AI VỀ ĐÂU?
CÁ NHÂN – THA NHÂN – CÔNG LÝ – PHỔ QUÁT – TRI THỨC – PHÁP LÝ – QUỐC GIA – NHÂN LOẠI – LÝ TƯỞNG
Bài 17: CẤU TRÚC VŨ LỰC CỦA TÌNH YÊU
Tình yêu rất nhiều êm ái, ngọt ngào, dịu dàng, khoái lạc, nhưng ai đâu ngờ, chiếc giường của nó là một chiến trường khốc liệt nhất nhân loại. Chúng ta thử hình dung, cõi nổi tiếng hiền lành bình an nhất - như thế giới tin tưởng là Đạo Phật. Những thượng toạ, suốt ngày, suốt đêm im phăng phắc chắp tay ngồi thiền chẳng khác gì bát nước không hề mảy may lay động. Nhưng sáng sớm hay buổi chiều họ ôm lấy gậy múa võ như máy. Tại sao? Cơ thể người ta hết tĩnh thì phải động, hoạt động của mọi loại hình vũ trụ đều theo hình sin lồi lên thì phải võng xuống như sóng có thế mới vận động di chuyển được, chứ làm sao cứ đi lên mãi sẽ ra khỏi đỉnh non mà rơi xuống vực, cũng không thể cứ đi xuống mãi thì vực thẳm sẽ bị khoan thủng cháy bỏng trong hoả ngục. Giống âm nhạc vậy, nó lên bổng thì phải xuống trầm, có thế mới thành giai điệu?!
Các chuyên gia ẩm thực nói; nếu món ăn không có gia vị như dấm, ớt, hạt tiêu, rồi các chất kích thích thì làm sao món ăn ngon được. Chính xác hơn, tình yêu giống một lò võ đối kháng, "gia vị" trở thành chất xúc tác để tình yêu hấp dẫn hơn. Người Việt có câu “Ghen vợ ghen chồng/ không nồng bằng ghen ăn!” Ở đây có thể hiểu; bất cứ nơi nào có lợi ích của ăn uống hay khoái lạc thì đều nồng đượm tính cạnh tranh, xô xát, nồng nàn của dục vọng! Mà chuyện trai gái là cạnh tranh, ghen ăn, tức ở nồng nàn nhất. Trong các bộ phim của Trung Quốc, trong đám cưới, sau lời xướng “động phòng hoa trúc”, đôi uyên ương kéo nhau vào phòng the đóng cửa lại, tháo y phục, thì liền thấy ánh sáng nhảy nhót trong phòng, đó là những tia sáng chiếu từ vài chiếc gương từ ngoài vào… là cách người ta gây rối, phá đám tình dục…
Sát nút hơn, tình yêu không chỉ giống lò võ, mà giống sới cờ bạc, người ta say sưa sát phạt nhau không thể nhấc mình lên khỏi chiếu, tức nhau, ghét nhau, nhưng lại cần nhau. Tại sao? Vì người ta cay cú nhau! Càng cay cú thì càng không dứt được nhau. Đứa nào ăn non, thắng một tí bỏ đi, không cho người khác gỡ thì ăn dao, ăn kiếm, ăn đạn liền. Tình yêu cũng vậy, người ta yêu nhau đến cay cú. Vừa chạm vào tay người yêu liền bị hất ra, thế là bao dằn dỗi, mặc cảm bị hắt hủi, xuất hiện cả tâm lý trả đũa… gi gỉ gì gi cái gì cũng tức.
Chính thức các chuyên gia cho rằng; xung đột trong tình yêu, giống mọi xung đột ở đời là; người ta tìm cách nhanh nhất để hạ thủ đối phương, tìm "gót chân Asin" để giáng cho đối phương đòn nốc ao hạ đài! Bởi thế trong những cuộc cãi cọ của tầng lớp văn hoá thấp, cãi cọ vừa khởi động đã lôi cả bố mẹ, họ hàng của nhau ra chửi, lại còn nguyền rủa nhau không tiếc lời bạc bẽo… Thế còn bạo lực của tình yêu hay còn gọi là nạn bạo lực gia đình xảy ra triền miên, thậm chí giết nhau hơn cả quân thù. Nếu ta xem các thống kê bạo lực gia đình, ngay cả ở vài nước phương Tây, con số đàn bà bị bạo hành và giết thì rùng mình và không dám tin vào mắt mình nữa???
Một lần nữa chúng ta trở lại vết tích của con đường “Yêu nhau lắm cắn nhau đau!” Tình yêu là nơi chốn nhiều dục vọng đỉnh cao nhất thì nó cũng hàm chứa luôn những bạo lực thường trực đỉnh cao. Tình yêu đích thực là một con dao hai lưỡi sát thương và tiêu diệt kẻ chơi dao như không. Chúng ta biết có những vụ án, kẻ giết người yêu tàn khốc, nhưng sau đó băm chặt xác người yêu nhết vào tủ lạnh, để lưu lại vết tích nhung nhớ người yêu.
Tình yêu là bãi chiến trường khốc liệt như vậy, nên các nước văn minh đưa môn “tình yêu” vào giáo dục rất sớm cho các học trò trai và gái, để họ học trách nhiệm của mình trong tương tác với người khác giới và với người yêu. Triết gia người Pháp Jean Paul Sartre có nói một câu căn bản: “Đam mê là trách nhiệm!” Khoái lạc ái tình chỉ được thực hiện khi ta giao ái với người khác. Muốn thế thì phải biết thực hiện trách nhiệm rất tương xứng của mình, chớ đừng “đánh quả” rồi phủi đít đứng dậy, như vậy sẽ bị coi như kẻ “vô lại”, và cũng không xong được, gây xấu cho người khác, đến khi cái xấu trả hận giáng lên mình, thì đúng là “Sướng trước khổ sau, đau hơn hoạn!”
Paul Đức 05/8/2023
(mời các bạn xem tiếp Bài 18)
Tranh: bức họa HOÀNG HÔN (acrylic on canvas, khổ 70x90 cm) của họa sĩ Thu Hằng
Nguồn: từ Facebook
Comments