top of page
  • Nguyen Hoang Duc

AI VỀ ĐÂU? (No. 30)

CÁ NHÂN – THA NHÂN – CÔNG LÝ – PHỔ QUÁT – TRI THỨC – PHÁP LÝ – QUỐC GIA – NHÂN LOẠI – LÝ TƯỞNG


Bài 30: KHI MÌNH KHÔNG HOÀN HẢO CHỚ ĐÒI HỎI BẠN ĐỜI HOÀN HẢO


Mọi mâu thuẫn xung đột của con người đều xảy ra từ lời nói. Cha mẹ mắng chửi con, con có thể lánh đi, anh em càng dễ lánh, với đồng nghiệp trong cơ quan thì cạch mặt, nhưng cặp uyên ương, nào chuyện ăn uống cùng nhau, cùng giường chiếu với nhau, lại còn cùng nuôi con, bố giận mẹ không thể không đưa tiền cho mẹ đi chợ, mẹ giận bố không thể không nấu ăn và rửa bát… Vì thế mà vợ - chồng là cặp đấu lời bất khả tách dời, cũng như lánh xa, một khi đã lánh xa thì chỉ còn tan vỡ?!


Khi đã nói về nhau, thường là những lời chê bai, nào: Anh kém! Anh hèn! Anh nhát! Còn anh chồng chê vợ, nào; vụng, lười… Những lời chê lại còn thường xuyên liên tục, đi đâu cũng nói, nên “trong nhà chưa hay, ngoài ngõ đã tường”, rồi nhân tiện có khách đến nhà cũng đem kể lể, để lấy lòng khách theo kiểu rủ rê đồng minh. Người Việt nói “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, lẽ ra những việc xấu trong nhà thì nên “đóng cửa bảo nhau” sao lại nói cho người ngoài thì có phải “xấu chàng hổ ai” không? Nhưng không ít bà vợ vẫn chọn cách này, vì lẽ chỉ có hai người, ông chồng lại vũ phu, quát tháo, thậm chí “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, nên bà vợ nhân có khách đến mà lôi chuyện ra, nói cho hả, để né đòn thù!

Chê bai nhau ư? Anh bất tài, hay cô vụng về, đó là cách phán xét nhau. Mà Thiên Chúa đã dạy “Loài người không có quyền phán xét, mà chỉ có Chúa mới có quyền phán xét!” Khi đã phán xét nhau thì phải có thước đo, đấy là nguyên tắc hiển nhiên, không thể người thấp lè tè lại chê người cao ngỏng là lùn, cũng không thể người ít trí khôn lại rủa người khác là ngu… Có một nguyên tắc khắc nghiệt không thể bị chối cãi hay lờ đi rằng: khi mình chưa phải là người hoàn hảo, thì không thể đòi hỏi người sống chung với mình phải hoàn hảo. Và chê bai người khác, chính là phán xét người khác. Chúng ta nên nhớ: gia đình là chiếc ổ phi lý, bất công nhất. Tại sao? Vì “Công lý là người Thứ Ba!” (le Juge est un triers), hay “Công lý phải đứng giữa!” (le juge doit-il être neutre). Nhưng gia đình luôn chỉ có Hai người, “ông nói gà – bà nói vịt”, thế nào cũng được, ông thì cậy sức dài vai rộng nạt nộ răn đe, bà chẳng làm được gì thì lấy lời càm ràm nói ngày dài đêm thâu để xả bức bối… Ở toà án, người ta chỉ mở phiên toà xử, khi có người thứ ba làm chứng, chứ chỉ có bên nguyên và bên bị đổ tội cho nhau thì ai mất công xử?! Vì thế mà gia đình là ổ bất công phi lý, rất cần vợ và chồng phải sống văn hoá và tự giác nhường nhịn nhau theo tinh thần Công Lý.


Có một vụ án mạng. Cô vợ kia chán chồng đã bỏ đi nhiều lần, mỗi lần về chồng đều tha thứ bỏ qua. Nhưng cô vợ về không phải để hàn gắn, mà để càm ràm chửi chồng cho bõ tức. Lần cuối cô ta về chửi suốt đêm sang trưa và chiều, miệng bật như súng liên thanh nhiều cơ số đạn, anh chồng uất hận không còn chịu được nữa đã vác dao đuổi theo, anh ta chém chết cô vợ, rồi đưa dao lên cứa cổ chính mình. Có lẽ anh ta chọn cách đó để chấm dứt địa ngục nơi mồm vợ.


Người Việt nói “Tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại!” Mong rằng các đôi uyên ương biết dừng lời đúng lúc trước khi nó tăng tốc thành thảm hoạ. Và nên nhớ lại nguyên tắc: Mình chưa bao giờ là người hoàn hảo, thì đừng có lên mặt chê bai bạn đời nhân danh cái hoàn hảo. Chỉ có Chúa mới hoàn hảo thôi. Còn con người thế tục không ai hoàn hảo cả. Cho nên chớ chê bai người khác như hát hay!?

Paul Đức 05/9/2023



(mời các bạn xem tiếp bài 31)

Tranh của James Tissot (1836-1902- French)


6 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page