(Hữu Lý phỏng vấn Nguyễn Hoàng Đức 24/12/2012)
PV: Đề tài tư tưởng và bút pháp là huyết mạch của văn chương và nghệ thuật. Xin anh lý giải thấu đáo cho. Có nhiều nhà văn nói “viết thế nào quan trọng hơn viết cái gì”, anh thấy thế nào?
Nguyễn Hoàng Đức: Chúng ta nên lý giải kỹ thế này. Tư tưởng còn được gọi là Đề tài. Viết cái gì, tức là viết về đề tài, và ở đó nó đồng nghĩa với tư tưởng. Còn viết thế nào, tức là hình thức của bút pháp. Những ai đề cao việc “viết thế nào” chẳng qua họ chẳng có gì to tát để viết cả. Hãy thí dụ vào việc cụ thể trước mắt, mới đây khi đoàn kịch muốn dựng vở “Nhà Ô-sin” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, các nghệ sĩ muốn hỏi đi hỏi lại nhiều lần “tác phẩm nhắm chủ đích nào?” họ hỏi thế vì muốn được minh định cho diễn xuất của mình. Và Nguyễn Huy Thiệp cũng đã trả lời không ít lần “không có chủ đích nào hết”. Và cuối cùng lúc tổng duyệt, Nguyễn Huy Thiệp thấy vở kịch thành công. Làm sao biết được đó là thành công hay thất bại nếu không dựa vào chủ đích gì? Có thể nói đó là sự thành công không có đích chăng!? Ở đời có ai đi mà không muốn đến? Và có sự đi vu vơ nào được coi là có đích thành công không? Một cách nghĩ kiểu này có lẽ chỉ có ở Việt Nam một nước nông nhàn lạc hậu.
PV: Xin anh cho biết về tính tất yếu của tư tưởng.
Nguyễn Hoàng Đức: Tôi đã từng nói, bất cứ đỉnh núi cao nào khi có thác nước chảy xuống dù ở bất cứ đâu, bất cứ hình dáng nào thì đều trở thành kỳ quan được mọi người tham quan, chụp ảnh, vẽ họa. Người xưa có câu “Văn vô sơn thủy phi kỳ khí, nhân bất phong sương vị lão tài”, tức là nếu văn chương mà không có sông núi thì không có khí chất, và con người không trải gió sương thì khó mà thành tài.
Còn có một câu phổ biến hơn “sơn thủy hữu tình”, ở đâu không có núi sông thì khó có cảnh đẹp hữu tình. Núi vươn cao được ví như khí dương, sông chảy mát lành được ví như khí âm. Đó cũng là cách diễn tả cảnh sắc như trai – gái giao tình, vĩ đại , duyên dáng, mát lành và sinh sôi nảy nở. Còn có câu khác “núi cao sông sâu thì mới có kỳ hoa, dị thảo, chim quí”, chẳng hạn hồng hạc một loài rất quí hiếm chỉ có trên vùng Tây Tạng.
Người Việt có câu “một người lo bằng một kho người làm”, và cũng có câu: “ Ông cả ngồi trên sập vàng. Cả ăn cả mặc lại càng cả lo
Thằng bếp ngồi dưới xó tro. Ít ăn, ít mặc , ít lo , ít làm.”
Người lo là người biết tính nước cho người khác làm, lo dứt khoát phải bằng đầu, không ai có thể lo bằng tay chân. Người có đầu óc để nghĩ để lo hẳn là Ông chủ. Còn kẻ làm hình thức dưới tay chân thì chỉ là đứa ở. Trong cơ thể của con người, bộ não ở trên đỉnh đầu là nơi cao nhất, đó cũng là tư tưởng. Còn sáng tạo bằng cảm xúc tức là thứ chân tay hay ngoài da chẳng hạn, đó là thứ vừa tối tăm, lại vừa thấp kém. Núi cao thì tự nhiên nước trong, môi trường sống trong lành sinh sôi nảy nở. Nước nông thì đục sinh mắt toét, ăn ở lúi xùi, tì tõm, nhếch nhác, xập xệ. Đó cũng là cách lý giải tại sao nền văn học nghệ thuật Việt Nam không lớn. Không lớn bởi không có tư tưởng. Không lớn bởi không có núi lớn làm xương cốt cho đất bởi thế sinh ra những tâm hồn yếu ớt nhược thiểu làm duyên nghiệp dư được chăng hay chớ khoe mẽ nhí nhảnh. Và đặc biệt đó chỉ là nền nghệ thuật “con ở” vì không có được tư tưởng để trưởng thành.
PV: Giờ tôi đã hiểu rõ ràng hơn, tư tưởng như bộ não con người, nó hiển nhiên nằm nơi cao nhất, và tất yếu nhất trong vai ông chủ. Giờ có lẽ xin anh bàn thẳng vào thực tiễn, các bài học của thế giới chẳng hạn.
Nguyễn Hoàng Đức: Tôi xin bàn đến hai tác giả hiện đại vĩ đại hàng đầu với hai tác phẩm tương xứng như thế, trước hết là Dostoievski với “Anh em nhà Caramadop”. Ông có thể được coi là người càng viết càng ẩu nhưng càng vĩ đại, bởi những tác phẩm đầu khi mới bước vào viết văn ông chú ý trau chuốt câu chữ, nhưng càng tác phẩm về sau ông càng mặc kệ chữ nghĩa mà chỉ để ý đến việc lột tả tư tưởng. Tác phẩm trên của ông nhắm về đề tài rất lớn là tôn giáo và thần học. Người thứ hai là Kafka với tác phẩm “Vụ kiện”, cái tên tự nó đã nói lên, đó là vấn đề công lý.
PV: Cám ơn anh! Đó đúng là những hình ảnh kiểu mẫu về tư tưởng. Còn về văn học Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta cũng không nên lảng tránh, vả lại sau một bài học về nguyên lý và thế giới, sẽ rất phí hoài và vô nghĩa khi chúng ta bỏ qua văn học Việt Nam?!
Nguyễn Hoàng Đức: Anh có lý! Nhưng chúng ta chỉ nên điểm vài khuôn mặt đặc trưng thôi.
PV: Theo tôi, người đầu tiên phải là Bảo Ninh với tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh”, về mặt thành công có tính quốc tế, có lẽ Bảo Ninh là người thành công bậc nhất. Thứ hai Nguyễn Huy Thiệp là ông vua truyện ngắn thời bao cấp chuyển sang thị trường đến nay ngai vàng mốc nhưng vẫn chưa ai soán được. Thứ ba là Nguyễn Việt Hà với tác phẩm có cái tên rất to và rất sai đó là “Cơ hội của Chúa”. Trời ơi chỉ có con người mới có cơ hội, tại sao Chúa là Đấng toàn năng lại phải có cơ hội cơ chứ?
Nguyễn Hoàng Đức: Anh chọn thế là xác đáng. Nhưng tôi chưa có vốn để bàn về Bảo Ninh.
PV: Tại sao?
Nguyễn Hoàng Đức: Vì tôi chưa đọc anh ta trọn vẹn, nhưng tôi vẫn đồng ý với anh cho đến nay, Bảo Ninh là người thành công về quốc tế bậc nhất ở văn học mậu dịch Việt Nam.
PV: Tại sao là mậu dịch?
Nguyễn Hoàng Đức: Bởi chỉ có mậu dịch mới cho lọt lưới xuất bản để phô ra những anh hùng được là những nhà lĩnh xướng của kẽ hở tem phiếu. Nhưng có thể anh ta cũng đã ngã ngựa rồi khi vừa đọc dứt khẩu quyết “một cuốn cho tất cả”.
PV: Thế còn Nguyễn Huy Thiệp (NHT)?
Nguyễn Hoàng Đức: Nguyễn Huy Thiệp có thể rất nổi tiếng, nhưng không thể nói đó là cây bút của tư tưởng, bằng chứng là anh ta vừa leo vào tiểu thuyết mini đã cạn vốn tận đáy. Như vậy có thể nói, anh vừa yếu về tư tưởng vừa ít về tri thức. Mới đây anh viết “Vong bướm”, là tác phẩm tay trái về chèo. Kịch chèo là kịch hát, ngôn ngữ nhòe nhoẹt, không tròn vành rõ chữ, nó chưa bao giờ có thể biểu hiện tư tưởng cả. Con đường văn chương của NHT là cách tưởng đi được bao xa nào ngờ lại “ta về ta tắm ao ta”.
PV: Có nhiều người nói, bút pháp của NHT là hậu hiện đại?
Nguyễn Hoàng Đức: Hậu hiện đại mà lại vòng về chiếu chèo ư? NHT lại chẳng rành một ngoại ngữ nào liệu có thể là nhà tiền phong của bút pháp được không? Và có nhà phê bình vừa tuyên bố: Nghệ thuật Việt Nam chẳng làm sao có hậu hiện đại cả, đó chỉ là giấc mơ của người người làm nông nghiệp ngồi xe máy tưởng mình đã làm ra cả công nghệ vũ trụ, giống xưa kia nhiều người lầm tưởng Phạm Tuân “chân dép lốp mà lên tầu vũ trụ”, nhưng dân chúng chỉ gọi Phạm Tuân bằng cái tên rất bình dị “đi nhờ xe máy”.
PV: Còn Nguyễn Việt Hà với “Cơ hội của Chúa”? Anh ta có vẻ trình độ uyên thâm lắm? Theo anh?
Nguyễn Hoàng Đức: Anh ta đã viết tiểu luận nào chưa?
PV: Hình như chưa!
Nguyễn Hoàng Đức: Người có trình độ, trước hết phải viết được chuyên luận, sau là tiểu luận, còn ba cái vụ tản vản, bút ký, thì chưa có gì để bàn về trình độ cả. Có ai muốn đối thoại với người viết tản văn hay bút ký đâu, bởi trong đó nó cũng không hàm chứa cài gì để đối thoại cả.
PV: Còn tiểu thuyết của anh ta?
Nguyễn Hoàng Đức: Một lần tôi có gặp anh ta ở trước vườn hoa Chí Linh, Bờ Hồ. Tôi có bảo: “Cường (tên thật của NVH) viết tác phẩm “Cơ hội của Chúa” theo bút pháp hiện tượng luận kiểu Faulkner. Hay bậc nhất đấy, nhưng cũng chỉ bậc nhất trong mậu dịch thôi”. Khi về tôi còn ngẫm ra thế này: Trong tiểu thuyết của anh ta chỉ rặt các cảnh về sinh hoạt rồi uống rượu tây, rượu ngâm bổ tỳ bổ thận. Ở đó không hề có hành động, tức là nó còn thua phim hành động một nấc. Mà hành động chỉ có thể sinh ra từ tư tưởng. Sinh hoạt là thứ thấp hơn hành động và tư tưởng rất nhiều, dường như nó chỉ ở cấp “buôn dưa lê”. Khi gặp anh ta mấy lần tôi phát hiện ra: anh ta viết như nói chuyện. Anh ta có một tâm hồn “âm lịch” đặc sệt, vì thế rất thích nói chuyện uống rượu tây để xóa đi cái cốt âm lịch ở bên trong. 80% cuốn tiểu thuyết là như vậy.
PV: Anh quả là tinh tường, anh nói như có kính chiếu yêu vậy.
Nguyễn Hoàng Đức: Một nền văn học chủ yếu là sinh hoạt nhớ nhung, thương xót, đợi chờ, sụt sịt thì có gì nhiều mà phải chiếu yêu mới hiểu.
PV: Nhưng có những người rất nổi tiếng thì sao?
Nguyễn Hoàng Đức: Bạn hãy đến Nhà hát lớn, càng chương trình nhạc bác học càng vắng khách! Bạn hãy ra đường Láng, càng những cuốn của đại văn hào càng ế! Bạn hãy ra chợ Đồng Xuân (trước kia càng rõ) càng vải tuýt –xuy càng rẻ hơn vải bộ đội, vì dân ta chủ yếu là công-nông-binh không biết mặc đồ len dạ. Văn học Việt Nam có giống vậy không? Nước trong thì nhìn thấy cá to! Mới đây một quan chức lớn trong làng văn đã thú nhận “trong ao không có cá to, chúng ta đành bắt tép”. Với thứ nước văn học thiếu minh bạch lờ lợ như hiện nay, chỉ có vài con cá cờ quẫy đuôi, những tờ báo mậu dịch của vài con tép khác đã tung hô như thể sắp bắt được cá voi rồi. Liệu cá voi có thể ra đời trong ao tù nước đọng chỉ đủ kích thước trải mấy tấm phiếu chưa cắt lẻ hay không?
PV: Hình ảnh đó, có lẽ thay lời kết luận được rồi. Cám ơn anh!
Nguyễn Hoàng Đức: Xin chào!
24/12/2012
Comments