top of page
  • Nguyen Hoang Duc

No.12. AI BỊ KHINH NHƯ MẺ?

Đã cập nhật: 22 thg 5, 2023


Một đám văn sĩ ngồi nhậu ngả ngớn bên nhau nhân hợp tác xã nông nghiệp tát ao bắt cá cuối năm.

- Rượu gì chỉ toàn cá là cá, chán bỏ mẹ, có khác gì người theo đạo Ki-tô ăn chay?! – Một nhà phê bình có vẻ hiểu biết hơn cả gãi bụng kêu.

- Thôi đi ông! – Người tóc bờm xờm có vẻ là nhà thơ kêu. – Mẹ kiếp, cha ông mình vẫn nói “cứt cá còn hơn lá rau!” Có cá uống rượu là sướng lắm rồi, còn bày đặt ra vẻ điêu bộ nữa. Nói thế ở quán không sao, chứ ở nhà riêng của báo nhân thì còn coi mặt chủ nhà là cái thá gì…

- Thôi, ông thơ thẩn ơi đừng to chuyện, đang bữa nhậu nhẹt người ta nói vui một tẹo không được ư. À nhà phê bình ơi, người Ki-tô giáo ăn chay không giống Đạo Phật à?

- Đúng thế, Đạo Phật ăn chay là rau dưa hay thực vật, đậu phụ làm ra cũng từ hạt đậu. Còn bên đạo Thiên Chúa, hay cũng gọi là đạo Ki-tô, người ta không ăn thịt, mà ăn tôm – cua – cá là ăn chay rồi.

- Xin cám ơn, may có ông đùa cợt, mà tôi hiểu thêm một việc.

- Canh cá, canh cá đây, ăn với bún nhé! – Vợ nhà báo bưng một tô sắt tráng men lớn có đầu và đuôi cá lên.

- Ngon quá! Giã rượu quá… vị chua chua của nó thích ghê. – Mấy người kêu. – Nấu bằng gì mà ngon thế hả cô ơi?

- Nhà phê bình mà đến mẻ cũng không biết, thế thì phê với bình cái nỗi gì?!- Nhà thơ nhìn nhà phê bình bĩu môi.

- Này các anh cho tôi hỏi thật, tại sao cha ông mình lại bảo “Khinh như mẻ”?

- Khinh là khinh thế nào?- Nhà thơ bảo. – Chúng mình đang ăn canh cá nấu mẻ, ngon thế này mà ông lại bảo khinh à?

- Thôi ông làm mấy câu thơ thẩn thì được! Còn mẻ ở đây nó đã bị coi như tín hiệu văn hóa, có tính biểu tượng rồi. – Nhà văn có khuôn mặt nghiêm túc bảo. – Nói về chữ mẻ này là chữ “mẻ” trên giấy, trên miệng, chứ không phải là mẻ ở trong nồi lõng bõng nước. Ông hiểu biết thì nói, chứ không thể lấy cảm xúc “ăn ngon quá” ra giải thích được.

- Đúng đấy! Đúng… - Mọi người kêu. – Vậy thì ai hiểu thấu đáo lý giải giùm đi.

Mọi người gãi tai, im lặng.

- Tôi thấy thế này, ở làng bên, thầy Khâu Teo thần đồng, bị câm từ bé, bỗng phán như thánh, ông ấy đang kéo thầy Đi-voa từ ngoại quốc đến, sao chúng ta không nhân cơ hội này, sang đó thăm và hỏi ông Đi-voa một chuyến?

- Hay! Hay quá… Nhưng mà chúng ta đều không biết tiếng Tây thì làm sao hỏi?

- Ôi cái ông thơ thẩn này ngố bỏ mẹ, thầy Đi-voa mở lớp dạy biện chứng pháp cho xứ gà vịt mấy tháng trời, ngôn ngữ của mình, ông ấy bảo dễ nhất thế giới, người khôn chỉ cần học trong 20 ngày, người đần thối đần nát học trong ba tháng, đấy cứ xem bọn học sinh vỡ lòng mới học nửa học kỳ đã cầm tờ báo Dân Ta đánh vần nhoay nhoáy…

- Còn chờ gì mà không đi?! Cả đám kéo nhau nhảy lên xe máy.


***

Sau màn chào hỏi, thầy Đi-voa đứng dậy.

- Tôi phải chào mọi người đây.

- Ấy chết!- Nhà phê bình níu tay thầy lại. – Xin thầy kiến giải giúp chúng em một câu thôi, sứ mệnh của thầy chẳng phải là đi mở mang cho dân tình ư?

- Các bạn hỏi đi! – Thầy Đivoa ngồi xuống.

- Thưa thầy, tại sao người xứ em lại nói “Khinh như mẻ”?

- Tưởng cái gì to tát, nào triết học, thần học, hay nền cộng hòa… đằng này quan tâm của các anh chỉ là mẻ thôi sao.

Nhìn mấy văn nghệ sĩ gãi tai, thầy Đivoa nói:

- Muốn hiểu sự việc thì phải hiểu sự bắt nguồn của nó, cái đó triết học và giáo dục gọi là suy lý, còn các tôn giáo coi là Nhân – Quả. Mẻ tại sao bị khinh ư?

Đầu tiên nó được sinh ra từ cơm nguội. Nguời ta ăn no rồi mà cơm vẫn thừa, nên vét nồi cho vào hũ để làm mẻ. Như vậy, mẻ đã là cơm nguội, cơm xuống cấp vì sắp bị thui. Mọi thứ thiu thối thì bị vất đi, nhưng may quá cơm có đường có thể lên men vi sinh thành mẻ, nên không bị vứt đi. Sự xuống cấp đó là đáng khinh thứ nhất.

Thứ hai, khi là cơm thì từng hạt còn tách rời, nhưng khi thành mẻ, nó sền sệt không thành hạt nữa. Có nghĩa là nó không còn được rõ ràng. Người Việt quan niệm “ngô ra ngô, khoai ra khoai”, khi thành phẩm rõ ràng thì nó được tôn trọng, một khi nó đã biến dạng thì không được tôn trọng nữa. Người Hán cũng nghĩ thế, trong từ tha hóa và hủ hóa, có nghĩa là mình không còn được là mình lại sống trong vai người khác, thì đó là “tha hóa”.

Cái gì làm hạt cơm nguội thành men sột sệt? Đó là đám vi khuẩn lúc nhúc. Trong thiên nhiên những con vật lớn đều được mang ân sủng lớn như loài voi hay cá voi. Có cả một bài thơ về con voi đó…

- Dạ, cái này thì em biết:

“Con vỏi con voi

Cái vòi đi trước

Hai chân trước đi trước

Còn cái đuôi sau rốt…”

Nhà thơ láu táu chen ngang.

- Đấy, con voi nó có cái vòi, cái ngà, rồi tai, rồi chân tất cả đều mạch lạc, chứ con bọ, con vi sinh thì tròn vo có cái gì phân biệt đâu mà tả. Từ chỗ không hình thù, lổn nhổn, nó kéo những hạt cơm nguội đang có hình thù thành sột sệt… Đó có phải cũng là một sự đáng khinh không?

- Thưa thầy, không cãi được! – Mọi người cùng nói.

- Người Việt gọi thịt vớ vẩn là bầy nhầy, bạc nhạc, tức là thứ thịt không ra xương, không ra gân, cũng không ra nạc hay mỡ… mà là món hầm bà làng tất cả những thứ đó…

- Đúng ạ!

- Người Việt cũng gọi bọn thần kinh là hâm hấp, dở hơi, hay nửa sống nửa chín… cơm không ra cơm, cháo chẳng ra cháo. Nước thành hơi thì bốc lên thành mây, thành nước hẳn hoi thì chảy xuống suối, còn nước bảng lảng như sương mù, người Việt gọi đó là đám ăn gian “hóa mù ra mưa”… Về hóa học, tức là anh mới ở dạng HO nhưng đã đòi ăn gian thành H2O?!

- Chí lý! Chí phải ạ!

- Nước lạnh thành đá thì mát. Nước nóng thì pha được trà. Còn nước âm ấm thì làm được gì ngoài việc rửa chân? Đấy loài cá nước ngọt thì ngon , loài cá nước mặn thì lớn, còn loài nước lợ chẳng phải chỉ là thứ liu điu lèo tèo không?- Thầy Đivoa xem đồng hồ. – Thôi tôi đến giờ phải đi rồi.

- Thưa thầy, chúng em đã hiểu. – Nhà văn níu thầy Đivoa lại. – Thầy cho chúng em một lời khuyên cuối cùng ạ.

- Người Á Đông các anh có thể học rất nhiều, học đông tây kim cổ luôn, nhưng các anh không bao giờ dám sống mạch lạc, vì thế mà học bao nhiêu cũng khó trở thành người tiếp cận suy lý. Đấy ngay cái câu “khinh như mẻ” của quê hương mà các anh còn khó hiểu.

- Tại sao thế hả thầy?- Nhà phê bình hỏi.

- Vì hệ thần kinh thiếu mạch lạc, như dây dẫn yếu cứ rối tung vào nhau, vì thế các anh rất sợ sống lý trí. Nếu lý trí phân biệt cực dương và âm, dòng điện sẽ hình thành và khi dòng điện chạy các anh sẽ bị chập mạch tơi bời. Vì thế mà các anh chỉ sống xuê xoa cảm tính… Các anh có thân hình đẹp và khổng lồ như con voi, thì mới dám sống mạch lạc chứ. Còn khi vón cục nhỏ bé không hình thù các anh bèn cam phận chui vào vại sành để trong xó tối, sống bằng cách lên men từ cơm nguội… Tôi phải đi đây. Đến giờ tôi có lớp rồi.


Sau lớp khói xe máy của anh chàng đưa thầy Đivoa đi, bóng thầy Khâu Teo hiện ra, thầy bảo với mọi người:

- Thật đáng tiếc, duy nhất có một người đàn ông có khả năng suy lý, thì ông ta lại đi mất rồi. Còn lại chúng ta chỉ có thể tiếp tục bíu dìu nhau sống cảm tính như đám côn trùng trong hũ tối.

Paul Đức 28/12/2017




24 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page