top of page
  • Nguyen Hoang Duc

AI VỀ ĐÂU? (No.9)

AI VỀ ĐÂU?

CÁ NHÂN – THA NHÂN – CÔNG LÝ – PHỔ QUÁT – TRI THỨC – PHÁP LÝ – QUỐC GIA – NHÂN LOẠI – LÝ TƯỞNG


Bài 9: THA NHÂN LÀ ÂN SỦNG


“ Tha nhân (người khác) là ân sủng”. Đó là lời của Phúc Âm. Không có người khác, làm sao ta có chỗ soi để hiểu bản thân mình! Không người khác ta cũng chẳng có ai để cặp kè, để thủ thỉ tâm sự, để vuốt ve trìu mến?! Không có người khác thì như cụ tổ Adam, chúng ta chẳng thiết sống nữa vì cuộc đời buồn tẻ lắm.


Người ta có ái tình cực lạc bằng gì? Bằng cách khao khát: cái mình không có. Mỗi chúng ta đều là vật thụ tạo, chúng ta làm sao chế ra nổi cái mình thiếu và muốn có. Cái đó chỉ có thể đến bằng người khác. Người Nam có nữ và người Nữ có nam.


Người khác có bên chúng ta không chỉ là có Hai người, mà như Chúa Trời nói: các ngươi sẽ sinh sôi nảy nở đông như sao trời hay cát vãi. Một chiếc xe đạp nam để cạnh xe đạp nữ, từ lúc mới đến lúc rỉ ngoèn, nó luôn luôn chỉ có hai cái, nhưng 1 nam và 1 nữ ở cạnh nhau thì khác hẳn sau vài năm đã thấy chạy lon ton vài đứa phía sau… người khác làm nên tình yêu mà kỳ diệu đến mức: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn.”


Có âm - có dương mới thành dòng điện. Mà khi có dòng diện thì vô vàn những thứ kỳ diệu xuất hiện: điện chạy vào đèn làm đêm sáng như ban ngày, chạy vào quạt làm mát, chạy vào bất kể máy móc nào để tạo ra năng lượng hoạt động, nạp điện vào xe máy, ô tô thì liền chạy tới chạy lui khắp nơi…


Có người thứ Ba, thì công lý xuất hiện như người Pháp nói “Le juge est un tries”. Nếu chỉ có Hai người, có thể có ái tình cực lạc, nhưng không thể có công lý, vì “ông nói gà, bà nói vịt”, chẳng ai chịu ai, nhưng khi có người thứ ba làm chứng, thì chớ có đùa: công lý và toà án sẽ được dựng lên, để xét xử đúng hay sai?! Một phiên toà không thể mở nếu chỉ có bên nguyên và bên bị, mà chưa có người thứ ba làm chứng. Nhưng khi có người thứ ba, thì lập tức phiên toà đủ điều kiện mở ra.


Thiên Chúa cũng đã dạy rất kỹ về điều này: “Ở đâu có hai – ba người gặp mặt nhân danh ta thì ta ở giữa họ.” Ở đây muốn nói: Chúa Trời lắng nghe và thấu hiểu mọi điều, ở đâu dù chỉ có hai người, thì chính Chúa là người thứ ba, đề công lý của lẽ phải được thiết lập. Chúng ta không thể lảng tránh sự có mặt của Chúa cũng như công lý?!


Người khác là quà tặng của ta, điều đó đúng cả nghĩa tích cực và nghĩa tiêu cực – tức tha nhân chỉ là thứ cá ngon bị đánh lưới. Người Việt có câu: “Chợ chưa họp kẻ cắp đã đến”. Nghĩa là ở nơi chợ đông, có nhiều sản vật, đông người nhiều hớ hênh, mới là mảnh đất cho bọn kẻ trộm đến đánh thó hay móc túi. Nhà văn Pháp Exupery nói: “Con người là mục đích của muôn vàn cung nỏ vô hình nhắm tới!” Quân ta cần quần chúng, quân nó cũng cần, nhà trường cần nhiều học trò để dạy thêm, nhà thờ cũng cần nhiều giáo dân để “hành lễ”… trộm cướp mong có nhiều đồng bọn để tấn công người lành… Về việc này triết gia Jean Paul Sartre đã nói một câu phản biện “trắng trợn”: “Tha nhân là địa ngục!”


Nói chung người ta đều cần đến người khác: để yêu thương nhưng cũng để lạm dụng. Nói chính xác và đỡ hiểu lầm: cả kẻ xấu và người tốt đều cần đến tha nhân cho dù yêu thương hay lạm dụng.


Chúng ta sẽ bàn sâu vào vấn đề này ở các bài sau.


Paul Đức 18/7/2023

(mời các bạn xem tiếp Bài 10)

Tranh: từ Internet

10 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page