CÁ NHÂN – THA NHÂN – CÔNG LÝ – PHỔ QUÁT – TRI THỨC – PHÁP LÝ – QUỐC GIA – NHÂN LOẠI – LÝ TƯỞNG
Bài 28: HÔN NHÂN LÀ BỆNH VIỆN CỦA TÌNH YÊU
Hôn nhân hiển nhiên không phải chỉ là buồng the của hạnh phúc, chúng ta biết máy móc càng phức tạp và hiện đại thì càng dễ hỏng, cũng như càng khó chữa. Một lần tôi mang cặp diplomat đi chữa khoá số ở Bờ Hồ, ông già chữa khoá bảo, “cái này anh phải đưa cho mấy cậu trẻ, chứ chúng tôi già chỉ chữa được khoá cơ!” Tình yêu cũng như hạnh phúc của nó đem lại thật cực lạc và phức tạp: chuyện của hàng triệu tinh trùng gặp vạn trứng, vua chúa còn thất sủng, đâu có thể đùa! Chúng ta đã bàn đến: hôn nhân là trường học đầu tiên, ở đó chồng vừa là thầy lại vừa là trò của vợ, và ngược lại. Bởi vì cả hai đều cùng ngỡ ngàng xây lên tổ ấm đầu tiên, và đều lạ lẫm về những thâm cung bí sử!
Giờ chúng ta bàn đến: Hôn nhân là bệnh viện của tình yêu! Hôn nhân phức tạp hơn yêu đương mới chỉ hẹn hò trăng sao đến tỉ lần! Lúc đó mà cứ nhìn chồng như lực sĩ trên đấu trường, rồi vợ là nghệ sĩ của sân khấu lúc nào cũng thường trực nụ cười trên môi, thì chỉ còn cách gặt hái về mùa bồ hòn “ngọt lọt vào tận tâm can cùng số phận”.
Khó khăn đầu tiên của hôn nhân là: Kinh tế! Hai người đang sống đơn lẻ trong hai nhà, bỗng tự tạo thành nhà riêng cho mình, bao thứ lặt vặt nhưng khẩn thiết bỗng xô vào muốn làm đổ ập mái nhà tranh chỉ có hai trái tim vàng – nhưng cũng là hai trái tim nghèo. Giời ơi, nào gạo hết, muối hết, nói gì đến cá “cứt cá còn hơn lá rau”, thịt xa vời như chân trời ở bên kia chợ làng… đến mức có danh ngôn “Tình yêu không tiền thì vui vào đêm mà đói vào ngày!” Than ôi, không tiền, tưởng tình nghèo nhưng lãng mạn như lúc yêu, cứ ôm nhau mà ngắm trăng sao ư? Không, giấy hôn thú đã xây lên bức tường, và chính nó là cáo trạng xử bắn ngay nhân vật chính là cặp uyên ương “Tình yêu là cuốn tiểu thuyết lãng mạn, và hôn nhân là cặp nhân vật chính chết ngay trang đầu tiên?!”
Vừa làm tình xong, con bọ ngựa cái liền cắn chết con đực nhai giòn làm thực phẩm để nuôi trứng đang hoài thai… Còn nàng đã thôi là người yêu, nàng đang là vợ, nàng trao cho ta một sự bao dung trì hoãn, nhưng không thể cấm được nàng đang đong đo ta “có bao nhiêu thực phẩm để nuôi con”, chẳng nói đâu xa: nhiều nước châu Âu chỉ cho người đàn ông có công ăn việc làm cuới vợ. Có lương thì anh ta mới nuôi được vợ và con chứ, không tiền thì nuôi cái gì?! Vì thế, những người đàn ông gặp nhau họ thường hỏi thăm nhau: “công việc thế nào?” Có công việc tức được trả công, ngân hàng sẽ dúi tiền tận tay để mua nhà, mua xe trả góp. Tóm lại có công việc là có tất cả!
Rồi ngay cả khi mới cưới, như những cặp dân tộc sẽ xin ra ở riêng, cô vợ sẽ nhìn anh chồng, đong đo ngày ngày, anh vác về bao nhiêu cột gỗ, tre nứa, mái gianh… để ngày nào đó được tung tăng làm căn nhà sàn của riêng đôi mình, thoát khỏi cảnh “cá chậu chim lồng”?! Rồi ái ân được ít ngày, cô vợ nếu không thấy bụng lùm lùm liền rơi vào mặc cảm ái tình không cứu cánh: chưa thấy hài nhi nối dõi mẹ cha… hay anh chồng đi bộ đội về bỗng lo mình mắc chứng vô sinh, nên rơi vào trầm cảm… Lúc đó liệu hai cặp uyên ương có trở thành y – bác sĩ chăm sóc cho bạn đời của mình như thầy thuốc chăm bệnh nhân, hay lại chán nản, hắt hủi, để gia cảnh điêu tàn?!
Có danh ngôn đã nói “Niềm vui đám cưới chỉ có một ngày nhưng nỗi lo hôn nhân dài suốt một đời!” Sẽ có vô vàn những khó khăn biến bạn đời hay ta thành con bệnh, lúc đó rất cần bạn đời biến thành y sĩ để chăm sóc cho ta. Chữ Tây rất hay, bệnh nhân là patient, cũng còn một nghĩa là; kiên nhẫn. Những con bệnh đều cần được kiên nhẫn chở che!
Paul Đức 31/8/2023
(mời các bạn xem tiếp bài 29)
Tranh của Faruk Gunayer Resim Atolyesi (Thổ Nhĩ Kỳ) từ FB của họa sĩ
Comentarios