AI VỀ ĐÂU?
CÁ NHÂN – THA NHÂN – CÔNG LÝ – PHỔ QUÁT – TRI THỨC – PHÁP LÝ – QUỐC GIA – NHÂN LOẠI – LÝ TƯỞNG
Bài 4: HÃY TỰ HIỂU MÌNH- HẠT NHÂN CĂN BẢN MỞ MÀN TIỂU VŨ TRỤ
Người đời vẫn nói “gia đình là tế bào xã hội!” bởi lẽ xã hội là sự liên kết của các gia đình. Thậm chí có thể nói: gia đình là quốc gia thu nhỏ. Bởi vì, gia đình có cha -mẹ, ông -bà, rồi con cháu… là có kẻ trên người dưới, người có quyền hành và quản trị, lẫn con cháu như cấp dưới phải thuần phục vâng lời… Nhưng mỗi cá nhân còn là hạt nhân của gia đình và xã hội. Hạt nhân là gì? Là hạt co lại thành nhân lõi không thể giảm trừ được nữa, và hạt nhân đó có thể nhân giống để thành những gia đình mới của con và của cháu.
Vì thế, mỗi cá nhân chào đời với tiếng khóc oa oa khi lọt lòng chẳng khác gì một tiếng sét xé rách bầu trời tuyên bố: một vũ trụ nhỏ bé vừa ra đời. Người đời nói “nhân vật chính chết là hết chuyện!” Vậy mà, nhân vật chính ra đời thì còn là mở đầu của mọi mở đầu nhân danh nhân vật đó. Mà nếu không có nhân vật đó chào đời thì chẳng có gì nhân danh, xung quanh nhân vật đó xuất hiện cả.
Đó là việc không ngoa hay đơm đặt một tí nào, như người Pháp nói “L’homme est un micro cosmos” - Con người là một tiểu vũ trụ! Những đứa trẻ ra đời thì người ta bắt buộc phải làm giấy khai sinh cho nó, tức là định danh cho nó nnhư định danh cho một cái “Tôi” ở đời. Từ đó nó mới có thể nói: bố tôi, mẹ tôi, ông tôi, bà tôi, quê hương tôi, tổ quốc tôi, giáo hội của tôi, thế giới của tôi và vũ trụ của tôi. Nếu không có cái tôi (cái danh) đầu tiên ấy thì chẳng có gì được gọi là sở hữu đứng sau cái danh đó. Bởi lẽ: KHÔNG CÓ SỞ HỮU NÀO VÔ DANH CẢ!
Vậy thì “Tôi có đây!” chắc chắn là điều đầu tiên thuộc về tôi, bởi, không có tôi xuất hiện khởi đầu thì chẳng có gì xảy ra tiếp theo tôi cả. Triết gia tổ sư đầu tiên Socrate người Hy Lạp quan niệm: nếu mình chẳng hiểu mình thì mình chẳng còn có thể hiểu được gì. Người Hy Lạp cũng có câu “Con người là thước đo vạn vật!”
Nếu con người không tự biết mình là thước mét hay thước “tay dao” thì làm sao đo được những thứ có chiều dài?! Ví như; một cái ly không tự biết mình dung tích nửa lít hay một lít thì làm sao đòi đong nước hay rượu hay một chiếc xe không biết tự trọng của mình sao có thể biết mình chất được bao nhiêu hàng?! Vì thế Socrate đã lấy câu của đền thờ Delphi Hy Lạp “Hãy tự hiểu mình!” (Connais toi – toi même) làm châm ngôn sống, cũng là châm ngôn cho nhận thức đầu tiên. Nhận thức để nhận thức mọi cái, nhưng trước hết, nó không thể nhận thức chính nó là ai, như cái thước không biết mình dài bao nhiêu, làm sao đòi đo các cái khác?
Chúng ta đang bàn đến ngôi nhà của mình. Ngôi nhà đó phải do chính chúng ta thiết kế và xây dựng. Mà Chúa Giê-su đã dạy: người muốn xây nhà, thì người ta phài ngồi xuống tính toán, nào vật liệu, nào công thợ, kẻo đang xây mà hết tiền và nguyên liệu, thì công trình đành bỏ dở. Và khi có ngôi nhà của mình rồi thì chúng ta mới có thể quyết định mở ra đón tha nhân hay đóng cửa để tu tập trong im lặng chứ?!
Paul Đức 08/7/2023
(mời các bạn xem tiếp Bài 5)
Tranh: từ Internet
Comments