CÁ NHÂN – THA NHÂN – CÔNG LÝ – PHỔ QUÁT – TRI THỨC – PHÁP LÝ – QUỐC GIA – NHÂN LOẠI – LÝ TƯỞNG
Bài 20: CÁI CẦN THIẾT – CÁI LÝ TƯỞNG CỦA HÔN NHÂN
“I love you – I need you”
Người Anh có câu thật hay về tình yêu, một chàng trai quỳ một chân xuống khi cầu hôn đã nói: “Anh yêu em! Anh cần em!”
Thực ra trong tình yêu, thì cái nền móng đầu tiên cần thiết là “Ta cần nhau!” Người phương Tây rất thực tế, nếu người Á Đông nhìn người từ đầu xuống chân, thì phương Tây lại nhìn người từ chân đến đầu. Á Đông coi trọng cái mũ - cái nón, thì người Tây lại quan trọng đôi giầy. Ăn mặc có đẹp thế nào, mà đi đất, hay làm quả đi đất để giữ sàn, thì mặc đẹp mấy cũng tầm thường. Trái lại với phương Tây, ăn mặc tạm bợ thế nào cũng được, nhưng đi đôi hài da bóng loáng bước ngang nhiên lên cả sàn gỗ đẹp là cách chứng tỏ, cái sàn đó là của mình, mình đi thế nào cũng được, là cách coi nền tảng chỉ là thứ phục vụ, chứ không phải ta phải lau chùi để tự mình rơi xuống con sen – thằng ở?! Một cái nhà không có móng sẽ đổ, một mái nhà đẹp mà móng yếu thì sụp đổ. Vì thế mà phương Tây coi trọng cái nền tảng, cũng như thực tế hơn phương Đông.
“Ta cần nhau” – đơn giản là anh thấy em có lợi cho anh và ngược lại. Rồi cha mẹ ta cũng thấy hai nhà “môn đăng hậu đối” mà cho phép cưới nhau. Còn yêu đương mông lung, diệu vợi, ảo tưởng ư, dẹp bỏ liền. Ngày trước, nhà quê lấy vợ cho con thì phải chọn cô khoẻ. Khoẻ để về nhà chồng còn làm chứ không phải ngủ. Vả lại có sùng sục hoạt động trong đêm mới mong mắn đẻ?! Còn lẻo khẻo yếu ớt? Đi còn không vững nên cơm cháo gì?
Có danh ngôn: “Loài người cần ba thứ: 1- quyền lực, 2- tiền bạc, 3- tình dục. Vì quyền lực nên có nhà nước! Vì tiền bạc nên có bộ tài chính! Vì tình dục mà có gia đình!” Khi người ta còn cần nhau, thì người ta làm mọi cách để yêu. Nhưng khi người ta ít cần nhau, thì kiểu gì cũng dùng mọi cách để giãn ra. Kể cả: “nhà anh ăn nước máy sông Đà, không ngon bằng nước sông Hồng ở khu em”…
Nhà nước cũng có dăm bảy loại: nhà nước tiến bộ, rồi nhà nước lạc hậu, nhếch nhác. Gia đình cũng vậy, có nhà là tổ ấm của hạnh phúc, có nhà chỉ giá áo túi cơm rồi màn the sùng sục cay lắm nồng nhiều mà cũng chẳng tìm thấy tơ vương hạnh phúc.
Chữ “cần” thiên về giá áo túi cơm – trục lạc trực tiếp, nên tình yêu dựa vào đó là chưa đủ, vì tình yêu đó mới nằm ở thận. Cao hơn tình yêu phải nằm nơi lý tưởng là con tim, như bà Tống Khánh Linh đang đêm bỏ nhà đi theo lãnh tụ tương lai là Tôn Trung Sơn, bất chấp chàng đã có vợ và ba con – đó là tình yêu (chứ không thể tình dục). Còn nữa, tình yêu khi già, hết hương sắc ái tình còn phải cần đến “Nghĩa” mà người ta vẫn gọi là “Tình nghĩa” – còn được gọi là ăn ở có trước có sau – nói tắt là “có hậu”. Tình yêu còn cần thêm một thứ nữa là Nể. Chàng rể cùng công ty cổ phần với bố vợ. Chàng không ruồng rẫy vợ vì nể bố vợ là tổng giám đốc công ty…
Tôi cho rằng; Tình yêu cần liên kết cả Bốn chữ lớn: Cần – Yêu – Nghĩa – Nể?!
Paul Đức 12/8/2023
(mời các bạn xem tiếp Bài 21)
Ảnh: từ Internet, Facebook
Comments