top of page
  • Nguyen Hoang Duc

AI VỀ ĐÂU? (No. 15)


AI VỀ ĐÂU?

CÁ NHÂN – THA NHÂN – CÔNG LÝ – PHỔ QUÁT – TRI THỨC – PHÁP LÝ – QUỐC GIA – NHÂN LOẠI – LÝ TƯỞNG


Bài 15: CHIẾC GIƯỜNG UYÊN ƯƠNG NHIỀU LỆ VÀ MÁU NHẤT


“Nếu biết rằng yêu là đau khổ

Thà dương gian đừng có chúng mình”


Đó là lời bài “Sang ngang” của Đỗ Lễ. Quả thật, chúng ta khi bập vào tình yêu, thấy ngay những áng mây hoàng hôn quyến rũ đang bàng bạc phủ ngập chân trời một mầu sắc huyền nhiệm xao xuyến không sao tả xiết, rồi nàng đã hiện ra, với những tâm tình nói mãi không hết, rồi xốn xang với chín hẹn mười hò, tương lai đang ủ men trên những nụ hôn ngọt ngào cắm sâu vào tâm tưởng bâng khuâng da diết: thứ ái tình vĩnh cửu không cách gì chán được…


Nhưng không! Mặt phải của ái tình là thiên thai cực lạc! Thức ăn càng ngon thì càng chóng chán, cơm tẻ và bánh mì ăn đâu có chán mà chỉ ăn no, nhưng sơn hào hải vị khi ngấy thì ngắc ngư tới cổ. Ô tô chạy nhanh thì đốt khói đen… càng dày khoái lạc thì cũng dầy ruồng bỏ và chán nản. Có thứ tình nào chóng chán như tình vợ - chồng (tình yêu) để rồi người ta cứ phải “đồng sàng dị mộng”, rồi than “cả thèm chóng chán”, rồi còn ao ước “của lạ bằng tạ của quen”?! Chán đến độ:

Vì quá thân nên quá đỗi buồn cười

Môi nhắc lại cũng chỉ ngần ấy chuyện

Có một lời thơ (tôi không nhớ chính xác):

Khi chưa yêu ta đến tìm Thượng Đế

Để xin Người giảng giải lẽ yêu đương

Khi yêu rồi ta đến tìm Thượng Đế

Để xin người bình giải lệ đau thương


Tình yêu và đau khổ khăng khít với nhau như hai mặt của một đồng tiền, vừa cảm giác hạnh phúc liền đó thấy ngay màn sương đau khổ đã giăng trước mắt. Người Ba Lan có câu “Khi ra biển hãy cầu nguyện một lời, khi ra trận cầu nguyện hai lời, còn khi đi tới hôn nhân hãy cầu nguyện ba lời!” Ra biển sóng to gió lớn bất trắc, chỉ cầu nguyện Chúa một lời. Ra trận tai hoạ sinh tử nhiều hơn phải cầu Chúa hai lời. Nhưng đi tới hôn nhân thì phải cầu nhiều nhất, tới ba lời. Tại sao? Vì hôn nhân ngay lập tức dẫn người ta: một lên thiên đường, hai tới địa ngục. Cũng có câu “Niềm vui đám cưới kéo dài một ngày, nhưng nỗi lo hôn nhân dài suốt một đời.” Nỗi lo đó là gì? Chính là chiếc giường đẫm lệ và máu?!


Văn hào Sếch-xpia (Shakspeare) viết nhiều về bi kịch tình yêu đã nói: Phần lớn bi kịch của nhân loại xuất hiện trên chiếc giường của hôn nhân. (?). Tôi không nhớ chính xác câu nói. Nào Romeo cùng uống thuốc mê rồi chuyển sang thuốc độc với Julliet để cả hai cùng chết thảm, rồi viên tướng da đen Ô-ten-lô khi tăng tốc cơn ghen đã xiết hai bàn tay cứng như kìm sắt đen xì vào chiếc cổ trắng nõn của nàng Desdemona xinh đẹp… Bi kịch trên giường tình yêu đau đớn hơn nhiều sát thương trên chiến trường. Có danh ngôn “Khi ta bị gươm chém vào da thịt, trong đêm ta ngủ ngon lành; nhưng khi ta bị vết thương chém vào tim, trong đêm ta không thể nào ngủ được.” Bị thương bằng đao kiếm, đêm ta ngủ được ngày mai lại sức. Còn bị chém vào tim, tức đại biểu của tình yêu, ta quằn quại trăn trở vì vết thương làm sao ngủ được?!


Chiếc giường là nơi trả thù ghen tuông ư? Người ta đã cởi giáp bào, khoảng cách quá ngắn không thể nào bắn trật, rồi cứ lưỡi dao vung lên hay thọc tới, hình như trái tim có nam châm, dù lưỡi dao đâm bất kể chỗ nào, thì dường như trái tim đều hút mũi thương đó. Người ta kể lại, Hoàng Đế Sê-da có sức địch muôn người, hôm đó nguyên lão nghị viện phản bội ông, cả bày đã đâm ông hơn hai mươi vết dao mà ông vẫn tả xung hữu đột, bỗng ông nhìn thấy người bạn thân của mình cũng vung dao vào ông, ông chỉ còn biết than “Cả ngươi nữa ư?!” rồi buông dao. Ông buông dao về nỗi tuyệt vọng thân tình của tình yêu bạn bè đã sụp đổ.


Bạn đời, là ăn cùng ta, ngủ cùng ta, ái ân cùng ta, khi muốn ra tay thì bao giờ cũng là dễ nhất, bởi thế đó là chiến trường “tuyệt vọng” nhất. Trong lịch sử có một vụ án, để ám sát người chồng của mình, người vợ đã tập ăn thạch tín, mỗi ngày một tí. Hôm cuối chị ta hạ sát chồng, ngồi ăn cùng chồng, ăn các thức ăn như chồng, và khi chồng chết, người ta khám nghiệm máu của chị thì cùng nồng độ thạch tín như của chồng. Thế là chị ta vô can.

Hôn nhân chứa cực lạc, cực lạc đó có thể lên đỉnh thiên thai, nhưng cũng có thể rớt địa ngục. Chúng ta cứ dần dần ngắm ống khói đen xì của chiếc xe phân khối lớn!


Paul Đức 01/8/2023

(mời các bạn xem tiếp Bài 16)


Ảnh: Nhà thờ đá Sapa (năm 1994), ảnh do nhiếp ảnh gia Chas Pope (người Ý) chụp

Nguồn: Internet


7 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page