong gió. Dường như những tia nắng cũng lãng quên trò chơi nhiệt độ của chúng khi bị những làn gió ru thổi uốn cong đi. – Steven thở dài.

Ngồi lặng đi hồi lâu, tôi tìm cách vào đề:

- Steven, tôi có thể được nghe một kỷ niệm nào đó đáng ghi nhớ trong đời ngài không?

- Cuộc gợi phát ức chế tâm thần – bài học phân tâm của người Mỹ bắt đầu rồi đây! – Sveten cười phá lên, nụ cười đang giòn giã bỗng trở thành bi điệu của những tiếng nấc khô. Dẫu sao thì tôi sẽ kể, ngài bác sĩ Chính Tâm ạ! Câu hỏi của ngài có vẻ lịch thiệp quá đấy, lẽ ra ngài nên hỏi: “Tôi có thể nghe ký ức nào đó liên quan đến bệnh trầm uất của ngài không?”- Steven châm điếu xì gà, rồi nghẹn ngào kể:

“Đúng mùa thu năm đó, cũng tháng này, hôm đó là ngày mười bốn, sư đoàn chúng tôi mở cuộc càn quét vùng Đồng bằng sông Cửu Long- một vùng nước mênh mông. Trước trận đánh vào bãi nổi ở ven bờ sông, trung đội của tôi nằm phục ở cánh vu hồi. Hoàng hôn xuống, trước lúc mặt trời chìm khuất vào màn đêm, trong lúc tôi đang mải khoét sâu chiếc hố cá nhân của mình thì bỗng nghe “ĐOÀNG”. Tiếng súng nổ rất gần, ở sát cạnh tôi, tôi giật mình quay sang: John Simth đã dùng súng lục bắn vào tay mình, máu chảy đỏ lòm.


Tôi vô cùng kinh ngạc! Không phải tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy một người lính chiến tự huỷ thân thể mình trước trận càn. Ở sư đoàn tôi nhiều người lính đã dùng cách đó để thoái chiến, nhưng họ rất cân nhắc khi tàn huỷ thân xác con người – thân xác đã được mẹ cha dày công sinh thành và nuôi dưỡng. Vâng! Thường thì họ bắn vào bắp đùi, mông hoặc bả vai. Đằng này, Smith lại bắn thẳng vào tay phải của mình ( những giọt nước mắt lăn dài trên má Steven). Trước khi đội cứu thương đặt Smith lên cáng để chuyển cậu ta lên trực thăng, tôi ghé tai cậu ta hỏi: “Smith sao cậu không bắn vào chỗ nào khác cho nhẹ hơn?” Cậu ta bảo “Mình bắn vào tay phải để cho nó vĩnh viễn không bao giờ bóp cò được nữa”.


Trận càn kết thúc, tôi phải làm chứng trước tòa án binh về vụ Smith tự huỷ để phản chiến. Các chuyên gia thuốc nổ và vết thương đã kết luận rằng: Vết thương của Smith là do một viên đạn bắn ở tầm gần, nó hoàn toàn không phải một phát đạn của du kích được bắn từ xa. Phiên toà dường như đã hoàn thành, tất cả mọi người, tất cả mọi con mắt đổ dồn vào tôi: Nhân chứng cuối cùng duy nhất – người ở sát Smith. Tôi bước ra trước bồi thẩm đoàn. Vị linh mục tuyên uý giơ cao cây thánh giá trước mặt tôi bảo: “Con hãy thề đi, trước dung nhan Chúa, con sẽ không làm chứng dối” . Ông sư đoàn trưởng bước đến bên tôi tuyên thề:

“Nhân danh nước Mỹ, nhân danh danh dự của một quân nhân Mỹ trong cuộc thánh chiến vinh dự này, anh hãy thề đi!”. Thế là tôi đã thề trước Chúa và Tổ quốc, tôi nguyện sẽ nói sự thật. Nhưng Smith vẫn đứng kia, cậu ta đứng trong vành móng ngựa khuôn mặt méo xệch, máu rỉ đỏ cả cuộn băng trắng xoá. Phiên tòa nín thở. Tôi ngước lên cao, không có bóng Thượng Đế, cũng chẳng có nước Mỹ, chỉ có bàn tay rỉ máu vẫn ở kia- bên vành móng ngựa. Máu tôi ứ nơi cuống họng. Tôi bóp chặt cây thánh giá nơi cổ.

“Không! – Lời nói của tôi bỗng vọt ra. – Anh ta bị bắn từ phía sau”. Những tiếng la ó nổi lên ồn ã, tôi ngã gục xuống ngất xỉu. Từ đó… từ đó… tôi mắc chứng trầm uất- cuộc làm chứng dối bao vây kết tội tôi ở mọi khắp nơi.


Thấm thoát đã hai tháng trôi qua, chứng trầm cảm của Steven vẫn chẳng hề thuyên giảm, khuôn mặt u uẩn đó vẫn ứ đặc cả bầu trời u ám.

Trên chiếc xe đưa Steven ra sân bay trở về nước, tôi và ông ta đều thấy ngáng trở trong lòng điều gì bứt rứt – có lẽ đó là nỗi buồn do cả hai đã chẳng làm được trò trống gì. Ngại ngùng, tôi thẫn thờ đưa cho Steven tấm hoá đơn thanh toán phí chữa bệnh đã làm phép ảo thuật từ hai thành ba tháng. Steven nhún vai chẳng nói chẳng rằng rồi cho vào túi.

- Đỗ lại! - Steven chồm người khỏi ghế sau thốt lên khi chiếc Ford lăn bánh qua trước cửa nhà thờ lớn. Chẳng kịp để xe dừng, ông mở cửa lao ra, ông phăng phăng rẽ đám người đứng kín trước cửa nhà thờ tiến vào. Tôi bám theo Steven một cách vất vả, dù sao ông ta vẫn là một con bệnh tâm thần của tôi, tôi không thể coi thường được.

- Chúng ta đang sống trong một thế gian loạn xạ về tinh thần, lộng lẫy xa hoa về vật chất.- Vị linh mục gầy gò giơ hai bàn tay xương xẩu trông như Chúa cứu thế đang bị đóng đanh câu rút giảng.- Hôm nay chúng ta hiện diện trước sự vắng mặt của Thượng Đế để vấn hỏi liệu Ngài có phải là đấng vô danh- hay Ngài chỉ là Đại khán giả dửng dưng theo dõi màn kịch trầm luân tự cứu rỗi của loài người? Chúng ta hãy xác tín về niềm tin của mình bằng cách đặt Ngài vào giữa cơn cuồng xoáy của suy lý hồ nghi , suy lý của những kẻ có trí khôn, những kẻ đã trưởng thành...

Steven làm dấu thành giá, khuôn mặt ông trở nên thành tín đến kỳ lạ. Đột nhiên Steven sải những bước dài thẳng lên phía trước, ông bước lên bục chính toà, đến trước mặt Cha, ông quì xuống:

- Thưa cha, con tin vào đức tin được bồi đắp bằng chính dòng sói lở suy lý của người. Mong Cha hãy rửa cho con tội mà con phạm phải…

Steven xưng tội về tất cả… tất cả những gì ông đã nói với tôi. Đức Cha chăm chú lắng nghe, khuôn mặt ông chứa đầy sự hiệp thông căng thẳng.

- Lạy Chúa! Đức Cha quì xuống bên cạnh Steven. – Con không thể nhân danh cá nhân để rửa tội cho Ngài Steven đây, con chỉ xin hiệp nhất cầu nguyện cùng ông ấy:

- Lạy chúa!... Con bày tỏ sự đồng tình với ông Steven, bởi lẽ chính phủ của ông ta đã dối trá, đã đẩy ông cùng những người bạn của mình vào cuộc chiến tranh giả trá này… Sự dối trá của ông chỉ là phó sản của một hệ thống dối trá quy mô và quyền uy hơn… Chẳng còn cách nào khác, ông và bạn ông Smith đã lựa chọn sự dối trá thay vì phải bắn giết đồng loại… Nhân danh nguyên lý tình yêu cao viễn của Chúa, ông Steven đã sáng tạo: Sáng tạo sự giải thoát cho một đồng đội nhỏ bé tội nghiệp phải làm mồi cho giả trá và súng đạn! Lạy chúa! Ông ta không có tội khi xử sự trong tình thế của mình- đó là niềm tin của con và con chỉ muốn tin là như vậy!”.

Steven khóc như một đứa trẻ, vai ông rung mạnh trong tiếng nấc. Cả nhà thờ im phăng phắc, mọi người đứng lên để chiêm ngắm lễ sám hối của một con bệnh- cuộc sám hối chưa từng thấy.


Sau khi cảm tạ Đức Cha, Sveten thư thái bước ra cửa nhà thờ. Như có phép lạ, bộ mặt trầm uất của ông biến mất cùng những giọt nước mắt ứ lại lâu ngày. Chúng tôi ra đến sân bay thì máy bay đã cất cánh. Trên đường về, tôi nài nỉ Steven đưa lại tấm hóa đơn, tôi viết lại cho ông ta một tờ khác đúng với số tiền tôi đã thực thi.

Sáng hôm sau, tôi lại tiễn Steven ra sân bay. Chúng tôi ôm lấy nhau chẳng dời. Chẳng hiểu sao, khi Steven đi khỏi, tôi lại bị rơi vào mặc cảm buồn phiền. Hình như cơn trầm uất của Steven đã bắt đầu lây sang tôi.

Cho đến nay, tôi vẫn chưa quyết định trở thành một tín đồ, nhưng chủ nhật nào tôi cũng đến nhà thờ dự lễ. Nhờ việc của Steven tôi hiểu được một bài học là:

- Người ta chỉ có thể chữa trị được những căn bệnh thấp hơn khi nhân danh điều gì cao cả hơn!!!

Paul Đức - Hà nội, đêm 28-8-1992












55 lượt xem1 bình luận

1 Comment


lamthuhienbkhn
Apr 30, 2023

Hôm nay 30/4 đọc truyện ngắn này rất thích hợp.

Câu kết quá hay!

Like
bottom of page