top of page
  • Nguyen Hoang Duc

AI VỀ ĐÂU? (No. 19)

AI VỀ ĐÂU?


CÁ NHÂN – THA NHÂN – CÔNG LÝ – PHỔ QUÁT – TRI THỨC – PHÁP LÝ – QUỐC GIA – NHÂN LOẠI – LÝ TƯỞNG


Bài 19: CẠNH TRANH VÀ ĐẶT ĐIỀU KIỆN BẤT THÀNH VĂN LIÊN TỤC CỦA HÔN NHÂN


“Lệnh ông không bằng cồng bà” đó là câu nói của người Việt. Còn thế giới người ta thường xuyên nói: “Gia đình là nhà nước thu nhỏ”. Đã là nhà nước thì bao giờ cũng có cạnh tranh quyền lực, như câu của người Hoa “Triều đình mạc như tước, xã thôn mạc như xỉ” – tức là: triều đình coi trọng chức tước, xã thôn coi trọng tuổi thọ.


Bên trên chúng ta đã bàn: đỉnh cao của bi kịch tình yêu và hôn nhân, dẫn đến biến chiếc giường thành chiến trường như bỡn khiến người ta vong thân trong nháy mắt. Chúng ta hãy coi những đau khổ đẫm lệ, thậm chí có máu của hôn nhân là những vụ chung kết của bi kịch. Nhưng trên hành trình đi tới chung kết phải có các cuộc đấu loại thường xuyên, như một châm ngôn của người Việt “ghen vợ, ghen chồng không nồng bằng ghen ăn”. “Nồng” coi như; nồng như vôi, chúng ta coi đó là thứ cạnh tranh, đắng cay, cồn cào liên tục.


Các chuyên gia tình yêu tính toán rồi thống kê, thấy: sau ngày cưới, trong vòng 5 năm, là thời gian các cặp uyên ương bỏ nhau nhiều nhất, sau đó với thời gian dài hơn, nó cứ giảm dần. Tại sao? Vì đó là khoảng thời gian người ta tập và phải thích ứng với nhau về các điều kiện đặt ra và thích ứng cho nhau. Đôi nào thích hợp với điều kiện của nhau thì tiếp tục sống chung, không thích hợp thì bỏ nhau, hoặc buộc phải sống chung kiểu “ngậm bồ hòn làm ngọt!” Về điểm này, một cách kinh điển, người phương Tây có danh ngôn: “Hôn nhân là trường học của tình yêu, người chồng và người vợ là thầy và trò lẫn nhau!” Tại sao? Vì đó là trường học cả hai mới ti toe bước vào, người ta ứng xử như người trò, rồi lại làm thầy lẫn nhau để vỡ vạc rồi hiểu biết những điều chưa bao giờ gặp.


Cụ thể và rốt ráo hơn, hai bên đều liên tục đặt điều kiện cho nhau, rằng anh phải thế này, em phải thế kia… tất nhiên khi ai đặt điều kiện thì đều muốn mình ưu thế hơn. Người chồng thường có quyền lực cứng về vũ lực và tiền bạc, nhưng người vợ lại có quyền lực mềm về dùng “cái mềm nghĩa đen” để bao vây dục vọng… khi cả hai đều xứng đáng là nhà ngoại giao biết xuống nước và nhường nhịn lẫn nhau, thì hôn nhân còn, trái lại ai đòi lên nước mãi, bên kia không chịu thì đành đứt. Người Việt có câu:

“Bên thẳng thì bên phải chùng

Hai bên cùng thẳng thì cùng đứt dây”


Còn những nhà ngoại giao thế giới đã từng tuyên xưng danh ngôn nổi tiếng “Ngoại giao là khoa học của những sự nhượng bộ!” ( La diplomatique est la science des conccessions). Ngoại giao là để tìm kiếm hoà bình, vậy thì phải có khoa học về sự nhượng bộ, chứ lúc nào cũng đòi lấn lướt ưu thắng so với bạn đời thì làm sao có bình an, hạnh phúc?


Tôi xin minh hoạ một chút về sự đặt điều kiện. Có cặp đôi kia, họ đặt điều kiện trong gang tấc, rằng tôi đã giặt áo quần vào ngày chẵn, thì anh phải giặt vào ngày lẻ… rồi đôi này bỏ nhau.


Một anh chồng mang cơm đến nhà hộ sinh cho vợ đã đẻ con gái thứ ba. Lần sau anh mang cơm tới, y tá chuyển ra ngoài cho anh chiếc cặp lồng còn nguyên chưa đụng tới. Anh liền viết mảnh giấy kẹp vào cặp lồng cơm gửi vào cho vợ. Chị vợ đọc “Em ơi, đẻ con nào cũng như nhau mà, em ăn cơm đi!” Chị ta liền cẩn thận gấp tờ giấy bỏ vào túi áo, rồi ăn cơm ngon lành. Chị ta làm thế để đề phòng khi dời nhà hộ sinh về nhà, nếu anh chồng cằn nhằn việc chị đẻ nhiều con gái, chị ta sẽ lôi mẩu giấy ra và bảo “thế ai viết đây?!”


Khi các cuộc đặt điều kiện với nhau đã làm quen và bắt đầu êm dần đều thì người ta sống với nhau cho đến kỷ niệm đám cưới bạc, cưới vàng… Còn khi về già vẫn đòi dở chứng bỏ nhau, là vì một bên nào đó bất ngờ đòi nâng cao “điều kiện chung sống”.

Paul Đức 10/8/2023


(mời các bạn xem tiếp Bài 20)

Ảnh: từ Internet, Facebook


5 lượt xem0 bình luận

Commentaires


bottom of page