top of page
Nguyen Hoang Duc

AI VỀ ĐÂU? (No.10)

AI VỀ ĐÂU?


CÁ NHÂN – THA NHÂN – CÔNG LÝ – PHỔ QUÁT – TRI THỨC – PHÁP LÝ – QUỐC GIA – NHÂN LOẠI – LÝ TƯỞNG


Bài 10: THỐNG NHẤT GIỮA TRONG VÀ NGOÀI NHƯ MẶT SAU VÀ TRƯỚC CỦA ĐỒNG TIỀN


Chúa Giê-su dạy; rửa cái bát muốn sạch, ta phải rửa cả trong lẫn ngoài, nếu chỉ rửa bên trong – không sạch, rửa bên ngoài – cũng không sạch, mà phải rửa cả trong lẫn ngoài, cái bát mới sạch vẹn toàn.


Bên trong cái bát có vẻ quan trọng hơn vì nó để đựng cơm hay canh, nhưng nếu chỉ rửa bên trong, bên ngoài còn bẩn, khi người ta úp những cái bát lên nhau, bên ngoài của bát này sẽ làm bẩn bên trong của bát kia, và khi cầm bát để ăn hay uống tay người ta sẽ bị dơ, rồi không thể cảm thấy an toàn hay ngon được.


Những cái bát rửa xong, xếp đó vẫn chỉ là thứ vô tích sự, vì chúng chưa có gì. Khi chúng xếp chồng lên nhau giống như một đội quân dự bị mà chưa được vào trận. Chỉ khi nào chúng đựng canh hay sơn hào hải vị, chúng mới có giá trị như người Việt có câu “Thế gian chuộng của chuộng công. Nào ai có chuộng người không bao giờ!”

Cái bát chưa có gì vẫn đang chỉ là thứ vô ích hay vô tích sự mà thôi. Một cái bát đựng yến hay sơn hào hải vị, thì mùi hương của nó bay đi trước, chẳng khác gì một con người toả sắc linh hồn như “Kiến kỳ thanh bất kiến kỳ hình.” vậy. Một ngôi nhà khi mở cửa sẽ có nhân vật chủ nhà xuất hiện, nếu anh ta là thứ siêu quần bạt chúng hay kinh bang tế thế, thì hình ảnh sẽ lấp lánh, còn nếu anh ta vô vị như một chiếc giẻ lau lại còn ngại chùi thì cánh cửa mở ra chỉ thấy nhân vật vô vị xuất hiện…


Cái gì đi xuyên từ trong ra ngoài thành giá trị? Đó chính là cái miệng còn gọi là CỬA KHẨU. Người Trung Hoa rất tài khi bàn về chữ “Khẩu” cũng là cái miệng. Tất cả các cơ quan trên người đều chỉ một chiều, như mắt nhìn ra, tai lắng nghe bên ngoài, nhưng “khẩu” là nơi đón vào thức ăn, lại là nơi mở ra để xuất ngôn. Triết gia Platon Hy Lạp còn tuyên ngôn “Ngôn ngữ là trí tuệ!” , vì thế miệng là nơi quan trọng nhất trong ngũ giác về trí tuệ.


Cái xuất ngôn là thứ đã ra bên ngoài, đi từ trong ra ngoài, nên người ta phải cẩn thận, như người Trung Quốc bảo “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy!” (một lời nói ra bốn ngựa khó đuổi). Chúa Giê-su cũng dạy; cái ăn vào không thể làm bẩn người ta, vì nó được tiêu hoá ra nhưng cái xuất ra là lời phải cẩn thận vì nó làm người ta bẩn cũng như ô danh. Chúa nói “Một chút cáu giận sẽ làm nhẹ danh người thông thái!” Chúa Giê-su nói người ta cần phải biết tỏ mình ra “Cái gì nghe trong bóng tối hãy nói nơi sáng sủa; cái gì thì thầm trong tai hãy nói trên mái nhà!” Một vị thánh tuyên bố “Khi bạn cần hãy im lặng! Nhưng khi cần phải nói mà bạn không nói là hèn nhát!


Tôi biết có một phụ nữ đòi bỏ chồng, chỉ vì anh ta không bao giờ biểu hiện tình cảm, lúc vui hay buồn cũng như khi cực lạc nhất anh ta không hề có ý muốn bày tỏ bất kể cảm xúc nào.


Lịch sử Á Đông rất ít phát triển hay tiến bộ bởi một đặc điểm chính là “Tâm – Khẩu bất đồng!” Tâm là cái bên trong nhưng khi ra đến cửa miệng nó đã đi trọn một đường vòng uốn éo, thủ thế, và xuất ngôn khác hẳn cái tự tâm suy nghĩ bên trong. Tâm – khẩu bất đồng thì còn nặng hơn dối trá. Vì nó thủ thế thường xuyên, tìm cách nói cái khác lòng mình để tạo ra sự nguỵ trang thường trực. Một cá nhân hay dân tộc nói dối thường trực, làm gì cũng nửa vời thì làm sao trưởng thành lành mạnh và phát triển. Đó cũng chính là sự ngu dốt, nghèo đói, lạc hậu của Á Đông!

Paul Đức 20/7/2023


(mời các bạn xem tiếp Bài 11)

Tranh: từ Internet


5 lượt xem0 bình luận

Kommentare


bottom of page