top of page
  • Nguyen Hoang Duc

AI VỀ ĐÂU ? (No.11)

AI VỀ ĐÂU ?

CÁ NHÂN – THA NHÂN – CÔNG LÝ – PHỔ QUÁT – TRI THỨC – PHÁP LÝ – QUỐC GIA – NHÂN LOẠI – LÝ TƯỞNG


Bài 11: ÁO LỄ KHÔNG LÀM NÊN THẦY TU NHƯNG THẦY TU KHÔNG THỂ KHÔNG MẶC ÁO LỄ ( Cũng là nội dung và hình thức )

*

Có danh ngôn “Áo lễ không làm nên thầy tu!” Câu nói thật chính đáng. Cái áo may trong vài ngày sao có thể thay thế một thầy tu sôi kinh nấu sử rèn luyện chân kinh cả chục năm ròng?! Đó là luật thành văn, nhưng song song có luật “bất thành văn” rằng: “không thể có thầy tu không mặc áo lễ!” Không mặc áo lễ vậy ông cởi trần, đánh xà lỏn lên cung thánh giảng đạo ư?! Không bao giờ, và không có luôn, đó cũng là cách biểu đạt: nội dung và hình thức. Thầy tu luôn phải gắn với áo lễ, như nội dung phải kèm hình thức. Nhân cái này mới có cái kia và ngược lại.


Có danh ngôn “Quần áo quyến rũ khi gặp mặt, tâm hồn lưu luyến lúc chia tay.” Nhưng cũng lại có câu trên cả danh ngôn khi là nguyên tắc sống “Y phục xứng kỳ đức!” Làm gì có người quyền thế, đức cao vọng trọng lại cứ đánh xà lỏn đi lung tung, lúc đó anh giảng dạy cái gì, trong khi người đời bảo: “Bên hông túi bạc kè kè/ nói quấy nói quá người nghe rầm rầm!” Làm vua mà không có phẩm bào và ngồi ngai vàng lại làm quả ngồi xổm thì ai coi là vua?! Đó chỉ là hạng cù bơ cù bất thôi.

Tâm hồn cao xa lắm so với thể xác vì chính Chúa Trời cũng dạy: “Được cả thế giới mà đánh mất linh hồn nào có ích chi!” hay “Linh hồn còn quí hơn cả vũ trụ này!” Chúng ta hãy thử so sánh ẩn dụ: một cây sáo, ta hãy coi nó là một thể xác. Nhưng khi nó cất lên tiếng nhạc, thì phải có nhạc sĩ sáng tác, và nhạc công chơi nhạc, tiếng nhạc đó coi như linh hồn cao cấp hơn cây sáo rất nhiều.

Nhưng triết gia Aristote nói “Con người là động vật biết dùng phương tiện!” Nếu không có phương tiện là cây sáo, thì liệu con người có thể thổi thành khúc nhạc?! Chúa Trời rất đề cao linh hồn, bởi lẽ Ngài đã nặn ra con người nhưng nếu Ngài không thổi thần khí vào thì con người không sống được. Có lời thánh ca “Xin cho cuộc đời con như cây sáo của Ngài/ Chúa gieo vào giai khúc thanh khiết muôn đời…

Nhưng dẫu vậy, thể xác cũng là cây sáo do Thiên Chúa tác thành, nên Ngài cũng dạy: “Thân xác là đền thánh của nước trời!” Trong các loại nhạc cụ như kèn đồng, thanh la, ngay cả khung đàn piano cũng vậy… nếu nó là kim loại quí hay được pha vàng, thì tiếng nó sẽ hay hơn gấp bội.

Vậy thân xác càng cao quí (tức giảm bớt ô trọc) thì tiếng đàn càng hay, mà như nhân gian đã xem tướng tinh của con người: nhất thanh, nhị sắc, tam hình. Âm thanh là cao quí nhất để xác định phẩm giá, tướng mạo của con người như người Việt có câu:

“Chuông khánh còn chẳng ăn ai/ Nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ ao?!”

Và:

“Người thanh tiếng nói cũng thanh/ Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu”

Nhà thơ, nhà văn , nhà lý luận Tagore người Ấn Độ, nghe đồn có bàn tay rất đẹp. Tay rất quan trọng vì nó là hành động của tâm hồn. Chính thế mà ông rất lịch lãm, uyên bác, văn hay chữ tốt! Như vậy bài này chúng ta đã đề cập các cặp tương tác: Nội dung – hình thức, cái bên trong – cái bên ngoài, linh hồn – thể xác. Đó là những cặp đôi bất khả tách rời!

Paul Đức 22/7/2023

(mời các bạn xem tiếp Bài 12)

Tranh: từ Internet

5 lượt xem0 bình luận

Opmerkingen


bottom of page