top of page
Nguyen Hoang Duc

AI VỀ ĐÂU? (No.1)

Đã cập nhật: 12 thg 7, 2023


AI VỀ ĐÂU?

CÁ NHÂN – THA NHÂN – CÔNG LÝ – PHỔ QUÁT – TRI THỨC – PHÁP LÝ – QUỐC GIA – NHÂN LOẠI – LÝ TƯỞNG


Vài lời dẫn:

Các bạn thân mến, hôm qua tôi đã lấy đầu đề cuốn chuyên luận “tính tiên tri” là AI LÀ AI? do tiến sĩ triết học Nguyễn Văn Vịnh đặt giúp. Tên đó hay và ý nghĩa chiều sâu, nhưng khá mơ hồ theo lối tác phẩm văn chương, nên tôi thêm các nội dung nhỏ như hành trình, và nó cũng thật sát nghĩa với tên gọi “Ai là ai?” - tức người ta phải có đích để đi tới.


Bài 1: NGÔI NHÀ KHÔNG CÓ CỬA KHÁC GÌ NHÀ TÙ VÀ ĐỊA NGỤC


Nhà không có cửa ư? Tất nhiên đó là nhà tù! Nhà tù có song sắt, có ô cửa cho ánh sáng chiếu vào, vậy mà nó vẫn bị mệnh danh “Một ngày ở tù bằng nghìn thu ở ngoài!” đủ thấy ở tù bất hạnh đến mức nào? Lúc đó không gian sống của con người bao gồm trời xanh mây trắng nắng hồng mà còn bị co rút lại trong bốn bức tường, con người lúc đó còn thua cả con thú bị nhốt trong chuồng, bất hạnh tột cùng, nên một ngày lê thê, ê chề, khác nào thiên thu… Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có câu thơ rất hay "... Đêm nay lạnh tìm em trên gác vắng/ Trong tay anh dâng cả tháng năm thừa…" Có nghĩa là; bị giam nhốt trong tù, người ta cô đơn chán chường, có thể vẫn ăn, vẫn ngủ, vẫn tiêu hoá, vẫn thở mà không sống. Không có tình nhân chia sẻ thì thời gian sống đã bị xem là vô nghĩa, thừa, vô ích… nhưng không tình nhân người ta vẫn còn vũ trụ bao quanh, như thi sĩ Lê Đạt đã từng thốt lên:

...Em ơi anh hiểu ra rồi

Cuộc sống đâu chỉ là em là anh

Ngoài kia bao la biển rộng sông dài

Một ngọn cỏ cũng đủ níu anh vào cuộc sống!...

Nhưng không! Không tình nhân cặp kè, không có cửa để nhìn ra cuộc sống bao la biển rộng sông dài, đời ta sẽ băng qua cả đời thừa để hoá đời tàn.

MỘT NGÔI NHÀ KHÔNG CỬA KÍN MÍT CHỈ ĐỊNH NGHĨA TA ĐANG PHẢI SỐNG TRONG ĐỊA NGỤC! CHÍNH TA CŨNG LÀ MỘT ĐỊA NGỤC TỰ THÂN!


Ngôi nhà là hình ảnh rất sát cánh của con người và vạn vật có hơi thở. Con ốc, con sên bò đến đâu cõng nhà theo đó. Chúa Giê-su nói “con chim có tổ, con cáo có hang…” Người Việt nói “nhà tôi” cũng là nói về vợ và chồng mình, ở đó còn bao hàm nghĩa: người ta sống kề vai sát cánh chung mái nhà và chung chăn gối. Người Pháp thường xuyên nói “về phần tôi” - Chez moi, “về phần anh” – chez vous, hay “về phần cô ấy” - chez lui… Nghĩa là; cái nhà cũng chỉ ra chính mỗi người.


Vậy thì, mỗi cá nhân thiết yếu như chính ngôi nhà của mình. Nhà ấy thiết yếu phải có cửa, như chính danh ngôn “tình yêu vào bằng cửa sổ, đi ra bằng cửa chính!” Không có cửa, ngôi nhà cũng như cá nhân mỗi người vừa là nhà tù, vừa là địa ngục. Cửa là gì? Nó thiết yếu được mở ra đón khách và ra với khách. Người Hy Lạp tiếp theo La Mã có đức hạnh hàng đầu rằng: kẻ nào bạc đãi với khách là một sự sỉ nhục mà cả thánh thần lẫn cộng đồng khinh bỉ. Tại sao? Vì Khách là cánh cửa mở ra cuộc sống và vũ trụ. Tất cả bắt đầu từ chữ “khách” đó. Như mở đầu Bát Mục của Khổng Tử cho nhận thức là “cách vật – trí tri – chính tâm –thành ý…” Muốn hiểu sự vật thì trước hết phải đứng cách nó để quan sát…


Khách vật, được người châu Âu gọi là Object – cũng là đối tượng, đối vật, và tính “Khách quan”. Không khách quan thì không thể có tiêu chí cũng như thước đo đầu tiên đi vào khoa học. Người Việt có câu "Đi cho biết đó biết đây. Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn?!" Cũng có câu: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn!” Người Ấn Độ nói: “Một hạt giống cứ ủ dưới gốc mẹ không bao giờ lớn được!”


Nhân đây cũng nói mấy anh cớm nắng cả đời lê la đầu ghế khoe mình trai phố cổ có làm được gì ra hồn?! Hãy nhìn Napoleon chỉ là chàng trai sơn cùng thuỷ tận nơi đảo Corse, vậy mà đến thẳng Paris thủ đô hoa lệ nhất thế giới làm hoàng đế.


Cũng xin nhắc thêm về nền giáo dục đậm chất nô tài Việt Nam, bắt học trò xưng “con” – không khách thể hoá cá nhân để các em trưởng thành làm công dân thì tư cách con người và tầm vóc quốc gia biết bao giờ mới khá?!

(mời các bạn xem tiếp Bài 2)

Tranh: từ Internet

**********************

Nguyên nhân và động lực để tôi viết chuyên luận:

AI VỀ ĐÂU?

(Dò tìm và thiết kế những phương ngôn cho cung cách làm người )

Lâu nay trên Facebook có nhiều người thiết kế, đưa lại hay chế biến những danh ngôn, cùng những hình ảnh cao đẹp như mặt trời toả sáng, con đường đi lên mây, rồi trời xanh mây trắng nắng hồng tụ về hoa hướng dương hoặc hoa hồng toả sáng… nhưng có một bạn nữ bảo: nói nhiều sao bằng, xây dựng đức hạnh quanh sáu chữ: NHÂN – TRÍ – LỄ -TRÍ – TÍN – DŨNG.

Nhưng các triết gia tổ phụ Hy Lạp chỉ nêu bốn chữ, tức thì đầy đủ căn bản cả cá nhân và xã hội:

1- Sức khoẻ (Virilite)

2- Trí khôn (savoir)

3- Điều độ (Temperance)

4- Khoan dung (Tolerance)

Vậy hiển nhiên là: 1- Con người sinh ra thì buộc phải sống sót, muốn sống sót phải có sức khoẻ. 2- Có sức khoẻ sao làm người cũng như vạn vật được nếu không khôn ngoan? Không khôn ngoan làm sao rình mồi và đớp mồi, rồi sống sót khi bị săn mồi?! 3- Điều độ là giữ cân bằng cũng tức là điều độ về thể chất và tư duy. Thấy nhiều thức ăn không điều độ ăn thoả cửa sẽ tháo chảy?! 4- Phải khoan dung, nếu tiêu diệt kẻ khác, người ta sẽ tiêu diệt mình, làm sao sống sót?!

Cho nên, bốn tiêu chí căn bản của Hy Lạp, căn cốt hơn nhiều, chứa đựng cả cá nhân và phổ quát xã hội! Vậy thì chúng ta rậm lời những phái sinh về cách sống của con người làm gì khi càng nhiều chữ càng loạn và xa rời sự thật?! Trưa nay, tiến sĩ triết học Nguyễn Văn Vịnh và chuyên viên cấp bộ Lưu Hồng Sơn mời tôi nhậu, kèm theo tặng xì gà và uống rượu Tây. Nhà văn Nguyễn Một người Quảng Nam, mới ra cuốn tiểu thuyết khá hay là “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”, đã từng nói nhiều lần “Anh Đức viết văn như danh ngôn!” Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh nói “Không, ông không viết như danh ngôn, mà viết như tiên tri!” Cụ thể vào sáng xử án Cù Huy Hà Vũ tại cửa toà án nhân dân tối cao phố Lý Thường Kiệt, bên kia đường, sát ngay Đại sứ quán Cu Ba, tôi đã cầm biểu ngữ do mình tự viết, nội dung:

CHÂN LÝ – CÔNG LÝ – PHÁP LÝ

Truth - Jutice - Legislation

Tiến sĩ Vịnh đã thốt lên: “Đây là biểu ngữ, chưa từng có và hay bậc nhất thế giới!”

Tiến sĩ bảo tôi “Bây giờ ông nên viết một cuốn sách có tính tiên tri. Và chỉ có ông làm được và phải làm điều đó!” Tôi đáp “Vậy là tôi sẽ viết cuốn sách hàng đầu Việt Nam?” Tiến sĩ trả lời “Cuốn sách của ông sẽ phải đứng hàng đầu thế giới?!”

Tôi đã nhận lời và cảm thấy mình hoàn toàn viết được. Chúng tôi đã bàn nhau về tên cuốn sách. Cuối cùng tiến sĩ Vịnh đã luận chứng: Ba câu hỏi căn bản nhất của triết học là: Chúng ta sinh ra là ai? Đến từ đâu? Và đi về đâu? Vậy thì tên khả lý nhất là: AI VỀ ĐÂU? Tôi đã chấp thuận và cám ơn tiến sĩ nhiều.

Tôi đã từng viết ba cuốn sách cùng lúc: tiểu thuyết, trường ca, và tiểu thuyết triết học online “Thầy Divoa dạy biện chứng pháp cho xứ Vịt Gà”. Vậy thì từ mai, tôi sẽ bớt thời gian viết tiểu thuyết để viết sách mang giá trị “tiên tri” . Mời các bạn đón đọc! (Tôi sẽ song hành viết hai cuốn cùng lúc.)

Cám ơn tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh là người xuất thần đề tài đã thủ đắc từ trong tiềm thức chú mục riêng cho tôi. Cám ơn nghệ sĩ Lưu Hồng Sơn đã tham gia luận chứng và làm chứng. Cám ơn các bạn sẽ giành thời gian theo dõi và sẽ phán đoán mục đích của tôi như con thuyền có cập bến không!

Paul Đức 04/7/2023


29 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page