top of page
  • Nguyen Hoang Duc

AI VỀ ĐÂU? (No. 25)

CÁ NHÂN – THA NHÂN – CÔNG LÝ – PHỔ QUÁT – TRI THỨC – PHÁP LÝ – QUỐC GIA – NHÂN LOẠI – LÝ TƯỞNG


Bài 25: NGOẠI GIAO HÔN NHÂN


Tổ ấm hay mái nhà là khao khát của đôi uyên ương. Lúc yêu đương, gặp nhau chóng vánh vội vàng, rồi ai về nhà nấy, rồi phải dạm mặt, ăn hỏi, cưới xin linh đình, rồi đăng ký với chính quyền, có giấy hôn thú mới được chung nhà, chung giường, chung chiếu, chung chăn… Dễ gì có được?! Người Trung Hoa nói “Có duyên một kiếp ngồi chung thuyền, có duyên trăm kiếp mới chung chăn gối!” Trời ơi, cái duyên trở thành xương của xương, thịt của thịt, máu của máu, chiếc xương sườn thứ bảy của chàng (Adam) tìm về đúng vị trí của nó trong thân chàng thì khó lắm thay!


Sống chung một gia đình, người ta gọi là nội bộ, hay có thể là nội giao nhưng có biết đâu: “ta với mình tuy hai mà một” nhưng “mình với ta tuy một mà hai”. Hai người vẫn là hai sinh thể, khác biệt hẳn: một Nam và một Nữ, sao mà hoà hợp? Đôi giầy giống nhau lắm, nhưng lại ngược chiều nhau hoàn toàn, đến mức đi ngược ngã liền. Rồi thân nhau quá dẫn đến nhàm chán theo kiểu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” Nhàm đến lê thê kiểu:

“…Vì quá thân nên quá đỗi buồn cười

Môi nhắc lại cũng chỉ ngần ấy chuyện…”


Bài trước chúng ta vừa bàn đến cấu trúc địa vị trong gia đình “nam trụ - nữ thụ”, nếu cứ lạm dụng ưu thế của kẻ trên mãi, người dưới sẽ phản kháng thì diễn ra mâu thuẫn trục trặc, bất an. Vì thế tại mỗi gia đình người ta cần tiến hành ngoại giao và ngoại giao liên tục.


Ngoại giao là gì? Là người ta ăn mặc đẹp, son phấn kỹ càng để giao tiếp với người khác! Người phương Tây dạy: sáng dậy khỏi giường, hãy trang điểm kỹ, mới quay lại giường. Sáng ra, vợ chồng lăn lê với nhau cả đêm rồi, đầu tóc rối như tổ quạ, quần áo xộc xệnh… sáng dậy đi vệ sinh, cần ttrang điểm hồi phục lại đẹp đẽ, tươi tắn, anh chồng nhìn vợ trở lại như một nàng tiên mới, nó tăng cường hạnh phúc cho chàng, cũng như hiểu rõ vợ mình chỉnh chu và tôn trọng chồng. Vì thế mà chàng cần phải biết đối xử tương xứng với vợ. Cái đó có thể gọi là: hôn nhân trở nên mới mỗi ngày.


Người Hoa cũng có châm ngôn gìn giữ hôn nhân như “Phu thê tương kính như tân!” Đó là chồng – vợ trọng nhau như lúc mới cưới. Mới cưới là lúc đang còn ngoại giao, hai người rồi hai nhà mới gặp nhau, đón nhau về, mọi thứ đều mới toanh, đặc biệt cái quí nhất là cái ngàn vàng còn mới “gin”… Rõ ràng lúc đó là cuộc hội ngộ hai bộ sưu tập ngoại giao của hai nhà… Và khi lấy nhau rồi, cả hai đã ở một nhà, thì không thể “thân quá hoá nhờn”, “con ong đã tỏ đường đi lối về” mà cư xử xuề xoà, thành à uôm, thành dễ dãi… rồi đến lúc khinh nhau. Quát vào mặt nhau “anh hãy xéo ra khỏi đời tôi”…


Vì thế, dù đã cưới nhau, đã thuộc về nhau, hai người nên nhớ một điều: “Bóng tối luôn còn ở dưới chân đèn”, ai thì vẫn cứ là mình, với bản tính, cá tính của mình, nên được tôn trọng chứ không nên lạm dụng khoảng cách gần gũi để xoá nhoà. Người Việt thường nói đùa câu khá hay, đó là: “Hoà nhập mà không hoà tan!” Rõ ràng hạnh phúc gia đình phải dựa vào sự khéo léo của hai nhà ngoại giao tình ái. Bởi một lẽ chí tử: khi ngoại giao thất sủng thì lập tức các màn bạo lực hay chiến tranh lạnh diễn ra!

Paul Đức 24/8/2023

(mời các bạn xem tiếp bài 26)

Tranh: Edward Lamson Henry (1841-1919)




2 lượt xem0 bình luận

Comentarios


bottom of page