top of page
  • Nguyen Hoang Duc

BÓC LỘT TRẺ THƠ LÀ HUỶ DIỆT MẦM NON VÀ TƯƠNG LAI DÂN TỘC


Bóc lột trẻ em- những đứa trẻ chưa đủ sức chống trả- là sự khốn nạn tột cùng và chính cha anh đang huỷ hoại tương lai của giống nòi và dân tộc mình. Kinh Thánh, Chúa Trời dạy; có đứa con nào xin cái bánh, mà cha mẹ lại đưa chúng hòn đá không? Trời ơi, học sinh lớp 1 phải vác hơn 20 hòn đá mầu mè tưởng là chữ, hoá ra đó là đá có bôi tí bột mì hay gạo bên ngoài. Đó vừa là lừa đảo, vừa cưỡng chế mua, là bóc lột tuyệt đối theo cơ chế giáo dục mà học trò và phụ huynh không thể có lựa chọn nào khác!


Tất cả các người yếu hơn đều bị bắt nạt và bóc lột. Ngay như người phụ nữ, là một nửa thân thiết nhất không thể thiếu của đàn ông, vậy mà họ cũng bị bóc lột bằng luật “trọng nam khinh nữ” đằng đẵng trong lịch sử và chỉ được nới dây thắt cổ chút ít vào đầu thế kỷ 20.


Chúng ta đã được học rất nhiều về chủ nghĩa tư bản bóc lột công nhân. Lịch sử chiến tranh liên miên chủ yếu là do nạn bóc lột (“Lịch sử thăng trầm bởi tự do” – Ficht). Ông chủ bóc lột công nhân, đến lúc họ đánh trả và lật đổ, nhưng khi chưa đủ mạnh, công nhân sẽ tìm cách lãn công, ăn cắp nguyên liệu, trốn việc. Còn, đàn bà nếu bị bóc lột ức hiếp quá thì họ sẽ “lãn công tình dục”?!

Nhưng đứa trẻ con bị bóc lột, sẽ chống trả cách nào. Nó ngây thơ lắm biết gì mà chống trả?! Việt Nam đã có nhiều vụ, học trò bị sức ép học hành, mà buồn ngủ đến ngủ gục trên lớp, nhảy cầu tự tử để thoát khỏi sức ép của mẹ cha… Còn đa số rơi vào trạng thái căng thẳng buồn ngủ, như có giờ sử, các trò lăn ra ngủ vì đó không phải là môn thi.


Đi đâu, chỗ nào cũng thấy những đứa trẻ mệt mỏi bã bời, buồn ngủ rũ rượi, vì chúng bị ép học nhiều như bã mía bị ép. Các triết gia cho rằng; chiếc lò xo bị kéo căng mãi sẽ giãn mỏi và vô ích… Chỉ có chiếc lò xo được nghỉ mới có sức kéo vào bản thân nó. Học trò của ta bị hành bởi những môn học thêm để bao trả cho thầy cô, nên phải học nhiều thứ vô ích. Rồi, chúng lại được khích lệ mở quán, rửa bát hay phục vụ các quán ăn, dọn dẹp… như một tài năng xoay sở. Than ôi, đi học thì phải lấy mục tiêu học cái chữ là cao nhất, lại lấy mục tiêu làm con ở lê la cải thiện miếng ăn, thì làm sao nuôi dưỡng cái cao thượng?! Vì thế, lúc học thì bị ép xác mệt mỏi, học xong thành thứ kiệt sức, làm sao đủ khí phách và thể lực được thăng hoa, nên trai tráng, gái tân lười nhác lờ đờ, sao có thể kiến thiết quốc gia hùng cường? Quanh đi quẩn lại rồi “ta về ta tắm ao ta/ dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”?!


Sách bán cho trẻ lớp một lại là thứ “cách tân xoành xoạch” là con số áp đặt đầu người, lại tăng giá bán đắt, đó chẳng phải là bóc lột tuyệt đối ở đầu vào ư? Trẻ con lấy đâu ra trí tuệ mà bãi miễn bất công?! Đấy là một sự ích kỷ tuyệt đối! Một sự độc ác tuyệt đối! Một sự độc ác không còn chỗ bao biện. Nó vừa huỷ diệt chính những đứa trẻ vừa huỷ diệt tương lai dân tộc. Than ôi, một dân tộc “ăn thịt” ngay những con cháu của mình vì thấy chúng nhỏ bé bất lực nhất, thì bại hoại vô đạo còn chỗ nào để nói?!


Trong tự nhiên, con sư tử đực muốn làm tình với sư tử cái, thì phải ăn thịt con nhỏ của nó, thì nó mới động đực. Nhưng trời làm thì trời chịu. Còn khi con người muốn ăn để sinh tồn lại "ăn" chính những đứa trẻ và tương lai của dân tộc mình thì giá trị nhân văn còn đâu?! Con vật ác không chịu trách nhiệm vì nó không mang cứu cánh tự thân. Con người lại ác đến mức “ăn thịt” con cháu mình, trong khi được có cứu cánh tự thân và phải chịu trách nhiệm về điều đó. Thì nhân bản của con người liệu có bằng con đi bốn chân?!


Xin các bậc phụ huynh, các cha chú, và mọi người hãy để tâm đến sự sa đoạ mất lương tâm mà chúng ta đang nhởn nhơ rơi vào với mục tiêu mõi tiền của phụ huynh, làm suy kiệt sức của trẻ nhỏ, theo kiểu “bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng”, mà ở đây là; bòn nơi thơ ấu đãi nơi cáo già?! Chúng ta nên dùng lý trí và lương tâm cứu vãn trẻ em khỏi cái xấu trân trân lù lù ra đấy. Một xã hội thấy cái xấu không thèm tránh là xã hội mất lương tri. Còn thấy cái xấu làm hại trẻ con mà mặc kệ thì chỉ là lương tri chó gặm?!


Paul Đức 28/5/2022

14 lượt xem0 bình luận

ความคิดเห็น


bottom of page