top of page
  • Nguyen Hoang Duc

No.22. BÀN CHÂN HÓA GIẢI CON TIM

Đã cập nhật: 22 thg 5, 2023


Roành roạch! Roành roạch! Roành roạch!


Những tiếng mở khóa rõ ràng vừa thành thạo vừa lúng túng, đúng hơn có vẻ gấp gáp và rối bời làm cho con tim đang thắt lại của Nguyễn Chí Nghĩa như bị cào rách ra. Sao thế nhỉ! Nghĩa tự hỏi một cách lo âu và mất bình tĩnh. Chưa bao giờ ta bị rơi vào tâm trạng xao xuyến cực độ như thế này. Những cuộc hành quân từ Bắc vào Nam, lọt sâu vào bao ổ phục kích, bị cả máy bay trực thăng quần thảo truy đuổi, lẫn đám bộ binh thiện chiến súng lăm lăm nhả từng băng đạn bắn rượt theo, và mới đây ngay giữa Sài Gòn bị cả chục chiếc xe quân cảnh rú còi đuổi, tiếng "Bắt! Bắt!" xen lẫn tiếng súng AR15 nổ chát chúa cùng những tiếng những khẩu côn bát điểm xạ rất gần...Vậy mà chưa bao giờ Nghĩa thấy nao núng. Nghĩa là đội trưởng đội biệt động khu Nam Sài Gòn, khét tiếng đến mức mỗi lần nhắc đến tên anh, cảnh sát Cộng hòa thường mắc đầu lè lưỡi "anh cả Bắc xuất quỷ nhập thần chuyên nghiệp".

Không hẳn thế! Nghĩa đâu có ba đầu sáu tay xuất quỷ nhập thần gì. Chỉ có điều là đội trưởng, anh luôn tâm niệm rằng; ta là chiếc đầu của cả đội, ta phải suy nghĩ cân nhắc mọi đằng trước khi hành động. Và Nghĩa luôn đặt ra các phương án dự phòng, dự liệu những tình huống xấu nhất, bởi thế mà anh và các đồng đội thường thoát hiểm như một phép lạ. Nhưng sáng nay thì Nghĩa xao xuyến và lo âu thật sự. Một nỗi lo âu vọt dậy nhanh như bầu trời giông tố. Sáng ra bầu trời bỗng thinh lặng một cách bất ngờ. Sự im lặng mà Nghĩa và đồng đội vẫn thường bảo; đó là sự im lặng kinh khủng trước một trận đánh. Rồi bỗng một cơn giông lạc điệu kéo đến. Trời Sài Gòn bao giờ cũng vậy; mở đầu mùa mưa thường vào buổi sáng, mỗi ngày cơn mưa thường đến muộn hơn cho đến cuối mùa thì mưa vào buổi tối. Chiều qua đã mưa lẽ ra chiều nay mới mưa. Vậy mà giở chứng thế nào sáng nay mặt trời vừa kịp ló thì những đám mây đen đã sầm sầm kéo đến che kín cả bầu trời, hất xuống mặt đất một bóng tối bao phủ cả thành phố, biến những con đường thành những đường hầm dài bất tận, dường như không thể thấy một chút ánh sáng ở cuối con đường. Rồi còi của những chiếc xe nhà binh rú lên như muốn cắt nát không gian, tiếng đuổi bắt, tiếng súng bắn cấp tập như thể thành phố đang ở ngày tận thế. Không hiểu Hương có việc gì không. Linh cảm báo cho Nghĩa biết tất cả những hồi còi của xe nhà binh, tiếng đuổi bắt và súng nổ đều nhắm vào Hương. Liệu nàng có thoát được? Roành roạch! Roành roạch! Tiếng mở khóa gấp gáp lại vang lên. Sao hôm nay mình lại bấn loạn thế này, mình vui hay lo âu đây? Rõ ràng tiếng mở khóa là của Hương mà, bởi vì chỉ có Hương và mình có chùm chìa khóa của ngôi nhà này, hai chùm chìa khóa giống nhau như đúc. Mà đúng hôm giao nhiệm vụ, chỉ huy trưởng sư đoàn "Tàu ngầm" (tiếng lóng của sư đoàn công an hoạt động trong thành phố) có nói với hai người: "Đồng chí Nghĩa và đồng chí Hương hãy nhận hai chùm chìa khóa này, cũng là nhiệm vụ mới, hai đồng chí sẽ đóng giả là một cặp vợ chồng hoạt động trong nội đô" Roành roạch! Roành roạch? Nghĩa chạy ra phía cửa. Đầu chàng lóe lên; nếu là tiếng khóa của Hương, sao nàng lại có thể mở vụng về đến vậy. Nghĩa quay vào, rút ngăn kéo bàn lấy khẩu K54 lên đạn.

Roành roạch! Roành roạch!

Nghĩa định thần lại. Đúng là tiếng mở cửa từ đôi bàn tay của Hương. Dù sao vừa sống chung lại vừa sát cánh sống chết bên nhau làm nhiệm vụ ở một hang ổ đầy rẫy tai mắt của đối phương, đòi hỏi người ta phải nhạy bén cực độ. Và Nghĩa chắc chắn rằng đó là tiếng mở cửa do bàn tay của Hương tạo ra. Chính là nàng! Không thể nào khác được.

- Anh Nghĩa! Anh Nghĩa! Mau mở cửa cho em!


Đúng tiếng của Hương rồi. Nghĩa đặt khẩu súng vào hốc tường. Cánh cửa bật mở. Trời ơi, cùng lúc mọi cảm xúc ùa đến. Trước mắt Nghĩa là một Mai Hương khác hẳn. Mọi khi, nàng vẫn mặc một chiếc áo khoét cổ sâu với một chiếc váy ngắn cùng phương châm mà nàng vẫn nhắc đi nhắc lại "đàn bà càng ăn mặc hở hang càng ít tin tưởng về đạo đức thì càng ít bị nghi ngờ về chính trị". "Ai dạy em điều đó?". Nghĩa từng hỏi. "Cuộc đời và bản năng nữ tính dậy em." Vừa nói nàng vừa ưỡn bộ ngực lấp ló đồ sộ về phía trước.

Nhưng lúc này thì nàng hiện diện dường như hết chiều sâu của vải vóc còn sót lại; cổ và nách áo nàng như bỏ rơi hai cứ điểm tháo chạy về mọi hướng, bộ ngực trần của nàng biến mọi con phố nơi nàng đi qua trở thành bãi biển để phơi nắng và tìm kiếm một việt cháy nắng màu sẫm lách vào giữa hai bầu vú (một hiện thực dường như bất khả vì hai quả đồi cao thế kia thì làm sao nắng có thể chiếu xiên vào) và chiếc minigiuyp của nàng mới ngắn làm sao, nó khiến đôi chân dài của nàng trông giống như đang đi cà kheo, làm cho người ta liên tưởng đến việc một nhà xuất bản tư nhân đã đổi từ điển từ "minigiuyp" bị biến thành "quần lót".

- Sao anh cứ nhìn em như thế?

- Vậy em không đáng nhìn sao? Kìa, em ăn mặc như khỏa thân chạy trên đường phố thế này à?

- Thế anh không nhớ phương châm của em à?

- Phương châm "càng ngắn, càng ăn mặc hở hang, càng ít bị nghi ngờ" ư?

- Đúng vậy! Anh mở cửa cho em vào đi, đứng ngoài này lộ hết cả bây giờ.

Hương bước vào trong, cánh cửa khép lại nhưng nó vẫn bị kẹt giữa bao ánh mắt tò mò chiêm ngưỡng nàng xộc vào từ nhiều cánh cửa và những gã đàn ông đang chạy xe và đi bộ trên đường phố.

- Sao anh mở cửa cho em chậm thế!

- Câu hỏi đó dành cho em thì đúng hơn.

Nghĩa không thể nói hết câu vì chàng thấy khuôn mặt của Hương còn lo âu xao xuyến hơn cả tâm trạng của chàng. Dường như tất cả cuộc đuổi bắt và rượt theo nàng không hề mảy may làm nàng sợ hãi, còn lẽ nàng trút nỗi sợ hãi đó lại phía sau bằng một bước chân lao vào hiệu thời trang khoác lên mình một bộ cánh tháo khoán mọi thấp thỏm tò mò về một cơ thể đẹp ẩn phía bên trong quần áo sẽ phơi lộ thế nào... Nhưng cử chỉ và đặc biệt ánh mắt của nàng mới biểu lộ một nỗi buồn sâu xa khôn tả.

- Sao thế Hương?

Mắt nàng rơi lệ trước khi ngồi xuống ghế. Nàng ngả mái đầu vào vai Nghĩa khóc rồi bất ngờ lùi ra, một cử chỉ như thực hiện nhiệm vụ của một chiến sĩ điệp báo

- Anh chuẩn bị gấp đi.

- Chuẩn bị gì cơ?

- Đường dây của chúng ta đã bể.

- Sao?

- Cấp trên ra lệnh cho anh phải rút lui trước còn em ở lại giải quyết hậu cần rồi mai sẽ đi. Chiều nay... chiều nay… - Nàng lại khóc.- Sẽ có xe đến đón anh. Chúng ta sẽ phải mãi mãi xa nhau.- Nàng khóc giàn giụa.

Nghĩa lấy ngón tay thấm nước mắt. Chàng định tìm cách an ủi Hương nhưng không thể bởi có lẽ chính Hương đang khóc hộ chàng. Nghĩa bỗng hiểu tại sao sáng nay chàng lại xao xuyến đến bàng hoàng như vậy. Bởi lẽ thời gian đang điểm cho chàng một khúc ngoặt quan trọng. Chàng cũng thấy xót xa buồn trước một cuộc chia tay. Người xưa bảo "một ngày nên nghĩa" hay như người Trung Quốc nói "có duyên một kiếp ngồi chung thuyền, có duyên trăm kiếp mới chung chăn gối"... không biết Hương và chàng có duyên bao nhiêu kiếp vậy mà sống chung trong một ngôi nhà, chung một nhiệm vụ vào sinh ra tử, còn có cả chung nhau niềm sung sướng cực lạc của con người... vậy thì làm sao có thể ngăn cản nàng khóc trước cuộc chia tay bất ngờ này. Nghĩa bước lại chiếc tủ lạnh lấy ra chai rượu vang uống dở với Hương bữa chiều qua.

- Nào, em hãy lau nước mắt đi. Dù sao chúng ta cũng sẽ uống với nhau vài chén trước khi chia tay chứ!

- Ừ, em sẽ uống.- Mắt Hương bỗng lóe lên. - Nhưng không hiểu anh còn có cơ hội uống với em không?

- Tại sao nào? Tại sao chúng ta lại không thể uống với nhau khi đã từng chia nhau những thứ khác quan trọng hơn nhiều. - Nghĩa muốn nở một nụ cười để trêu Hương mong dịu bớt cơn đau của cuộc chia ly.

- Anh có thư của nhà từ Bắc gửi vô

- Đâu? - Nghĩa giơ tay vội vàng đón lá thư, chàng run run mở ra.


"Sầm Sơn ngày 10 tháng 4 năm 1969.

Anh Nghĩa thân yêu!

Em viết lá thư này cho anh, vẫn nội dung này lần thứ năm, cả bốn thư trước của em đều không được hồi âm. Em hoang mang quá! Lòng em đau xé khi phải suy nghĩ rằng anh đã vĩnh viễn ra đi. Rất nhiều người cũng vào Nam một đợt với anh như anh Năm, anh Chiến cùng hành quân trong một chiến dịch với anh vào tận cửa ngõ Sài Gòn đều bảo không nghe tin gì về anh cả...Mọi người đều bảo: với những ai biền biệt bặt âm âm vô tín như vậy thì không còn hi vọng trở về.

Mọi người kể cả bố mẹ anh đều chia buồn và giục em lấy chồng. Em luôn luôn nán lại, em luôn luôn muốn đợi anh thêm. Nhưng sau bức thư này, 8 tháng nữa cũng là thời gian em hẹn với người ta, cuối năm nay em sẽ đi lấy chồng bước nữa. Nếu anh sống, hãy tìm cách báo ngay cho em để em chờ đợi anh. Nếu anh không còn thì anh không thể trả lời và ở suối vàng kia, anh hãy tha thứ cho em. Nhưng có thể, trong trường hợp không hiểu là rủi ro hay may mắn mà anh không thể trả lời cho em được thì anh hãy coi đây là bức thư em xin phép anh cũng như xin anh tha thứ cho em về sự vội vàng này.

Hôn anh!

Có lẽ trong trường hợp nào thì em cũng đều có lỗi. Mong anh tha thứ cho em.

Tú Hạnh!"

- Thư nói gì vậy anh? Tại sao anh lại ngồi thần ra như vậy?

- Năm 1969! Như vậy là hai năm trời bức thư mới đến đây.

- Chiến tranh mà anh! Vả lại, thư phải đi vòng rất nhiều để tìm đến đội biệt động nội thành "Tàu ngầm" của chúng ta.

- Ừ nhỉ!

- Nhưng thơ viết gì?

- Chị ấy... chị Hạnh vợ anh ở nhà cùng mọi người tưởng anh đã chết nên đã đi lấy chồng.

- Trời ơi! Khổ thân anh cùng lúc phải mang đến hai cuộc chia ly.

Câu nói của Hương như xé đôi con tim của Nghĩa. Đúng vậy cuộc chia tay với Hương còn chưa dứt, chàng đã phải mang nỗi đau chia tay vĩnh viễn với người vợ của mình. Có tiếng gõ ám hiệu vào cánh cửa. Nó không chỉ là tiếng gõ mà còn là một mệnh lệnh. Nghĩa xách vali đứng lên.

- Anh! - Hương hôn lên má Nghĩa. - Dù sao...anh sẽ làm gì khi ra Bắc?

- Ừ, tất nhiên không còn cách nào khác. Việc đầu tiên là anh phải gặp chị ấy cho bằng được.

- Anh sẽ làm gì?...Làm gì khi gặp chị ấy?

- Làm gì ư? Gặp chị ấy chính là việc phải làm rồi. Nếu không tim anh vỡ nát.. vỡ như vỏ quả mìn. Thôi chào em ở lại mạnh giỏi nhé! Anh đi đây! - Nghĩa bước đi như thể bước chân mình đang ra quyết định.

*******

Bước xuống bến xe thị xã Thanh Hóa, lòng Nghĩa càng nôn nao. Có ai trở về quê hương lại không nôn nao cơ chứ! Nghĩa nhớ lại câu thơ của triết gia Jean Paul Sartre "La vie est aimable comme la terre charnelle.", "cuộc đời yêu như thể đất thịt này"! Đúng thế! Trái tim Nghĩa đập dồn dập. Cuộc đời con người gắn bó và tha thiết đến độ Sartre đã ví nó như màu đất thịt. Đất thịt, màu đất nâu dịu dàng ấy chính là đất mẹ, đất của sự sống đã mở lòng ôm lấy mọi hạt giống và thúc mầm cây lớn lên, đất ra sản phẩm để nuôi dưỡng con người và vạn vật. Trước khi vào đại học rồi giữa chừng đi bộ đội, Nghĩa được sinh ra trong một gia đình nông dân, chàng càng hiểu ý nghĩa của đất hơn bao giờ hết. Chàng bỗng thầm đọc câu thơ của Việt Phương;

"...quê ta những con đường đất thịt

êm đềm như một vệt tình thương..."

Cả chục chiếc xe đạp ôm lao đến. Chàng chọn xe của một anh chàng có khuôn mặt phúc hậu.

- Về Sầm Sơn, xóm dưới. Mà đạp nhanh lên nhé!

- Anh công an yên tâm. - Nhìn động bộ đồng phục xanh ngà ngà của Nghĩa, anh xe ôm hớn hở nói. - Anh đi công vụ à? Yên tâm đi, tôi đạp cực nhanh kể cả ngược gió, dân chuyên nghiệp mà!

Sầm Sơn kia rồi, những ngọn núi lúp xúp đang hiện ra, những khối đá hình quả trứng màu trắng đục nằm xen lẫn giữa màu xanh cây cỏ. Nghĩa nhớ tuổi thơ của mình lúc tan học vẫn thường cùng bạn bè núp sau khối đá, giơ hai ngón tay như nòng súng lục về phía trước để chơi trò đánh trận giả.

- Anh đi lối này! - Đến ngã ba, Nghĩa bỗng quyết định thế.

- Anh về xóm dưới cơ mà, đường ấy đi vòng xa hơn

- Đúng vậy nhưng nó đi qua biển.

Ào...Ào...Ào! Những con sóng bạc đầu nối đuôi xô bờ tan vỡ trắng xóa. Nghĩa cảm thấy lòng mình đang vỡ ra như vậy. Chàng nóng lòng đến nơi để gặp Hạnh. Không biết giờ nàng trông thế nào, có thay đổi gì so với mấy ngày ngắn ngủi của tuần trăng mật ấm áp, mãnh liệt, vội vàng rồi cũng quyến luyến đến khổ sở... khi chia tay chồng mới cưới tòng quân. Chàng nóng lòng nhưng chàng lại sợ, sợ cái giây phút gặp nàng, giờ này đã trở thành vợ của một người đàn ông khác. Trời ơi, nếu mắt nàng chỉ cần hướng về phía mình một cái nhìn thờ ơ lạnh tanh hoặc khó xử nào đó thì mình sẽ gục ngã, không cách nào không gục ngã bởi vì có rất nhiều buổi những người lính từng hồi hộp kể cho nhau nghe những mẩu chuyện hồi hương gặp lại người bạn đời kèm theo một câu triết lý rằng; trận mạc, chiến dịch lớn, ra sông ra biển không chết nhưng về nhà chết ở vũng trâu đầm. Đó không chỉ là triết lý cục bộ nơi những người lính ở quê hương mình nghĩa thổn thức mà còn là triết lý của đàn ông trên toàn thế giới. Nghĩa nhớ người Trung Hoa thường nói "anh hùng có khó qua ải mỹ nhân". Vậy đấy, anh hùng là người đã xông pha khải hoàn qua nhiều cửa ải nhưng khi bước đến ải mỹ nhân thì vong thân bởi vết thương trầm kha đâm thẳng vào tim. Nghĩa thấy sợ, ánh mắt nàng liệu có lạnh lùng và ta sẽ ngã trước ánh mắt đó đau đớn hơn phải ngã trước nòng súng thép lạnh tanh. Chàng bỗng quyết định men theo bờ biển đi đường vòng, con đường gặp lại nàng sẽ xa hơn và chàng cũng muốn nhìn thấy và lắng nghe tiếng sóng biển quê mình liệu có còn vỗ tiếng trẻ trung, dào dạt, vĩnh cửu của ngày xưa.


*******

Trong khi đó, tại ngôi nhà nhỏ bé của Tú Hạnh, vợ cũ của Nghĩa đang diễn ra cuộc họp mặt lần thứ ba.

- Nào mời cô Tú Hạnh và chú Quang Sơn ngồi xuống. - Ông chủ tịch phường nói. - Chúng ta nên nhất trí để thống nhất quan điểm lần cuối cùng.

- Đúng rồi đấy! - Ông chủ tịch mặt trận đeo kính cận tiếp lời, rồi đưa mắt nhìn bà hội trưởng kết tóc đuôi sam ngắn cụt lủn thăm dò.

- Vâng, chúng ta bàn nhanh lên sợ rằng chú Nghĩa sẽ về ngay bây giờ thì trở tay không kịp. - Bà hội trưởng nói.

- Tình hình thế này! - Ông chủ tịch vào đề, giọng khẩn cấp như một cuộc họp kín. - Chúng ta đều biết chú Nghĩa là chồng cũ của cô Hạnh sẽ trở về trong hôm nay. Dứt khoát rằng chú Nghĩa sẽ phải gặp mặt cô Hạnh để giải quyết chuyện tình xưa nghĩa cũ, giờ xin hỏi cô Hạnh cũng như chú Quang Sơn là chồng mới của cô, cả hai người có lấn cấn ǵ không? Nhất là chú Quang Sơn có tự giác làm việc này không? Có gì thì chú trình bày với chúng tôi chứ đừng làm gì manh động mà phá hỏng cả việc của gia đình lẫn việc của địa phương. Tôi xin quán triệt lại cả đảng ủy, chính quyền phường lẫn mặt trận và hội phụ nữ đều thống nhất; chú Nghĩa có quyền chính đáng để gặp lại vợ cũ của mình. Hai bên sẽ đặt vấn đề về quan hệ cũ. Tại sao chính quyền phải nhập cuộc việc này? Không phải vì chúng tôi muốn can thiệp vào việc hạnh phúc của cá nhân cũng như các gia đình mà chúng tôi buộc phải có trách nhiệm với chú Nghĩa là cán bộ điệp báo đặc biệt của lực lượng an ninh. Đó cũng là chính sách dành cho chiến sĩ và cán bộ đi chiến đấu. Việc gặp gỡ giữa chú Nghĩa và cô Hạnh sẽ không thể diễn ra tại đây là nhà mà cô Hạnh và chú Sơn đang sống. Chúng tôi đã bàn bạc và xin bà Tâm là hộ độc thân đồng ý sẽ dành nhà dăm ngày cho chú Nghĩa và cô Hạnh tâm sự. Cô và chú Nghĩa cứ gặp nhau và bàn bạc thoải mái đi. Còn chú Sơn thì nên chịu hi sinh một chút. Dù sao cô Hạnh cũng là vợ chính thức của chú Nghĩa trước khi ra chiến trường. Chú nên bằng lòng nhường lại cô Hạnh cho chú Nghĩa vài hôm rồi đâu lại vào đó. Sau khi giải quyết cho thông, tư tưởng, không thông vác bi đông không nổi, cô Hạnh sẽ trở về với chú mãi mãi. Chú thấy thế nào? - Ông chủ tịch vỗ vai Sơn rồi lên giọng. - Nào, các đồng chí có ý kiến khác không?

- Không!

- Vậy thì ta quán triệt làm.


*******

- Chú vào đây. Đây là nhà tôi. - Bà Tâm ra tận ngõ kéo tay Nghĩa. - Cô chú ở đây mà tâm sự cho thoải mái.

Nghĩa bước tới cửa nhà thì trời tối. Thế cũng hay, Nghĩa tự nhủ; thời gian và ánh sáng nhập nhoạng thế này thích hợp hơn cho một kẻ có thể phải lảng tránh cái nhìn thờ ơ của bạn đời.

- Xin chào, chúc mừng người chiến sĩ an ninh chiến thắng trở về.

Cả ông chủ tịch, ông mặt trận và bà hội phụ nữ đều đứng lên chào Nghĩa. Trong ánh đèn dầu vàng vọt, Nghĩa nhìn thấy toàn thân Hạnh như một khối đằm thắm đang rưng rưng mừng mừng tủi tủi.

- Anh Nghĩa! - Hạnh chạy lại bấu lấy cánh tay Nghĩa rồi chạy vọt đi. - Để em lấy phích nước sôi dưới bếp lên. Giọng nàng run run ùa ra như thể sắp vỡ thành tiếng òa khóc. Nàng vừa đi vừa đưa tay lên dụi đôi mắt đã ướt long lanh. Nghĩa chợt xấu hổ về mặc cảm "sẽ phải đón đôi mắt thờ ơ"

- Chào anh! - Sơn bước lại bắt tay Nghĩa.

- Anh là...

- Vâng, tôi là chồng mới cô Hạnh, chỉ vì lẽ...

- Vì lẽ cứ tưởng anh Nghĩa không còn sống. - Bà hội phụ nữ đỡ lời.

Hạnh bước từ bếp lên qua khung cửa mờ tối, cái vóc dáng nồng ái của nàng hiện ra như nóng chảy cả không gian và biến phòng khách thành phòng hạnh phúc theo nghĩa nào đó rất gần, rất sống thực và rất mãnh liệt. Cơn khao khát của Nghĩa bỗng dậy lên bừng bừng như thác lũ. Ôi, những con đường Trường Sơn biền biệt hiện ra, những câu chuyện về đàn bà xa xôi như khao khát vẽ ranh giới của những nàng tiên, rồi những đêm dài dằng dặc chui xuống hầm đất ẩm ẩn mình dưới địa đạo mà một mét đất ở trên đầu cao như ranh giới bất khả của tầng địa ngục nhoi lên một với là thấy tầng ánh sáng của thiên đường cuộc sống, trên đó không phải là các nàng tiên chỉ là các cô gái xắn quần lội ruộng thôi đã mang tất cả những hân hoan của thế tục lội vào cõi thiên thai... Nghĩa chợt nhắm mắt lại như thể nếu không làm vậy thì mọi khao khát của chàng sẽ tìm ra ô cửa mở vào trời mà bầu trời kia chính là nàng đang hiện thân ở hai bầu vú khát khao dâng lên như đang vẫy gọi sự thỏa khát bước tới để rướn mình hái những vì sao... Nghĩa bỗng liên tưởng vẻ đẹp của Hương và Hạnh. Hương là một cô gái Nam Bộ, dường như trong mỗi tế bào của nàng đều cởi mở gió phương Nam quất ràn rạt suốt ngày, tất cả cây cỏ và sự sống đều đua nhau mọc lên mơn mởn và chúng mới dễ chịu khoan khoái làm sao!

Còn Hạnh lại giống như miền đất ẩn khuất của những vùng núi phía Bắc, chúng quanh co e ấp nhưng đột nhiên một làn gió xộc ra có thể đốn gãy một cánh rừng. Trời ơi, nó vừa o bế vừa bão tố làm sao! O bế như chính hàng khuy nơi ngực áo của nàng dường như đang lung lay đến khốn khổ neo giữ bộ ngực muốn thả tung lên trời. Nghĩa lại nhắm mắt. Chàng hiểu nàng đang là kho vũ khí sắp nổ tung. Là một chiến sĩ điệp báo, chàng biết nhiều cuộc hành quân chỉ đi tay không, đến nơi tập kết lĩnh vũ khí và chờ điểm hỏa. Nàng cũng Ià một điểm tập kết, vũ khí sẵn sàng nhưng chưa đến giờ điểm hỏa. Nghĩa bỗng nhắm chặt mắt để kìm nén, giờ điểm hỏa đang đến gần. Chàng cảm thấy khẩu lệnh điểm hỏa đang phả hơi nóng rẫy trên mặt chàng. Hãy nhắm mắt chặt hơn, hãy bình tĩnh thêm chút nữa chớ mất kiểm soát của lý trí mà vong thân trước mặt mọi người.

Những lời chào rời rạc cuối cùng cũng vang lên, mọi người ý tứ đứng lên để nhường không gian lại cho Nghĩa và Hạnh. Chỉ chờ có thế, Nghĩa lao vào Hạnh như một con hổ bị bỏ đói lâu ngày trên hoang mạc.

- Đừng vội thế anh! - Lời thì thào của nàng như mất hút trong tiếng sột soạt của vải vóc.

- Sao vậy?

- Anh quên... anh quên là…mọi người vẫn chưa đi khỏi à?

- Vậy ta thổi tắt đèn đi.

- Không được vì chúng ta đang là một cặp lo tâm sự để giải quyết vấn đề mà, chứ đâu phải để lo chuyện đó.

- Giải quyết chuyện gì, vậy thì hãy giải quyết việc của thân xác đã. Anh đang nhớ em lắm và em đang là một kho thuốc súng thế này...

- Ừ, anh hãy cho em vào sau tấm liếp kia!

- Không lên giường được sao?

- Không được vì để đèn chỗ này sẽ bị mọi người nhìn thấy.

Nghĩa vừa ôm vừa hôn vừa kéo Hạnh ra sau tấm liếp. Chàng ngấu nghiến đè lên Hạnh chẳng khác gì một chiếc phi cơ khổng lồ đáp xuống một đường băng vẫn còn chưa kịp đặt xong viên đá cuối cùng.

- Ta lên giường kẻo lạnh, anh!

- Em không sợ người ta nhìn thấy nữa à?

- Không! Giờ chúng ta có thể tắt đèn đi.

Những mẩu chuyện không đầu không cuối ào tuôn ra, cả Hạnh lẫn Nghĩa đều cảm giác rằng họ có tâm sự cả đời cũng không hết được những điều muốn nói với nhau. Xen lẫn những câu chuyện của họ là những nụ hôn, chuyện thưa dần những nụ hôn cũng thưa dần. Bỗng cả hai đều nhận ra một vết nứt há miệng chẳng khác gì vỏ trái đất tách ra. Nghĩa cảm thấy vòng tay mình bất lực không sao niú lại cả dải đất của nàng đang sụt lở trôi khỏi cơ cấu của các địa tầng.

- Anh...Anh! Hạnh rướn cong người như muốn Nghĩa hãy lao vào nàng. Nhưng nàng bỗng thấy cái cách rướn mình của nàng đã xen vào sự khiên cưỡng mơ hồ nào đó. Nghĩa hôn Hạnh. Nàng cảm thấy đó là nụ hôn rất dịu dàng của một phái đoàn đang làm từ thiện.

- Sao thế anh? Chúng mình vừa rất nồng ái cơ mà! Chẳng lẽ anh không cần đến em nữa?

- Anh cũng không biết nữa!

- Không được! Anh phải nói cho em và nói cùng em, anh không nói được thì còn ai nói được. Anh rất thông thái kia mà! Nếu anh không nói thì em sẽ hoang mang lắm!

- Anh rất yêu em, rất thèm khát em. Điều đó chắc là em cũng thấy và không thể nghi ngờ?

- Không! Em không nghi ngờ!

- Em biết đấy, các loài hoa có thể ra phấn, tung mùi hương xa vạn dặm để gọi những con ong đến thụ phấn cho mình.

- Vâng, đúng vậy!

- Nhưng đó chỉ là mùa thụ phấn.

- Chẳng lẽ con người không được sinh ra để thụ phấn quanh năm?

- Đúng vậy! Nhưng anh muốn nói một điều khác. Đó là ái tình khi chúng tỏa ra sức hút thì chúng hút nhau, trái lại khi chúng tỏa ra sức đẩy thì chúng chẳng nghe, chẳng nhìn, chẳng ngửi thấy bất cứ một mời gọi tha thiết nào.

- Đó là các loài vật, còn con người?

- Con người ư? Khi chúng ta hút nhau, đó là nguyên lý. Nguyên lý đó mạnh đến mức cả ông chủ tịch, ông mặt trận với bà hội phụ nữ cùng bác Tâm hàng xóm đây đều cùng một lòng tạo dựng cho chúng ta hút nhau. Còn giờ đây sẽ là nguyên lý gì? Chúng ta có chống lại được nguyên lý phải đẩy nhau ra không? Có phải ngày mai, ngày kia anh không cách gì níu kéo được em. Anh không thể không trả lời cho người chồng mới cưới của em. Nếu anh không chịu làm điều ấy thì chính ông chủ tịch, bà hội phụ nữ, mọi người và cả anh Sơn sẽ lao vào cuộc để bắt anh phải làm điều đó. Em thấy thế nào?

- Em chắc chắn thấy anh đúng mặc dù em không thể nói ra được nhưng chúng ta, chính xác là anh, có năm ngày cơ mà.

Nghĩa mỉm cười.

- Sao anh lại cười?

- Anh xin lỗi! Anh biết nụ cười lúc này là một xúc xiểm không thể tha thứ được.

- Em muốn nghe một lời giải thích.

- Em à! - Nghĩa vòng tay qua xiết lấy cổ nàng. - Có một văn hào đã viết, văn hào đó anh nhớ tên, nhưng đúng lúc này này anh thấy nhớ tên ông ta là xúc phạm em, xúc phạm tình yêu của chúng ta. Ông ta bảo "cuộc đời con người thực ra sống chỉ có mấy giờ đồng hồ". Em biết không chính lúc này đây chúng ta đang sống trong công thức E= mc2 của Einstein. E là energy tức là năng lượng, m là khối lượng, c2 tức là ánh sáng bình phương. Ánh sáng là tốc độ tối cao 300.000km/giây, một tốc độ con người không bao giờ đạt tới. Vậy mà, ánh sáng bình phương tức tốc độ nằm trong hoang tưởng, lý tưởng nhất của con người thuộc về lý thuyết. Em hãy nhớ nó là cái thuộc về con người lý thuyết chứ không phải con người hiện thực. Anh đang sống trong giây phút đó mà. Bởi vậy, anh vô cùng trân trọng. Tình yêu của chúng ta đang là lý tưởng sống trong lý tưởng. Không có gì có thể sáng cùng nó, bởi thế mà anh rất trân trọng .

- Vậy thì sao? Em cũng đang sống trong tâm trạng và tốc độ đó mà.

- Hôm nay anh có được em là con thuyền đã trôi đến miền đất hứa. Nhưng ngày mai nếu anh chỉ tham có được em thì anh sẽ biến em thành một kho lương khô để ăn dần. Anh yêu em, anh trân trọng em và anh không muốn ăn thêm theo lối khẩu phần để biến em từ miền đất hứa trở thành kho lương khô. Em thử xem, có phải nếu anh tham lam với em thêm một lần hoặc thêm một ngày thì có phải chỉ là cách anh ăn lương khô.

- Anh đã nói ra sự thật. - Hạnh hôn Nghĩa. - Dù sao em cũng cảm ơn anh. Anh xứng đáng là một người lính thông thái, bởi vì... bởi vì... anh luôn thể hiện được ý tưởng khó nhất. - Nàng giụi mắt. - Em phải xa anh, đó là số phận và đó chính là một nguyên lý đáng tiếc nhất mà chúng ta không thể nào vượt qua.

- Nguyên lý mà em! Có lẽ ngay cả Thượng Đế cũng không thể vượt qua.- Nghĩa hôn Hạnh.- Ngày mai... ngày mai anh sẽ đi.

Quang Sơn trăn trở xoay hết tư thế nằm này sang tư thế nằm kia. "Không biết cô ấy đang làm gì bên ấy?", "Đồ ngu", "Đồ ích kỷ".... Sơn tự rủa . Người đàn bà ngủ cạnh một người đàn ông thì còn làm gì nữa. Tại sao ta lại có câu hỏi ngu si và ích kỷ như vậy! Sơn vùng dậy, lục đáy hòm lấy ra khẩu một khẩu côn Mỹ. Anh đưa khẩu súng lại gần ngọn đèn ngắm nghía rồi lấy chiếc khăn sạch lau chùi súng thật cẩn thận, rồi Sơn cũng lấy ra một túi đạn, xoay ổ khẩu Colt nạp cả 6 viên đạn vào đó.


***

- Sao anh lại vội vàng đi như vậy? - Chủ tịch phường hỏi.

- Thưa các anh các chị, tôi đã nói chuyện cùng Hạnh. - Nghĩa từ tốn. - Dù còn nán lại một ngày hai ngày hoặc dăm bảy ngày thì vẫn phải chia tay thôi và lại càng nán lại lâu thì càng làm cho anh Sơn đau khổ. Dù sao thì anh ấy đã rất tử tế khi cho phép Hạnh và tôi gần gũi trò chuyện với nhau. Tôi không muốn lạm dụng lòng tốt của anh ấy.

- Chú nghĩ thế cũng thật chí lý. - Ông chủ tịch phường bắt tay, vỗ vai Nghĩa. - Mấy ai nghĩ được như chú í!

Nghĩa xách ba lô lên.

- Khoan đã! - Hạnh khoát tay. - Để em chạy sang kia, em đã đặt mua mấy cân mực khô cho anh. Anh mang về làm quà cho bố mẹ.

Hạnh chạy đi. Chỉ chờ có thế thôi, Sơn từ chái nhà tiến vào, anh nói với Nghĩa.

- Anh định bỏ đi đơn giản như vậy sao?

- Tôi đâu có bỏ đi. Tôi chào và chia tay mọi người đấy chứ! - Nghĩa cười.

- Tôi muốn nói chuyện riêng với anh có được không?

- Tất nhiên là được. - Nghĩa theo chân Sơn bước ra ngoài sân.

- Súng của anh đâu? - Sơn quay lại hỏi.

- Tôi để trong ba lô.

- Vậy anh nên quay vào lấy đi. Nguyên tắc nhà binh chúng ta không bao giờ được rời xa vũ khí.

- Mà tôi tưởng chúng ta chỉ nói chuyện dăm phút thôi.

- Tôi muốn nói chuyện dài với anh. Chúng ta hãy đi lên phía đồi thông kia.

- Vậy để tôi vào lấy súng theo.

- Thế mới phải.

Đi theo sau Sơn bước vào con đường nhỏ của đồi thông, Nghĩa thấy bâng khuâng lạ lùng. Đây chính là nơi Nghĩa và Hạnh thường dạo chơi, cũng là nơi Nghĩa tỏ tình với Hạnh.

- Chắc anh nhớ nơi này lắm? - Sơn quay lại hỏi.

- Vâng...Vâng.

- Hạnh và tôi cũng thường đến chỗ này. Cô ấy có kể cho tôi nghe từng nhận lời cầu hôn của anh ở đây. Cô ấy thật sự xúc động nói ra điều đó như một cái gì thiêng liêng lắm!

- Vâng... - Nghĩa thấy bồi hồi một cách nôn nao.

- Này, anh định bỏ đi như một nhà từ thiện vậy ư? Đó là một cách chơi không đẹp. - Sơn sẵng giọng.

- Sao, tôi tưởng mình làm đúng. Tôi cũng đã nói chuyện kỹ với Hạnh rồi mà.

- Không! Anh chỉ tính cho anh. Anh ra đi như một kẻ nhường nhịn bao dung. Thế còn tôi thì sao? - Sơn nhìn thẳng vào mắt Nghĩa.

- Tôi thực sự không hiểu đã làm gì mếch lòng anh.

- Làm gì ư tôi đã lấy đi người vợ yêu dấu của anh, giờ anh trở về anh lại cam tâm ra đi, nhường cô ấy cho tôi như vậy tôi có khác gì gã đàn ông chỉ đáng cho anh tỏ lòng từ thiện.

- Vậy giờ anh tính sao?

- Tất nhiên chúng ta cần sòng phẳng. Anh có quyền chọn cô ấy mà không cần phải nhường cho tôi. Anh chớ có lấy đi lòng kiêu hãnh của tôi. Giờ thì chúng ta phải đấu một cách đàng hoàng. - Sơn rút khẩu Colt ra. - Anh hãy rút súng của mình ra đi. Đó là cách nói chuyện mã thượng nhất của đàn ông.

- Anh lấy đâu ra khẩu Colt Mỹ vậy?

- À, khi tôi ra miền Bắc tập kết, tôi đã giữ lại cho mình khẩu súng chiến lợi phẩm này nhưng điều đó không quan trọng, anh hãy rút súng ra đi, đừng chần chừ nữa!

- Thực ra tôi không không thích đấu và không thể đấu. Điều đó trái với nguyên tắc của chiến sĩ. Chúng tôi chỉ dùng súng ở chiến trường để bắn nhau với địch chứ không đem về phương địa phương để hạ sát nhân dân. Vả lại, làm vậy trông có vẻ kiểu cách hiệp sĩ phương Tây quá!

- Sao lại không? Nghĩ như anh thì chỉ có đàn ông phương Tây mới có quyền nghĩ đến danh dự và mới phải giải quyết vấn đề của cuộc sống. Giờ ở đây, tôi và anh đều có súng, đều có vấn đề về tình yêu và danh dự cần giải quyết. Tại sao lại không dùng súng?

Nghĩa tháo bao súng ra, đặt nơi gốc cây.

- Tôi dứt khoát đặt khẩu súng ở đây để anh quên hẳn việc đấu súng đi.

- Vậy tôi cũng sẽ đặt xuống ở đây.Thế anh có cách đấu khác à?

- Có thể.

Nghĩa xắn tay áo, đi ra giữa bãi trống Sơn đi theo phía sau.


***

Hạnh mang cá mực về nhà hốt hoảng hỏi;

- Anh Nghĩa và anh Sơn đâu?

- Họ đi lên đồi thông rồi.- Ông chủ tịch phường nói. - Cô chạy lên ngay đi, đừng để họ làm gì.

Hạnh tức tốc chạy lên đồi. Hạnh biết Sơn sẽ đưa Nghĩa đến chỗ kỷ niệm đẹp nhất của cả ba người, nơi cả Nghĩa rồi đến Sơn đều tỏ tình ở đó. Hạnh nghe:

- Nào, anh hãy đấm mạnh cho bõ tức đi! - Sơn bảo. - Kẻ nào chiến thắng sẽ giành được Hạnh. Anh chớ có nhường tôi như một kẻ thiểu năng.

Sơn thụi vào mặt Nghĩa một quả chảy máu mồm. Nghĩa tống cho Sơn một quả chảy máu mũi.

Bỗng Hạng vồ lấy khẩu súng của Nghĩa nơi gốc cây.

- Các anh dừng lại!

- Kìa, đừng Hạnh! Đàn bà đừng sờ vào súng, không phải chuyện đùa đâu!

- Đây không bao giờ là chuyện đùa! Các anh nghe đây, tôi đã thuộc về cả hai người, giờ thì tôi sẽ không thuộc về ai nữa! Các anh đừng đấu nhau làm gì cho mệt. Tôi... Tôi sẽ đi tu.

Hạnh khóc. Nghĩa và Sơn cùng chạy lại.

- Đứng im! - Hạnh bỗng chĩa súng về phía hai người. - Các anh đứng yên tại chỗ nghe tôi nói, đừng bắt tôi trở thành tội phạm.

Hai người đàn ông đứng như trời trồng. Nếu mình tự bắn bằng súng của anh Nghĩa, anh ấy sẽ bị kiểm điểm. Nhanh như cắt, Hạnh bỗng quyết định. Nàng đặt khẩu súng K54 xuống, nhặt khẩu Colt Mỹ lên.

- Các anh nghe đây, giờ em quyết định sẽ mãi mãi thuộc về cả hai anh như là những kỷ niệm êm đẹp và đau khổ đã trôi qua và mãi mãi còn lại. Để làm điều đó em quyết định đi tu. Em đã quyết định, các anh chớ có cản. - Nói rồi Hạnh chĩa nòng súng xuống chân mình.

- Kìa em! Đừng.

- Đừng mà! Đừng làm thế!

Đoàng! Đạn nổ. Máu ở chân Hạnh chảy ra đỏ lòm.


*******

Chân còn chưa khỏi, Hạnh đã chống nạng lên chùa Cô Sơn để xin đi tu.

Kể từ đó rất nhiều người còn gọi tên chùa là "chùa sư cô thọt chân".

Mỗi năm vào dịp mùng 8 tháng 3- ngày Phụ nữ quốc tế, người ta đều thấy; buổi sáng có một người đàn ông mang hoa lên chùa tặng ni cô Hạnh, buổi chiều lại có một người đàn ông khác cũng mang bó hoa rất đẹp lên chùa...


Paul Đức - Sầm Sơn, tháng 10 năm 2009



0 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page