top of page
  • Nguyen Hoang Duc

AI VỀ ĐÂU? (No.36)


CÁ NHÂN – THA NHÂN – CÔNG LÝ – PHỔ QUÁT – TRI THỨC – PHÁP LÝ – QUỐC GIA – NHÂN LOẠI – LÝ TƯỞNG


Bài 36: CHIA TAY TÌNH YÊU


Rút cục đi loanh quanh bao nhiêu, chúng ta vẫn cứ vấp phải bài viết kết thúc này. Có sinh ắt có tử, có nở ắt có tàn, có yêu chẳng lẽ không có bỏ??? Thời đại mới đặc trưng là bỏ nhau đến ngót “trăm phần trăm”, đến mức tại Nhật Bản, nam thanh – nữ tú, nhiều người sợ hôn nhân đến mức không tơ tưởng đến kết đôi, nạn tự tử vì thất vọng trước bạn tình quá nhiều và quá lớn, có cả một cánh rừng tự tử… Vướng mắc về ái tình tự tử ư? Ái tình là thứ dễ vướng mắc nhất?! Và khi nào ái tình thôi vướng mắc?! Nói như người Việt: khi nào Tình hết vương vào tội?!


Hôm nay, ngẫu nhiên tôi viết đến bài này, số đếm của nó là bài 36, tức là chúng ta đã đi trọn một vòng khép kín 360 độ. 36 là số tượng trưng phổ biến để chỉ một vòng tròn trọn vẹn như “tam thập lục kế tẩu nhi vi sách” (36 kế, kế chuồn là hơn), rồi 36 kiểu ái tình… Triết gia Pháp Jean Paul Sartre đã nói “Tình yêu chỉ có lúc bắt đầu và khi kết thúc có ý nghĩa, còn mọi thứ chỉ là thêm vào.” Lúc đầu của tình yêu là tán tỉnh, thư từ trao đổi, chín hẹn mười hò, rồi quỳ gối tỏ tình, rồi dạm mặt, đám cưới quan viên hai họ, rồi động phòng hoa chúc, sinh con đẻ cái. Còn khi kết thúc, thảm thương lâm ly bi thiết, kèm theo biết bao kết thúc nghĩa đen về sinh mệnh, nào tự tử, nào bạo lực a xít, đao, kiếm và súng hay hắt xăng lên người nhau hoả thiêu…


Hoàng đế Napoleon nói “Trong tình yêu không có kẻ chiến thắng và người chiến bại. Cái chiến thắng duy nhất trong tình yêu là chạy trốn!” Yêu nhau là hai con tim sát cánh đang yêu nhau, bỏ nhau là dứt ra thì tim ai chẳng đau?! Các bác sĩ tâm thần, đặc biệt ông tổ vô thức Freud và Jung phát hiện; những vụ lên gân chiến thắng của tâm lý trước thất tình như tự tạo mặc cảm nguỵ tín: cô ta (anh ta) là gì đâu, thứ tầm thường kém cỏi, không xứng… thế rồi kẻ chiến thắng khiên cưỡng đó lại bị trái tim đau đớn thật hành hạ cho hoá tâm thần.

Chỉ có một cách để giải quyết tan vỡ, đó là “Tình yêu vào bằng cửa sổ, đi ra bằng cửa chính.” Tình yêu lúc vào có thể thập thò vụng trộm, nhưng khi chia tay dứt khoát phải nói chuyện đàng hoàng, đi ra bằng cửa chính thanh thiên bạch nhật. Tôi đã gặp việc thế này, cô nàng có học, cũng mời tôi đi lên Lăng Bác để kết thúc. Cô nghĩ, lên đấy sáng trưng thì chẳng có gì để lòng trắc ẩn có cơ hội ấm ớ ôm ấp mà sống lại. Đi dọc đường, bỗng nhìn thấy một quán cà phê nhạc thùng ầm ầm, cô ta rủ tôi vào, và trong tiếng nhạc rung ngực, chúng tôi không thể nói được gì, đó cũng là cách chọn và mục đích của cô. Thật, đúng là sống khôn, hết nhẵn phần người khác!


Tôi đã từng viết trong bài trước; đang yêu mà kết thúc tức là có một bên muốn nâng cấp điều kiện. Người đã nâng cấp thì cái gọi là “ra bằng cửa chính” sẽ không dễ có cơ hội, hoặc nếu có là “không bao giờ”.


Tình yêu mở đầu, phần lớn do công đàn ông tán tỉnh (đàn bà thì ít hơn). Lúc chia tay thì chủ yếu do đàn bà chủ động. Nhà văn, nữ triết gia chú soái nữ quyền của Pháp Simone de Beauvoir ( tình nhân của triết gia Sartre) từng nói: “Tại sao trong các văn bản đầy rẫy những lời nói xấu đàn bà? Bởi lẽ đa số nhà văn là đàn ông. Nếu nhà văn nữ cũng nhiều, thì tiếng xấu về đàn ông cũng chẳng thiếu.” Ngay câu: nhà văn nam nhiều hơn bội nhà văn nữ, bà S.Beauvoir đã xác định: phụ nữ thua hẳn đàn ông.


Hôm nay, tôi nghĩ mình nên thẳng thắn hơn khi nói về phụ nữ, bởi vì họ là nhân vật chính của các cuộc chia tay. Người Trung Hoa nói “nữ nhi nan hoá!” – tức đàn bà khó dạy! Còn người phương Tây thường xuyên xác nhận: “đàn bà không có danh dự!” Nói chung thì người ta bảo: Mong chờ ở phụ nữ sự cao thượng là rất khó. Khi chia tay, vì không thể nói thẳng tưng, nên phụ nữ thường áp dụng lối nói vòng vo che lấp mục tiêu chính. Cái đó còn gọi là nguỵ tín. Thôi thì lady first, là đàn ông nên cam chịu vậy!

Paul Đức 19/9/2023

(mời các bạn xem tiếp bài 37)

Photograph (source): Printest

9 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page